“Không dữ dội, cao trào, cuộc cách mạng chống thói gia trưởng của mẹ con tôi cứ kiên trì, bền bỉ như đánh du kích” - đó là lời kể vui vẻ, tự hào của bà Minh khi nhắc kỷ niệm cùng con dâu.
Thùy Trang (sinh năm 1980), yêu anh Thắng - con trai bà Minh khi cả 2 cùng ở giảng đường sư phạm. Ra trường, Trang đi dạy, Thắng theo giúp việc cho công ty gia đình người thân. 3 năm sau đó, họ kết hôn.
Trước khi cưới, Thắng hay kể ở nhà anh, ai cũng sợ ba. Ông Quang - ba anh - vốn là sĩ quan quân đội về hưu. Huân, huy chương của ông đeo đầy trên ngực áo, dán khắp nơi trong nhà. Nói ông Quang “thét ra lửa” cũng không sai.
Theo lời Thắng kể, đồng đội của ba anh sau này gặp lại, nhiều cô chú vẫn còn “rén” ông. Bạn bè đã vậy, vợ con còn sợ ông hơn; nhất là bà Minh, ngày xưa vốn từng làm “lính” dưới trướng của chồng.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Sau năm 1990, vợ chồng đều về hưu, tính gia trưởng của ông ngày càng trầm trọng. Hình như ông muốn cả nhà phải “vào trật tự” y hệt trong quân ngũ.
Ông Quang không trực tiếp dạy con nhưng buộc bà Minh phải rèn con theo “gia pháp” ông soạn: tới giờ phải dậy, ăn, học, đọc sách, tập thể dục… không được sai chút nào. Nhà có 4 đứa con. Dù trai hay gái, 6 tuổi phải bắt đầu học nấu cơm, 13 tuổi phải chạy rành xe đạp, 18 tuổi mới được chạm vào xe máy, mà trước khi tập lái xe phải học cho xong luật giao thông…
Mỗi lần về phép, thấy các con chỗ nào còn chệch choạc là vợ và 4 người con đều phải quỳ nghe ông giảng đạo lý ít nhất nửa tiếng. Kỷ luật nghiêm đến hà khắc của ba giúp các con đều ăn học thành tài. Nhưng khi các anh chị lập gia đình, không ai dám ở chung, thậm chí về nhà thăm ba cũng là chuyện chẳng đặng đừng họ mới làm, vì quá sợ thói kỷ luật đến “khủng bố” của ông.
Thắng nói với Thùy Trang, sau cưới phải ở riêng; vì anh biết về sống chung với ba mẹ, Trang sẽ sốc. Thắng biết gia đình Trang ba mẹ rất bình đẳng và yêu thương nhau. Ba Trang là phó giám đốc một công ty lớn nhưng ông luôn phụ vợ việc nhà, kể cả chuyện đưa đón chị em Trang đi học ông cũng xí phần để vợ thong thả đi làm, tiện lo chợ búa, chăm cha mẹ chồng sống chung…
Ban đầu Trang nghĩ Thắng nói quá. 3 lần gặp mặt trước ngày cưới, Trang thấy ông Quang có hơi nghiêm nghị thôi chứ không dễ sợ như Thắng kể.
Và rồi Trang sốc thật. Ngay bữa cơm đầu tiên sau đám cưới, cô thấy bà Minh toàn chạy ngược xuôi từ phòng bếp ra phòng khách chỉ để phục vụ chồng ngồi ăn cùng con cháu. Ban đầu chỉ là ông đòi nước tương, muối ớt chanh để chấm trong khi trên bàn nhiều loại nước chấm phù hợp với các món ăn như nước mắm y, nước mắm tỏi ớt chua ngọt, muối tiêu chanh, tương ớt, tương cà, mắm nêm… đã được pha sẵn mỗi người một chén riêng.
Sau đó, ông yêu cầu bà chạy lấy 4 đĩa nhỏ, sớt đồ ăn thay cho 2 đĩa lớn trên bàn rồi xào thêm rau vì bàn ăn toàn món thịt… Đến cuối cùng, ông đòi thay chén mới cho mọi người ăn lẩu thì Trang hết chịu đựng nổi, cô chạy đi phụ mẹ chồng.
Nhìn con dâu mới chạy vô giúp vợ, ông quát: “Để mẹ mi làm, bà ấy quen rồi!”. Bà Minh cũng vội vàng: “Mẹ quen rồi, để mẹ làm!”. Còn người chị dâu lớn và 2 chị chồng thì kéo tay Trang ngồi yên trên ghế. Bữa tiệc đang vui, không khí bỗng nhiên căng thẳng hẳn.
|
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team |
Sau bữa tiệc, 2 người chị chồng, người chị dâu và cả bà Minh đều gặp riêng Trang đề nghị cô mặc kệ ba chồng đi; rằng mẹ đứng hầu ba ăn đã hai mấy năm rồi chứ phải mới đây đâu. Thế nhưng, Trang không mặc kệ được. Mỗi khi rảnh, thay vì ở nhà hay đi tập thể dục một mình, cô qua nhà ba mẹ chồng, rủ bà Minh đi chợ, cùng nấu nướng.
Mỗi ngày cô rỉ tai bà Minh một ít; trong các bữa ăn, cô tranh thủ kể chuyện bên nhà mình, rằng: “Ba con nấu món này, món kia ngon lắm, rằng ba ủi áo dài cho chị em con đi học”…
Rồi cũng từ đó, mỗi lần ba chồng sai mẹ chồng việc gì, cô đều giành phần làm thay. Có khi cô vội đi dạy, ăn xong, cô mang chén mình xuống bếp rửa trước, ông Quang thấy vậy hay kêu: “Để đó mẹ con dẹp”. Cô như gặp dịp nói liền: “Nhà con vậy không hà, quen rồi ba. Có cái chén thôi mà, rửa nhanh xong, phụ mẹ một tay. Anh Thắng cũng phụ con nên cũng đỡ lắm”.
Rồi Trang rủ mẹ chồng cùng đi tập yoga. Ban đầu bà Minh ngại: “Ba con không chịu đâu”. Mà ông Quang không chịu thật, ông nói bà vẽ chuyện, ở nhà coi ti vi tập theo cũng được, đi đâu. May ngay thời điểm ấy, Trang đọc được bài báo về chuyện một người tập yoga sai cách bị vẹo cột sống. Cô mang qua để ngay bàn trà, còn như vô tình chỉ mẹ chồng xem, rồi nói thật to: “Trước giờ con thấy mẹ học lóm không thôi, giờ nên tranh thủ vào học với thầy, tập thở, giãn cơ cho đúng cách nha”.
Cứ vậy, sau những chuyến đi tập chung với nhau, không nói thẳng ra, nhưng cặp mẹ chồng - nàng dâu ấy bắt đầu công cuộc “cách mạng” chống thói gia trưởng của ông Quang. Nhiều lần họ nói gần nói xa kiểu “phải bằng lòng với hạnh phúc sẵn có”, đừng đòi hỏi người khác khi mình có thể tự làm được, đừng áp đặt con cháu chọn nghề, chọn trường.
Tuy nhiên, không phải cứ mưa dầm là thấm đất, nhiều sự việc Trang và mẹ chồng phải kết hợp dùng chiêu, còn nhờ cậy anh trai, chị dâu lớn vào cuộc. Ví như chuyện chia tài sản. 4 đứa con, người nghèo nhất là chị Hai - vợ chồng là giáo viên, giờ vẫn ở nhà thuê; vậy nhưng khi bán bớt 1 căn nhà, chia tiền cho các con làm ăn, ông Quang loại thẳng 2 cô con gái.
Ông nói: “Nữ sanh ngoại tộc, con gái là con người ta. Cho nó vài triệu đồng chia vui thôi. Trong di chúc, ba cũng không có phần 2 đứa nó đâu”.
Chị Hai, chị Tư buồn vô cùng, nhưng không dám nói gì, bởi tài sản là của ba mẹ. Trang và chị dâu lớn phải nói cứng, nếu ba không cho chị Hai, tụi con cũng xin không lấy phần mình. Nhiều năm qua, nhờ chị Hai hy sinh đi làm sớm, phụ ba mẹ nuôi các em mới ăn học thành tài. Nói và khóc thật nhiều, ông Quang mới xiêu xiêu.
Cả tháng sau khi bán nhà, ông mới yêu cầu họp gia đình. Bà Minh kiên trì yêu cầu chồng phải quyết: tiền bán nhà cho chị Hai 2 tỉ đồng mua căn hộ chung cư, phần còn lại mới mang chia 4, ba mẹ 1 phần, 3 đứa con còn lại mỗi đứa 1 phần.
Mọi chuyện đâu vào đó, bà Minh mất ngủ tới mấy đêm liền vì không tin được rằng mình có quyền đưa ý kiến để định đoạt tài sản chung của vợ chồng. Trang phải chia vui với mẹ chồng suốt cả tuần sau đó bà mới bình tĩnh lại được. Bà nói: “Gần 30 năm chung sống, tôi mới được có ý kiến với chồng về chuyện lớn như nhà cửa, tài sản”.
Chỉ 2 năm sau khi có con dâu mới, nhiều người quen gặp lại ông Quang đều bất ngờ vì sự thay đổi, dễ chịu hẳn của ông. Hôm giỗ gia tộc, mọi người bất ngờ khi thấy người phụ nữ quanh năm chỉ biết đứng hầu chồng con ăn cơm giờ đã đàng hoàng ngồi mâm.
Tháng Chín này, Trang và Thắng sẽ kỷ niệm 15 năm ngày cưới. Đôi vợ chồng đã dọn về nhà ba mẹ chồng sống chung 9 năm qua. Nhìn vào gia đình hạnh phúc, nền nếp ấy, ai cũng ngưỡng mộ. Chỉ riêng các thành viên gia đình biết, để có được hôm nay là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cặp mẹ chồng - nàng dâu đặc biệt này.
Mỗi lần có ai khen bà Minh có phước, khen ông Quang chiều vợ, bà Minh liền tủm tỉm cười, khoe liền: “Nhờ con dâu tôi không đó”.
Theo phụ nữ TPHCM