Hôm qua, bạn tôi đăng một dòng trạng thái đáng yêu lên Facebook. Cô ấy viết: “Cảm giác mà tôi thích nhất khi về nhà là được một mình mộng mơ, yên lặng bên trong một căn phòng đóng kín cửa. Ngoài kia là tiếng chồng đang xem tivi, tiếng trẻ con đuổi nhau chạy nhốn nháo”.
|
|
Gia đình là nơi bắt đầu tình yêu thương vô điều kiện ( Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Tôi gọi trạng thái này đáng yêu, bởi xét vào nhiều lúc, nó rất trùng hợp với mong muốn, cảm xúc của tôi. Với tôi, vẻ bình yên, hạnh phúc của một gia đình không phải lúc nào cũng được thể hiện bằng ràng buộc, hy sinh, kỳ vọng, hết mình đáp ứng lẫn nhau. Sự đáng yêu, bình ổn của một gia đình là sự cân bằng, lặng lẽ, là sự tự nguyện có mặt, hiển nhiên có mặt để bao dung cho những cái tôi riêng tư được tiếp tục vui thích, sâu sắc và tự do phát triển.
Tôi từng nghe đâu đó một câu nói: "Người chết hy sinh thì chết thật. Người sống hy sinh thì sống giả". Câu nói trên nghe qua thì có vẻ rất trần trụi, nhưng ngẫm lại, nội dung thật thấm thía, sâu cay. Trên đời này, không có sự hy sinh quá đà nào lại mang đến kết quả hoàn toàn tốt đẹp. Trái lại, trong mối quan hệ hai chiều, nếu một bên năm này qua tháng khác chỉ cho đi, chỉ hy sinh, bên còn lại sẽ tự có cơ chế khắc sâu vào não trạng một tâm thế đáp trả bạc bẽo, vô ơn. Về lâu dài, họ chỉ như một cây tầm gửi mà chẳng thể trưởng thành, lớn lên.
Dạo gần đây, giới trẻ không còn yêu thích những cuốn sách, bộ phim về gia đình quá đặt nặng đức hy sinh. Nhịp sống đã khác, tư duy thời cuộc cũng đã khác, thay vì đặt câu hỏi và cảm thấy nặng nề về sự cho - nhận không hợp lý, mọi người cần những bài học khác về sự chủ động, nỗ lực, vươn lên làm mới bản thân. Sau cùng, ai nấy đều nhận ra, chỉ có sự tích cực trong suy nghĩ, quyết liệt trong hành động mới giúp mỗi người trở nên mạnh mẽ, có giá trị, đủ sức tạo dựng một mối quan hệ tử tế, an toàn.
|
|
Dành nhiều thời gian bên con ( Ảnh nhân vật cung cấp) |
Từ khi sinh con gái đầu lòng, rồi ngày ngày chứng kiến con dần lớn lên, tôi đã luôn cố gắng nói cho con nghe thật đa chiều về hai chữ “gia đình”. Tôi muốn con hiểu, bên cạnh ấm áp, sẽ chia, gắn bó thì "gia đình" còn là một khái niệm đi kèm với áp lực, mệt nhoài, trách nhiệm, sự cân nhắc,...
Thỉnh thoảng hoặc thường xuyên, ở gia đình xuất hiện những luồng cảm xúc hào hứng, hân hoan, mới mẻ là do các thành viên biết cách dành cho nhau sự thấu hiểu, thoải mái. Người này biết tạo điều kiện để người kia được tự do sống như thể họ đang... không có một gia đình.
Tôi muốn nói với con, tiền đề để tạo nên một gia đình cân bằng và vui vẻ đó là mỗi cá nhân, thành viên trong chính gia đình ấy luôn được tin tưởng, tôn trọng và yêu thương vô điều kiện. Mỗi người phải được tự do, trung thực trong cảm xúc, độc lập trong suy nghĩ và hành động.
Có thể, càng lớn, càng ra đời, những va chạm bên ngoài sẽ là thách thức, là lửa thử vàng giúp con thêm vững vàng, cứng cáp, nhưng có nhiều lúc, những áp lực cũng khiến con mệt mỏi, rã rời, cô đơn. Những lúc ấy, gia đình chính là nơi con hồi hướng, quay về.
Ai cũng đôi lần như cánh chim sũng nước, cần được bay về tổ để sống thật, nương náu rồi lần nữa bay lên.
Theo phụ nữ TPHCM