10 giờ sáng, trong căn nhà khang trang ở đường 164, ấp 5, xã Bình Mỹ, H.Củ Chi, TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (50 tuổi, tên thường gọi là cô Út) nằm nghỉ trên giường còn ông Ngô Hoàng Lâm (49 tuổi) chuẩn bị bữa trưa.
Thấy chúng tôi đến, bà Thuý nói với chồng: "Anh đỡ em dậy nói chuyện với mọi người".
Kiên trì theo đuổi
Bà Thúy kể, trước đây vợ chồng bà ở P.15, Q. Gò Vấp mới chuyển về đây hơn 1 năm. Họ đang ở nhờ nhà của người cháu. Bà là con út trong gia đình có 7 anh chị em. Vợ chồng bà nên duyên cách đây 20 năm, họ có một người con gái hiện đang học trường ĐH Hutech.
Ngày ngày, ông Lâm dậy sớm chở con gái đi học, đỡ bà Thúy lên xe lăn đẩy đi dạo quanh xóm và chạy xe ôm kiếm chút tiền trang trải. Hơn nửa năm nay, bà phải ngồi xe lăn, không tự đi lại được.
Bà bị u đa sợi thần kinh từ nhỏ. Ba mẹ đưa đi bệnh viện nhưng không chữa được đành chấp nhận sống chung. Học đến lớp 10, các khối u phát triển đầy người. Tương lai mù mịt, ngoại hình xấu xí, bà nghỉ học về nhà bán hàng nước.
"Thời điểm đó, tôi không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Khoảng năm 27 tuổi, tôi gặp chồng. Ông làm thợ sơn nước, thường ghé quán uống nước, nói chuyện dần dần. Hồi đó nghĩ chỉ quen vui thôi nhưng ông thương thật, quen nhau 5 – 6 năm mới cưới", bà kể lại.
Tuy nhiên, để nên duyên vợ chồng, ông bà cũng gặp nhiều trắc trở. Suốt 5 – 6 năm, ông cứ đến uống nước, rủ bà đi ăn chè. Thời gian đầu, bà không có nhiều ấn tượng với ông. Gia đình kịch liệt phản đối vì sợ ông lợi dụng bà. Ông vẫn kiên trì theo đuổi, mặc sức anh em của bà ghét bỏ, thậm chí đánh đập.
"Lúc gặp ông, các khối u nổi nhiều hơn. Tôi tủi thân lắm, nghĩ bao nhiêu người con gái trơn tru sao ông không gặp. Tôi buộc miệng nói: "Anh đừng quen em nữa, tội nghiệp em và anh". Tôi chẳng dám yêu ai nhưng ông thương quá nên mới ngả lòng. Gia đình tôi sợ ông sinh con đẻ cái xong bỏ là tội nghiệp tôi nên nhất quyết không đồng ý. Ai muốn làm gì, muốn chửi gì, ông cũng kệ. Có đợt ông về quê 3 năm sau mới quay lại, tiếp tục quen với suy nghĩ "được ăn cả, ngã về không", người phụ nữ bộc bạch.
Trái ngược với gia đình bà Thúy, gia đình ông Lâm hoàn toàn không ngăn cản. Mẹ bà cũng đồng ý cưới, vợ chồng bà về Bình Thuận (quê ông Lâm) ra mắt 1 ngày.
"Có lần tôi đi mổ về, thay vì mẹ thì ông là người tắm cho tôi. Ông thấy cơ thể mình nhưng cũng nói để anh tắm cho, đừng có ngại. Nhiều người nói ông đầu óc bị gì hoặc tôi dùng gì mê hoặc, ông mới đeo như vậy. Tôi có đẹp đẽ gì đâu, chỉ sợ không được bao lâu nhưng nhoáng cái cũng 20 năm chung sống với nhau rồi", bà chia sẻ.
"Kiếp sau anh vẫn là chồng em!"
Bệnh tật vẫn không buông tha cho người phụ nữ kém may mắn về ngoại hình. Khoảng 5 – 6 năm sau khi khối u trên cơ thể phát triển mạnh mẽ, bà đi khám và tiếp tục phát hiện bị ung thư vú. Bà điều trị liên tục 5 năm và có sự đồng hành, chăm sóc của chồng.
"20 năm nay, vợ chồng đôi lúc có lời qua tiếng lại nhưng không bao giờ xưng mày, tao, vẫn luôn xưng anh, em. Lúc cưới nhau về được vài tháng, tôi cấn bầu, ăn không được toàn buồn ói, chồng làm đủ kiểu, mua cháo, cơm nước bê lên tận phòng. Ông áp vào bụng luôn miệng nói: "con đừng quậy mẹ, mẹ đã không ăn được rồi", bà nhớ lại.
Con gái chào đời, nặng 2,2kg, vợ chồng bà vỡ òa hạnh phúc. Mẹ bà cùng hỗ trợ, chăm sóc cháu gái. Nhìn vợ nằm trên giường mổ, ông cúi xuống hôn và nói: "Mừng quá em à. Con mình là con gái, anh khoái lắm". Nói xong, cặp vợ chồng xúc động ôm nhau khóc.
"Sinh con xong, tôi thấy nổi u lên nhiều nhưng chồng vẫn động viên bảo rất ít, có li ti mấy chỗ. Dần dần, những người xung quanh cũng nhận ra tình cảm vợ chồng. Có con gái, họ không lôi kéo nhau phán xét nữa. Giờ đổi ông lấy 1 tỉ tôi cũng không đổi", bà chia sẻ và cho biết bà từng mang thai lần 2 nhưng bị sẩy. Sau sự cố đó, ông vẫn ngày ngày chăm sóc cho bà mau lại sức.
"Cuộc sống nhiều hạnh phúc nhưng cũng đầy nỗi lo, tôi sợ ông bỏ rơi tôi. Ngược lại ông sợ tôi phát bệnh, ra đi trước. Cách đây chừng một tháng, tôi lên cơn đau tim, con gái có gọi xe cấp cứu, sau sức khỏe ổn định dần. Ông sợ đến rơi nước mắt và nói: "Em yên tâm đi, kiếp sau anh vẫn mãi là chồng em", bà xúc động nói.
Ông Lâm chia sẻ, không từ nào có thể diễn tả được tình yêu ông dành cho bà. Ông không nghĩ nhiều đến ngoại hình, bệnh của bà, cứ làm theo cảm xúc của bản thân. Ấn tượng của ông về bà là nói chuyện rất cuốn hút.
"Tìm hiểu để lấy vợ tôi không nghĩ đến việc kiếm cô này đẹp, cô kia giàu có chỉ nghĩ gặp và lấy bà là duyên nợ với nhau, ông trời sắp đặt đâu né được. Bên nhà tôi không sao nhưng phía nhà vợ sợ không được hạnh phúc, nghĩ tôi lợi dụng. Dần dần tình cảm lớn, hai bên đến với nhau, chia sẻ, thông cảm nên gia đình cũng không ngăn cản nữa", ông nói.
Cuộc sống vợ chồng đôi lúc gặp khó khăn, sinh con, bà phát bệnh. Ông nghỉ việc cũ, chuyển qua làm nhân viên công ty cây xanh 9 năm. Thời gian dần trôi, ông cố gắng vượt qua khó khăn khi được vợ con chia sẻ.
"Bà có tính hay tưởng tượng. Bạn bè có tới chơi nhà tối về bắt đầu suy nghĩ tôi không chung thuỷ. Tôi thường nói với bà rằng, có đói, có khổ cũng 20 năm rồi nên bà yên tâm để tôi chăm sóc. Chở bà đi chợ, mọi người tưởng là mẹ. Tôi nói đó là vợ tôi, mắc bệnh nên người bị vậy. Nếu không nói tôi sợ vợ buồn, tủi thân. Mẹ vợ còn sống cũng giúp vợ chồng tôi. Giờ lo cho con gái học hành tới nơi tới chốn là tôi vui rồi. Nghĩ lại vợ chồng cũng dãi nắng, dầm mưa nhiều, khó khăn rồi cũng qua", ông lạc quan.
Ông Hoàng Ánh Tuấn (52 tuổi, hàng xóm bà Thúy) cho hay: "Vợ chồng họ mới về đây sống hơn 1 năm nay. Ngày ngày tôi hay thấy ông đẩy bà đi dạo, chở đi khám bệnh. Ngoại hình bà không may mắn nhưng ông vẫn chăm sóc bà".
Ông Nguyễn Tây Tư (trưởng ấp 5, xã Bình Mỹ) cho biết, trước đây vợ chồng bà Thúy thuộc hộ nghèo ở Q.Gò Vấp. Về địa phương sinh sống, ông cũng lên danh sách, lấy hồ sơ bệnh án để có chính sách hỗ trợ hộ gia đình khó khăn.
"Mặc dù cuộc sống vất vả nhưng ông Lâm vẫn chăm lo cho vợ rất tốt, tình cảm. Dù bà bị bệnh ông không bỏ bê, ngày ngày cơm nước cho vợ", ông Tư nói.
Theo Thanh niên