Giữa trưa tháng 6, trời Hà Nội như đổ lửa. Trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, Svetlana Nguyen rướn mình, dùng hết sức xốc người chồng liệt toàn thân lên vai, di chuyển từng đoạn nhỏ ra xe đẩy.
"Mình chuyển viện Papa nhé", vuốt vội mồ hôi trên trán, người phụ nữ Ukraine với mái tóc vàng thủ thỉ và xoa nhẹ tay người đàn ông ngồi trước mặt. Ông Thắng - chồng bà - dù không nói được cũng cố đánh ánh mắt sang nhìn vợ, miệng ú ớ. Khoảnh khắc đó khiến Svetlana mừng rỡ bởi bà hiểu chồng mình đang dần bình phục. Đã gần 20 năm, kể từ ngày ông Thắng lâm bệnh, không thể tự chăm sóc bản thân, Svetlana dường đã quen với cảnh hai vợ chồng "ở viện nhiều hơn ở nhà".
"Có những lúc cuộc sống bế tắc tưởng không thể tiếp tục, nhưng rồi nhìn chồng và các con, tôi lại có thêm động lực để cố gắng", Svetlana Nguyen nói.
Tình yêu của họ bắt đầu từ năm 1988 khi hai người lần đầu gặp nhau tại căng-tin Cục hải quan thành phố Kiev trong một lần anh Thắng đến gửi hàng. Hai năm sau, họ kết hôn. Chàng trai Việt Nam quyết định ở lại Ukraine, thay vì về nước như kế hoạch trước đó. Năm 2000, anh bàn với vợ, mình và con gái 9 tuổi về Việt Nam tìm cơ hội làm ăn, hứa công việc ổn định sẽ đón cả chị và hai con trai sang đoàn tụ.
Chồng về nước được một năm thì Svetlana nghe tin anh đột quỵ, giữ được tính mạng nhưng liệt toàn thân. "Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc, thấy bế tắc cùng cực. Nhưng rồi lại tự dặn lòng phải cố gắng, biết đâu có phép màu xảy ra", người phụ nữ 55 tuổi hồi tưởng cú sốc 20 năm trước. "Dù khó khăn thế nào cũng phải cố gắng. Chúng tôi đến với nhau bằng tình yêu khi khỏe mạnh thì cũng đối xử với nhau bằng tình yêu khi ốm đau", chị khẳng định rồi mua vé bay sang quê chồng.
Có lẽ 30 năm trước, khi lần đầu tiên nắm tay người đàn ông Việt, Svetlana không ngờ chặng sau của cuộc đời mình lại nhiều chông gai đến vậy.
Sang Việt Nam chăm chồng, hàng ngày Svetlana dậy rất sớm nấu ăn cho cả nhà rồi ngồi xoa bóp chân tay để chồng đỡ đau nhức. Anh Thắng bị liệt, nằm lâu nên các cơ xương co cứng. Để đưa chồng xuống ghế ngồi, người vợ phải dùng hết sức xốc lên vai rồi di chuyển từng bước nhỏ. Mỗi lần như thế chị phải xoay xở hàng chục phút, người đẫm mồ hôi. Svetlana nói, nếu không làm vậy, chồng nằm lâu trên giường lưng hông dễ lở loét.
Ngày khỏe mạnh không sao, có lúc chồng con cùng lúc ốm, bản thân mệt mỏi không dậy nổi, nằm trên giường mà nước mắt chị chảy ướt gối. Thế nhưng, khóc xong chị lại ngồi dậy làm việc vì cả gia đình chỉ dựa vào mỗi mình. Hai mươi năm ở Hà Nội, người phụ nữ Ukraine chỉ về nước một lần để bán hết nhà cửa, đồ đạc, xe cộ và cả nhẫn đính hôn... mang tiền sang chữa bệnh cho chồng.
Không biết tiếng Việt, vừa chăm chồng lại nuôi 3 con nhỏ, Svetlana nhiều lúc thấy ông trời quá bất công với mình. Thấy chị vất vả, bạn bè có người khuyên nên về nước tự giải thoát cho bản thân, nhưng Svetlana chỉ im lặng quay đi. Chị bảo: "Vợ chồng sống với nhau còn vì tình nghĩa. Nếu tôi bỏ đi, ai là người chăm lo cho anh mỗi ngày". Nhờ sự chăm sóc của vợ, sức khỏe của anh Thắng dần được cải thiện, sau hai năm có thể đi lại và tự chủ được một số việc.
Hơn hai năm chồng ốm, tiền tiết kiệm cũng cạn kiệt. Svetlana quyết định kiếm việc làm. Nhà chồng cho một căn hộ tập thể ở phố Ngọc Khánh, họ chia đôi một nửa để ở, một nửa mở quán bán cà phê. Cả nhà gom góp được vài trăm nghìn mua chiếc tủ lạnh cũ, đường và cà phê cũng được bạn bè giúp đỡ. Không có tiền thuê nhân viên, hai con lớn đang học cấp hai phải dành nửa buổi phụ giúp mẹ bán hàng.
Quán cà phê nhỏ của bà chủ người Ukraine mở năm 2004 thỉnh thoảng đón tiếp đồng hương và những người học tập tại Liên Xô cũ ghé qua. Vài lần Svetlana mời họ những món ăn chị tự nấu, được khen ngon, họ gợi ý nên bán thêm những món ăn của quê hương. Thực đơn của quán dần được hình thành và thêm thắt theo nhu cầu của khách.
Từ khi quán ăn được mở rộng, cuộc sống gia đình 5 người cũng bớt khó khăn. Ba người con không còn phải mặc lại quần áo cũ người khác cho, tiền viện phí của anh Thắng không phải vay ngoài nữa. Thu nhập từ quán cũng giúp Svetlana nuôi ba con trưởng thành, đều học đại học. Hai con lớn hiện mở quán ăn Nga tại Sài Gòn, còn cậu út theo học tại Canada.
Natalia, một người bạn của hai vợ chồng nói, cô phục Svetlana ở tinh thần lạc quan, chưa bao giờ nản chí. "Để có tiền đóng viện phí cho chồng, chị ấy làm việc không ngừng. Lễ Phục sinh vừa rồi, có những ngày Svetlana làm việc đến 2h sáng để hoàn thành đơn hàng cho khách, sáng lại vào viện mà chẳng tỏ ra mệt mỏi bao giờ", cô gái Nga nói về người bạn của mình.
Cuộc sống được cải thiện nhưng thử thách cuộc đời lại không chịu buông tha người phụ nữ Ukraine. Hai mươi năm qua, ông Thắng đã có hàng chục lần nhập viện, vài lần thập tử nhất sinh và 4 lần bị đột quỵ, hai lần liệt toàn thân nhưng sau tập luyện lại đi đứng được. Lần gần nhất vào tháng 2/2021, ông bị suy tim, tụ máu não, chuẩn bị phẫu thuật lại bị tai biến ngay tại viện. Dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội cuối tháng 4, người nhà không được vào phòng bệnh chăm sóc. Nằm liệt nhiều ngày, ông bị viêm loét lưng, tiếp tục phải chuyển viện để chữa vết thương trước khi ca mổ chính diễn ra.
Ở lần đột quỵ này, có thời điểm ông hôn mê nhiều ngày, bác sĩ thông báo trả về lo hậu sự. Nghe tin, Svetlana suy sụp, mọi cố gắng và hy vọng của cô dần như tan biến. Người vợ vào phòng bệnh, ngày ngày nắm tay chồng, nói về tình yêu ngày xưa của họ, về những đứa con đã trưởng thành, mong ngóng bố ra viện. Một lần, ông có phản ứng, nắm tay vợ rất chặt, Svetlana quyết xin cho chồng ở lại điều trị tiếp. "Tôi luôn tin sẽ có ngày anh ấy sẽ khỏe lại", cô thuyết phục bác sĩ.
Con cái đều đang ở xa, những ngày chồng nằm viện, Svetlana phải cáng đáng mọi việc. Mỗi ngày cô dậy từ 5h sáng, sang thăm chồng rồi về quán chuẩn bị đồ ăn phục vụ khách. Khi rảnh lại qua viện, rồi lại trở về quán làm việc, tất bật cho đến 12h đêm. Hơn một tháng Hà Nội tạm dừng hoạt động quán ăn phục vụ tại chỗ do Covid-19, doanh thu của quán gần như không có. Để lo tiền viện phí cho chồng, Svetlana nhờ con cái giúp đỡ và vay mượn thêm mới đủ. Tuy vậy, cô chưa bao giờ nghĩ đến hai từ "bỏ cuộc".
Hai mươi năm đủ để thay đổi diện mạo của một thành phố, cũng có thể thay đổi số phận một con người, nhưng với người phụ nữ này, điều không thay đổi là tình yêu dành cho người chồng Việt. "Tôi chỉ muốn cùng anh ấy già đi và trải qua quãng đời còn lại cùng nhau", Svetlana nói.
Người phụ nữ Ukraine luôn hy vọng sẽ có ngày chồng khỏe lại, hai người cùng quay lại thăm thành phố Kiev - nơi nhiều năm trước họ đã gặp và yêu nhau.
Theo vnexpress