Chị Nguyễn Thị Hằng và các con sống ở ấp 2A, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM trong khuôn viên khá rộng. Trong nhà có phòng gội đầu, có ghế mát xa, phòng karaoke cách âm. Khi nào cần gội đầu, có người gội cho chị; làm mệt thì có ghế đấm bóp, buồn thì ca hát - một mình hoặc cùng bạn bè.

Con cháu cận kề, công việc thì lúc nào cũng có để làm. Tất cả những điều kiện tốt ấy khiến chị Hằng chỉ thích ở nhà, nhất định không chịu đi chơi xa. Chị bảo, những gì chị có được như ngày hôm nay là hạnh phúc nhất rồi, chị không cần gì hơn nữa, bao lời mời gọi đi chơi chị không hứng thú.

leftcenterrightdel
 Chị Hằng và 2 cháu nội rất thân thiết với nhau

Có người nói, có sức khỏe và có tiền như chị để làm gì? Đất nước mình biết bao cảnh đẹp, bao điều kỳ thú nên khám phá, làm bạn với tiền có gì vui? Người ta nói không sai, nhưng chị có lý do của chị, chị không tìm thấy niềm vui mỗi khi ra ngoài. Trước giờ chị chỉ về quê 1 năm đôi lần, quê xa chừng 100 cây số, đi về trong ngày rồi lật đật lên.

Thực ra, ngày trẻ chị cũng đi đây đi đó, dù không nhiều, nhưng chị không tìm thấy niềm vui khi du lịch. Chị không quen tới chỗ đông người, nóng nực, ồn ào. Về tới nhà, chưa kịp xuống xe đã… hô khẩu hiệu: “Không đi đâu bằng về nhà. Dù cái ổ be bé vẫn là của mình”.

Chị nói thế, tôi nghĩ hẳn chị yêu ngôi nhà chị lắm. Đó là ngôi nhà dành cho người hướng nội, có ánh sáng và gió lùa, có cỏ cây hoa lá, mọi vật dụng được chọn lựa, sắp xếp kỹ càng, chỉ cần nhắm mắt cũng có thể chạm từng ngóc ngách dễ dàng.

Tuổi 54, chị vẫn luôn dành thời gian chăm sóc bản thân. Ngồi làm việc tay chân tại nhà, nhưng mặt mày lúc nào cũng tươi rói, quần áo luôn đẹp, đặc biệt chị chỉ làm khi thấy hứng thú và cho phép mình nghỉ ngơi nếu cảm thấy lười biếng. Chị cũng có vài người bạn thân, thỉnh thoảng chị mời họ tới nhà ca hát, uống vài ngụm bia hay tám chuyện. Chị thường bảo, bạn bè tuy ít nhưng chất lượng, quan trọng nhất là hiểu nhau.

Chị nói, mỗi người có mỗi cách xài tiền khác nhau. Không đi du lịch thì chị làm từ thiện. Mỗi phần quà dành cho người nghèo đều chất lượng và đẹp mắt, dù đó vẫn là gạo, dầu, mắm, đường… quen thuộc. Gạo phải là gạo thơm, dầu hay mắm phải có thương hiệu, gói ghém phải đẹp, thể hiện sự trân trọng.

Sau này, nhiều người hiểu chị hơn, họ thôi thắc mắc tại sao chị cứ quẩn quanh ở nhà. Chị cũng bảo mỗi người có những cách hưởng thụ không giống nhau.

Chị thích thay đổi, dịch chuyển các vật dụng, nội thất trong nhà; chị không thích chúng bị… chôn chân. Từ bộ ghế salon phòng khách, đồng hồ treo tường, ghế mát xa toàn thân tới lọ hoa, vài ba tháng là chị thay đổi chỗ cho chúng. Bởi vậy, nhà chị thỉnh thoảng trông mới mới, lạ lạ.

Với chị, đó cũng là cách tiêu khiển. Ngắm nhìn thành quả lao động, xê dịch vật dụng trong nhà theo sở thích cũng là một cách hưởng thụ. Ở vật dụng mà chị còn tìm cách thay đổi huống gì cơ thể mình.

Chị tới phòng tập thể dục mỗi ngày để duy trì vóc dáng, sức khỏe. Bạn bè ở phòng tập cũng rất dễ thương. Lễ lạt là tổ chức vui chơi, ăn uống, chụp hình. Phòng tập ở gần nhà nên chị đi tập khá đều đặn. Chị còn có 2 đứa cháu nội vô cùng yêu quý. Chị vẫn thường bảo, chị không có… số đi du lịch, nhưng chị hạnh phúc khi được làm những gì mình thích.

Hạnh phúc ở ngay tại nhà mình. Hạnh phúc “đậu” trên đôi môi tươi thắm của các cháu nội. Hạnh phúc là khi thấy bộ salon, chiếc đồng hồ có chỗ ở mới; là khi chị được cất tiếng ca sau mỗi giờ lao động mệt nhọc…

Theo phụ nữ TPHCM