Hương sinh năm 1995, từng là sinh viên Trường cao đẳng Văn hóa. 8 năm trước, cô gái người dân tộc Thái Đen cùng chàng trai người Thái Trắng Lò Thế Anh kết hôn sau 4 năm hò hẹn và chờ đợi nhau. Với nhiều đồng bào, mối tình của Hương và Thế Anh khá là tiến bộ, bởi họ yêu nhau từ ngày chung lớp Mười hai nhưng không theo tập tục cưới sớm mà vun đắp tình yêu bằng cách nỗ lực học tập, tìm việc làm, có thu nhập riêng.

leftcenterrightdel
 
Thế rồi, lần lượt 2 bé con ra đời. Cuộc sống nên thơ của đôi trẻ tự lập đối diện nhiều khó khăn. Cô lễ tân khách sạn Mạnh Tuân, thị trấn Mộc Châu bắt đầu phải xoay xở thêm cho cuộc sống. Hương bàn với chồng mua bán thêm hàng hóa để trang trải. Được quản lý khách sạn đồng ý, Hương lấy heo gác bếp, chẩm chéo, cam canh, mận, táo… trong nhà mang ra chào khách. Hương kể, ban đầu nhiều người còn e ngại, vì hàng của cô chưa có nhãn mác. Nhưng ăn một lần thấy ngon, du khách quay lại tìm, ủng hộ và góp ý cho cô xây dựng thương hiệu riêng.

Hương rà trên mạng xem cái tên nào đã có, cuối cùng lấy luôn tên mình, gắn với quê hương, thành thương hiệu Hương Mộc Châu. Được khách tin tưởng, từ chia lại thực phẩm trong nhà, vợ chồng Hương đầu tư làm bếp, xẻ thêm thịt heo bình thường kèm thịt heo bản, vừa để phong phú sản phẩm, vừa để chủ động nguồn hàng. Cô nói: “Thịt heo bản giờ không nhiều nữa, vì nhu cầu người dùng từ miền xuôi nên giá cũng lên rất cao. Tôi phải dùng thêm thịt heo thường, giá rẻ hơn một chút”. Cứ vậy mà Hương Mộc Châu có đến 2 dòng sản phẩm heo gác bếp. Hỏi cô sao không làm thêm trâu hay loại thịt khác cho phong phú thêm sản vật. Cô nhỏ nhẹ cười: “Dạ, sức em có nhiêu thôi”.

Để có hàng bán, đôi vợ chồng trẻ phải thức khuya, dậy sớm hơn rất nhiều. Nhà ở ngay thị trấn, nên cái khổ nhất là đi tìm củi. Thế Anh kể, mấy năm nay, ngày nghỉ của 2 vợ chồng toàn để dành đi… kiếm củi. Có khi phải đi mười mấy cây số mới tìm được bó củi đốt lò. Hương phát hiện cách chế biến truyền thống của người Thái Trắng như gia đình chồng cho ra miếng thịt người miền xuôi không thích bằng cách ướp của người Thái Đen dân tộc gốc của cô. 

leftcenterrightdel
 Vợ chồng Hương bên mẻ heo gác bếp tại nhà

Hằng tuần, cô lại tranh thủ 1 ngày đầu tuần (khi vắng khách lưu trú) để dậy sớm hơn, tìm mua thịt, xẻ, tẩm ướp bằng các gia vị truyền thống Tây Bắc như: mắc khén, hạt dổi rừng, ớt, gừng...  rồi mang gác bếp. Không phải gác lên bếp là xong, mà trong 5, 7 tiếng đồng hồ đó, họ phải thay nhau xoay, trở bề miếng thịt cho khô đều…

Món thịt gác bếp đã gắn liền với cuộc sống của đồng bào miền núi Tây Bắc từ thời xa xưa. Khi chưa có điện và tủ lạnh, bà con ở Sơn La dùng bếp lửa hong khô thịt để bảo quản. Những miếng thịt treo lủng lẳng trên gác bếp đã từng là hình ảnh quen thuộc trong mỗi ngôi nhà sàn ở bản làng của Hương.

Qua năm tháng, cuộc sống nhiều đổi thay, nhưng thịt hun khói vẫn được bà con lưu giữ như món ăn có hương vị truyền thống lâu đời. Hương kể: “Nhiều hộ bây giờ đã có máy sấy thịt. Nhưng vợ chồng em vẫn muốn đốt lò củi rồi hong thịt khô dần, hương vị nó thật và để được lâu hơn… Hàng bán không đủ, Hương về nhờ mẹ ruột lẫn mẹ chồng giúp. Dù có “công thức” riêng của dân tộc mình, nhưng thương con, thương dâu, bà Hà Thị Thiết - mẹ chồng Hương - vẫn vui vẻ ướp thịt theo cách của con dâu.

Cái tâm làm nghề, buộc đôi bạn trẻ luôn phải giữ chữ tín. Vì vậy nên cũng vất vả hơn người ta. Vào mùa mơ, mận, cam… vợ chồng lại cùng nhau vào bản làng để thu mua giúp người thân, mang ra chào bán. Hương nói mình may mắn vì sống ở ngay khu thị trấn, chứ người dân trong bản còn cơ cực lắm. Việc cô thu mua hoa trái để bán lại cho du khách chính là giúp nhiều người dân ở quê mình. “Chỉ tiếc là em còn làm nhỏ lẻ quá thôi” - Hương tâm sự. 

leftcenterrightdel
 Hương chăm sóc vườn rau sạch

Không chỉ bán cho khách tại khách sạn, Hương còn chủ động chào hàng, ship hàng trên Zalo, Facebook… Khách quen, cô còn tặng thêm rau sạch. Vì muốn giới thiệu đặc sản quê hương. Hơn 1.500m2 đất vườn ở bản Là Ngà 1, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, được vợ chồng Hương trồng kín các loại rau cải, rau thơm. Hương nói: “Vì canh tác còn ít nên em tặng kèm rau cho khách mua thịt gác bếp chứ chưa hề bán bó rau nào”. 

Hỏi đôi bạn trẻ 8 năm chung nhà, có khi nào cãi vã, giận hờn nhau không, họ chỉ cười: “Tụi em cực quá, phụ nhau không hết việc nữa là…”. Giờ thì ngoài chăm lo việc học của 2 con nhỏ, từ 5 giờ sáng đến 7, 8 giờ tối, họ dồn hết cho công việc, mùa màng. Họ cũng tính đăng ký thương hiệu, bởi Hương ước mong “Không chỉ kiếm tiền mà còn để được gửi Hương Mộc Châu bay xa”. 

Theo phụ nữ TPHCM