11 năm qua, niềm khao khát được làm mẹ của Jenjira vẫn chưa đạt được. Sau mỗi thất bại, cô lại dồn hết tâm sức và tiền bạc để quay lại các phòng khám hỗ trợ sinh sản tốt nhất ở Bangkok (Thái Lan). Hiện ở tuổi 45, Jenjira chỉ còn lại 2 phôi đông lạnh và đang cạn kiệt tiền. Sau 9 lần cố gắng, giờ đây cô sợ thời gian không còn ủng hộ ước mơ có con của vợ chồng mình.

leftcenterrightdel
 Khi hành trình tìm con của các cặp vợ chồng càng nhiều giúp phương pháp ART là ngành kinh doanh lớn ở châu Á. Ảnh: SCMP

Jenjira tâm sự, áp lực từ chồng và nhà chồng đã làm tăng thêm tổn thất về mặt tinh thần. Nhiều tháng trong năm chỉ quanh quẩn với việc tiêm hoóc môn, dùng thuốc, tăng cân và quá trình vất vả để rồi thất bại khiến cô sụp đổ. Đến nay, Jenjira đã chi đến 136.000 USD cho hành trình này.

Theo dự báo của Allied Market Research, thị trường dịch vụ sinh sản khu vực châu Á sẽ có giá trị ước tính khoảng 13,5 tỉ USD vào năm 2028 - gấp đôi so với năm 2020. Chi phí hỗ trợ sinh sản (ART) rất tốn kém. Tại Singapore, mỗi lần làm ART tốn trung bình 10.200 USD, trong khi ở Ấn Độ giá rẻ nhất khoảng 2.700 USD cho mỗi lần.

Các phòng khám thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đã mọc lên khắp khu vực khi tỉ lệ vô sinh ngày càng tăng ở cả nam lẫn nữ. Các chuyên gia cho biết, nhu cầu về các phương pháp điều trị sinh sản có giá cả phải chăng đang ngày càng cấp thiết. Họ kêu gọi các chính phủ tăng cường trợ cấp dành cho những phụ nữ muốn sinh con.

Tại Úc, cứ 18 trẻ sơ sinh thì có 1 trẻ được sinh ra bằng phương pháp IVF. Luk Rombauts - Giám đốc y tế của Monash IVF và là giáo sư tại Đại học Monash ở Melbourne - cho biết: nhờ sự tài trợ của chính phủ, hầu hết bệnh nhân hiện đã có thể tiếp cận IVF. Ở Singapore, chính phủ sẽ tài trợ một phần cho các đợt điều trị. Hiện Thái Lan đang dẫn đầu thị trường ART nhắm vào thị trường Trung Quốc rộng lớn.

Bên cạnh việc tốn kém tiền bạc, ảnh hưởng đối với sức khỏe tâm thần của phụ nữ trên hành trình tìm con là rất lớn. Thường, IVF thành công trong khoảng 30 - 35% trường hợp đối với phụ nữ dưới 35 tuổi; 7 - 10% đối với phụ nữ trên 40 tuổi. Càng lớn tuổi, sức khỏe càng kém, kinh tế càng hạn hẹp thì sức ép lên phụ nữ hiếm muộn càng cao.

"Ở châu Á, hầu hết các cặp vợ chồng đều nhận thức được sự kỳ thị của xã hội và sự thất vọng trong gia đình có thể đi kèm với việc không có con", Kimberly Unwin - Giám đốc của Fertility Support SG, một nhóm tư vấn và vận động tại Singapore dành cho các cặp vợ chồng hiếm muộn - cho biết. “Thật khó để luôn cố gắng lạc quan và giữ nụ cười trên môi khi trải qua những đau đớn, tốn kém, hy vọng rồi thất vọng. Vì thế, cảm giác có cộng đồng và sự hỗ trợ sẽ giúp nhiều người ấm lòng" - Unwin nói.

Theo phụ nữ TPHCM