Trong sự tưởng tượng có phần yếu đuối của mình về cuộc sống hôn nhân, tôi thường xuyên tự hỏi làm thế nào mình có thể gắn bó với một người đàn ông trong suốt 10 năm chứ đừng nói đến lúc răng long đầu bạc. Ấy là vì tôi không tin tưởng vào chính mình, rằng trái tim tôi sẽ lành lặn trong suốt hành trình ấy.

Làm sao có thể sống cùng nhau vui vẻ đến cuối đường hoặc chia tay nhưng vẫn giữ được những ân tình đã có thay vì nặng lòng lưu trữ những lần đắng cay?

Cho đến khi lòng tôi rung lên vì nhìn thấy anh bạn vong niên của mình tựa vào người vợ để chị dìu đi tập tễnh từng bước. Cuộc hôn nhân của anh chị thật đẹp. Anh bị xơ vữa động mạch rồi đến căn bệnh ung thư phổi gọi tên, vô số lần anh bị hành hạ vì thuốc điều trị và người luôn kề cận bên anh là vợ. Chị ân cần gỡ từng miếng cá bỏ vào chén cơm cho anh, sờ xem ly nước nguội chưa để anh uống thuốc.

Những lúc anh thấy khỏe, 2 vợ chồng ngồi trò chuyện bên khung cửa, nhìn ra vườn nhà đầy hoa, chị thường kể những câu chuyện vui, vì: “Tụi chị sẽ sống vui vẻ trọn vẹn từng ngày”.

Một cặp vợ chồng khác mà tôi quen cũng đang sống trong những ngày thấp thỏm không biết thần chết gọi tên chị vợ lúc nào. Chị vợ từ Hàn Quốc trở về Việt Nam sau 5 năm làm việc xứ người trong bộ dạng tiều tụy. Căn bệnh đa u tủy đã rút cạn dần sinh lực của chị.

Anh Thanh - chồng chị - lẳng lặng chăm sóc vợ hằng ngày. Anh dịu dàng dìu chị lên taxi mỗi khi đi bệnh viện. Tới giờ ăn, vừa đút vừa động viên vợ ăn từng muỗng cháo. Những người ở bệnh viện đều tưởng đó là đôi vợ chồng hạnh phúc. Thực ra, họ đã ly hôn nhiều năm, giờ xem nhau như bạn bè. Chị mắc bạo bệnh, anh hay tin cảm giác như sét đánh, bèn nghỉ việc để có thời gian chăm sóc chị.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Nghĩa vợ chồng vẫn còn nguyên nên anh quyết định nhanh, chẳng chút đắn đo. Ngừng làm việc vì không đủ sức, rời phòng thí nghiệm với dự án đang dang dở, cộng thêm những cơn đau khiến thể chất và tinh thần chị kém đi nhanh chóng. May thay, lúc này, chị và chồng cũ đã bỏ qua hết những giận hờn xưa cũ. Họ đang làm mọi điều tốt nhất cho nhau. Điều này đã an ủi chị rất nhiều. Chị nói thấy ấm lòng vì sự chăm sóc của anh. Anh cười: “Đừng lo, anh đi với em tới ngày cuối cùng, mà ngày đó còn xa lắm”.

Không may mắn còn cùng nhau đi chặng cuối như 2 cặp vợ chồng ở trên, từ Sài Gòn, chị sếp của tôi nghe tin chồng cũ mất đột ngột ở một tỉnh xa, trong đợt công tác. Chị vội vàng đặt vé máy bay, đến nơi làm mọi thủ tục để nhận xác và đưa anh về Sài Gòn. Chị báo tin cho gia đình anh ở Pháp rồi một tay thu xếp cho anh một tang lễ thật ấm cúng. Chị tiễn đưa anh vào một hành trình mới bằng tấm lòng dành cho những nghĩa tình đã từng.

Những điều ở trên, kể nghe có vẻ dễ dàng, nhưng chỉ những ai đã chăm sóc người bệnh hoặc lo một tang lễ chu đáo mới biết vất vả và muôn vàn khó khăn. Vậy nên, chỉ có tình thương mới giúp chúng ta chăm sóc người khác bằng sự nhẫn nại, cử chỉ ân cần. Vừa bước qua tuổi trung niên, đã trải qua những ghét, giận, buồn, thương của tuổi trẻ ồn ào, những người bạn của tôi chọn ở lại bên nhau một cách đằm thắm.

Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com
Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com

 

Kiểu dịu dàng của người không muốn làm ai tổn thương thêm một lần nào nữa và giờ đây, trong cái yếu đuối của người này đã có cánh tay của người kia nâng đỡ. Họ tôn trọng và rất nhạy cảm với cảm giác của nhau. Nếu tình cảm của họ trước kia bị cái tôi của mỗi người khuấy cho náo loạn thì giờ đây đang được chăm bón bởi những dưỡng chất đã được lắng đọng qua năm tháng.

Chính họ đã làm cho tôi thấy được phần nào bản chất của hôn nhân: mỏng manh, dễ đổ vỡ, vô thường nhưng nồng nhiệt, chứa chan và khi ta muốn làm cho nó đẹp, nó sẽ đẹp. Những con người ấy, chẳng phải những tế bào yếu ớt của họ đang được sưởi ấm, ôm ấp bằng trái tim rộng mở hay sao?

Bằng những ân cần sau cuối, họ đã đi cùng nhau chặng đường nghiệt ngã nhất, có buồn nhưng chắc sẽ không còn nỗi đau.

Theo phụ nữ TPHCM