Corsi Crumpler ở Wichita Falls, Texas không thể tưởng tượng khoảnh khắc chào đón đứa con đầu lòng khác thường như thế. Lúc trở dạ, chỉ có mình cô chạy đến bệnh viện còn chồng cô, anh Donovan Sean đang ở quê nhà Ireland, cách Crumpler hàng nghìn dặm.

Trước khi Covid-19 xuất hiện ở Mỹ, Sean trở về quê nhà có chút việc, không ngờ bị chia cắt từ đó.

Corsi Crumpler đã trải qua thời điểm vượt cạn một mình, khi bạn trai chỉ có thể động viên cô qua mạng. Ảnh: ABC.

Gần như suốt thai kỳ chỉ có Crumpler tự thân vận động. Ngày 22/7, một mình cô đến bệnh viện đi đẻ. "Tôi sinh con lúc 3h20 sáng. Múi giờ ở Ireland chênh 6 tiếng nhưng cả anh ấy và gia đình đều cổ vũ tôi. Điện thoại của tôi không thể ngừng rung bởi vì những cơn co", Crumpler nói.

Sản phụ này đã trở dạ suốt 24 tiếng trước khi bác sĩ quyết định mổ cấp cứu. "Đó là điều đáng sợ nhất, đau đớn nhất mà tôi từng làm", cô chia sẻ.

Chồng cô, anh Donovan Sean đã nộp đơn xin "thị thực hôn phu", nhưng do dịch bệnh nên quá trình xử lý phải dừng lại. Nhiều tháng như ngồi trên đống lửa nhưng anh không thể làm cách nào gặp được Crumpler.

Giờ đây khi đã chính thức là một người cha, Donovan Sean cuối cùng đã được phép đến Mỹ để gặp con mình. Tuy nhiên anh chỉ được phép ở đến tháng 10, sau đó sẽ phải quay lại Ireland. Lúc này Crumpler đang hối hận, giá như cô và Sean kết hôn sớm hơn.

Dịch bệnh đã khiến chính phủ các nước đưa ra các lệnh cấm du lịch, điều này đã chia cắt nhiều gia đình và các đôi yêu nhau ở hai quốc gia. Một cuộc thăm dò của Quỹ gia đình Kaiser (Mỹ) cho thấy gần một nửa số người Mỹ báo cáo Covid-19 đang gây hại cho sức khỏe tâm thần của họ. CDC thậm chí còn ban hành hướng dẫn về cách đối phó với căng thẳng trong đại dịch.

Hàng nghìn đôi đang tuyệt vọng chờ đợi đoàn tụ, một số đôi đang tìm cách gặp nhau ở một địa điểm khác. Một số đôi khác thực hiện những cuộc hành trình vất vả hơn - bay đến một quốc gia thứ ba, ví dụ như Croatia, để gặp nhau vì cả hai người cùng được phép nhập cảnh vào đây.

Trong khi phần lớn thế giới đóng cửa biên giới, quốc gia nhỏ bé ở châu Âu này đang trở thành nơi trú ẩn cho toàn cho các đôi yêu nhau, nếu họ chứng minh được kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.

"Chúng tôi đang đi du lịch vì đây là cách duy nhất để chúng tôi có thể gặp nhau ở thời điểm hiện tại", Kate McCulley, một công dân Mỹ đã đến Croatia để gặp bạn trai người Czech Charles Neville. Hai người dự định sẽ sống ở Czech cùng nhau nhưng kế hoạch đang bị hoãn.

Nhiều cặp đôi mang hai quốc tịch khác chấp nhận cách ly hai tuần ở Croatia để được bên nhau. Joshua Johnson, đến từ Philadelphia, Mỹ và Noemi Jugovac, từ Slovenia đang có kế hoạch kết hôn thì đại dịch ập đến. Bây giờ cả hai vẫn quyết tâm cưới nên đặt chuyến bay đến Croatia.

"Điều thực sự quan trọng với chúng tôi là không để bất cứ ai gặp nguy hiểm nên quyết định tổ chức một đám cưới nhỏ. Sau này khi đại dịch kết thúc, chúng tôi sẽ tổ chức một buổi lễ trang trọng hơn với tất cả bạn bè và gia đình ", Jugovac cho biết. Khách mời trong đám cưới mới đây của họ là bố mẹ cô dâu và một phù rể.

Thấu hiểu tình cảnh bị chia cắt của các đôi, một số quốc gia đang nới lỏng các biện pháp để họ có thể đoàn tụ bằng "thị thực tình yêu". Vào ngày 27/7, Hà Lan đã gia nhập danh sách các quốc gia chào đón người có thể chứng minh họ có mối quan hệ lâu dài với công dân Hà Lan.

Hannah Sabrina đến từ New Jersey, Mỹ đã chuẩn bị một tập hồ sơ nặng tới 2,2 kg để đoàn tụ với bạn trai Chris, người Hà Lan. "Tôi mất khoảng hai tuần rưỡi để chuẩn bị. Cơ bản đây như một bộ phim tài liệu về mối quan hệ của chúng tôi từ lúc bắt đầu tới giờ", cô chia sẻ. Trong hồ sơ còn ghi rành mạch ngày tháng đi du lịch cùng nhau, nơi đến, mục đích của hồ sơ này, kể cả các biên lai.

Sau nhiều ngày chuẩn bị, Sabrina đã có thể an toàn đi lại qua sân bay New York, hải quan Mỹ, Hà Lan và cuối cùng đã có thể hạ cánh ở Hà Lan. "Cách nhau 11 tháng và chúng tôi đã làm được", Sabrina nói.

Theo Hannah Sabrina, cách các quốc gia hạn chế đi lại là một đòn giáng mạnh vào tất cả những người chưa kết hôn vì "tình yêu của họ dành cho nhau đang bị xếp vào loại du lịch".

Chung suy nghĩ với Sabrina, hàng nghìn cặp vợ chồng và gia đình song quốc đang chia sẻ các câu chuyện bị chia cắt lên mạng xã hội bằng các hashtag #loveisnottourism, #loveisessential. Các đôi kêu gọi rằng họ "không phải là khách du lịch muốn ngắm cảnh, mà là những người yêu nhau muốn ở bên nhau - bất kể điều gì xảy ra".

Bernier O'Donnell (trái) từ Pháp bay đến Mexico, sau đó bay đến Mỹ để gặp bạn gái Amelia Franklin. Ảnh: ABC.

Các nhóm Facebook đã trở thành không gian cho những người yêu nhau trên khắp thế giới hỗ trợ và hướng dẫn vượt rào cản đến với nhau.

Emilie Bernier O'Donnell, ở Paris và bạn gái Amelia Franklin, sống ở California, trước đây thường gặp nhau 3 tuần một lần. Nhưng do đại dịch, đã 6 tháng họ không gặp được nhau. Đôi uyên ương buộc phải kết nối qua mạng.

Mòn mỏi chờ đợi, cuối cùng O'Donnell - đã học theo một số người trên một nhóm Facebook - quyết định thực hiện một cuộc hành trình dài từ Paris đến Mexico, sau đó sang Mỹ.

"Ở sân bay tôi gặp một nhóm phụ nữ cũng bị tách khỏi người yêu. Chúng tôi đã tạo một nhóm lớn vì tất cả đều đi cùng chuyến bay đến Cancun, Mexico", Emilie nói.

Sau hai tuần ở Mexico, O'Donnell cuối cùng đã có thể gặp Franklin tại quê nhà bạn gái ở San Francisco. "Có thể thấy mọi người nghĩ chúng tôi vô trách nhiệm trong thời điểm đại dịch xảy ra. Đi lại như vậy rất mạo hiểm. Tuy nhiên tôi không đồng ý với điều đó. Khi bạn không gặp người mình yêu trong 6 tháng và tất cả những gì bạn thấy là đáy cằm của họ từ FaceTime, tôi nghĩ bạn sẽ sẵn sàng làm nhiều điều hơn thế này nữa", O'Donnell bộc bạch.

Theo vnexpress