Ravina, tín đồ Kito giáo, và bạn trai Zide, một người Hồi giáo. Ảnh: SCMP

Có rất ít người ủng hộ Khine và Min thành vợ chồng. Một số người bạn nói với Khine rằng là một phụ nữ theo Phật giáo, cô không nên cưới một người đàn ông Hồi giáo. Gia đình Khine thì không cần lý do gì cho sự phản đối của họ.

"Có một quan điểm chung rằng người Hồi giáo là người xấu. Rõ ràng tôi không được phép lấy một người đàn ông Hồi giáo", Khine, sống ở thành phố Yangon, yêu cầu được giấu tên thật của cô và chồng, nói.

Khi Myanmar bắt đầu chuyển đổi sang chế độ dân chủ vào năm 2011, những nhà sư Phật giáo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng nhờ sự ủng hộ từ quân đội. Một trong những lập trường lớn của họ là chống lại sự bành trướng của cộng đồng Hồi giáo nhằm "nuốt chửng" bản sắc Phật giáo của Myanmar.

Năm 2012, những người đàn ông Hồi giáo thuộc dân tộc thiểu số Rohingya bị cáo buộc cưỡng hiếp và sát hại một phụ nữ Phật giáo, khiến bạo lực lan rộng khắp thủ phủ Sittwe, bang Rakhine, và hơn 100.000 người Hồi giáo Rohingya đã bị giam giữ tại các khu trại mà họ vẫn trú ngụ.

Năm 2013, Phong trào 969 do các nhà sư Phật giáo theo chủ nghĩa dân tộc dẫn đầu nổi lên và đạt được sự ủng hộ rộng rãi. Bên cạnh việc vận động các tín đồ tẩy chay cửa hàng Hồi giáo, một trong những mục tiêu chính của phong trào là phản đối phụ nữ Phật giáo kết hôn với đàn ông Hồi giáo.

Dù có những lo ngại về sự bành trướng của Hồi giáo, những người theo đạo Hồi chỉ chiếm một phần nhỏ trong dân số Myanmar. Điều tra dân số năm 2014 cho thấy có hơn một triệu người Hồi giáo ở nước này, tương đương 2% dân số, trong khi khoảng 90% trong số 51 triệu dân Myanmar theo đạo Phật. 

Tuy nhiên, những con số này chưa bao gồm khoảng một triệu người Hồi giáo Rohingya lúc đó đang ở bang Rakhine. Hầu hết họ sau đó đã bỏ sang Bangladesh sau những cuộc trấn áp bạo lực quy mô lớn của quân đội năm 2016 và 2017. Cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc về bạo lực năm 2017 cho rằng quân đội Myanmar có ý định "diệt chủng".

Quan điểm tiêu cực về "các chủng tộc khác", đặc biệt là Hồi giáo, cũng được thấm nhuần trong các trường học và tổ chức của Myanmar. Từ năm 2010 đến năm ngoái, chương trình giáo dục công dân lớp 5 ở nước này có một bài thơ dạy trẻ em phải có trách nhiệm "duy trì phẩm giá chủng tộc riêng của mình" và tránh để chủng tộc khác "nuốt chửng".

Phương châm được đăng tải trên trang web của Bộ Di trú và Dân số Myanmar cũng là "Trái đất sẽ không nuốt chửng một chủng tộc đến tuyệt chủng mà một chủng tộc khác sẽ làm điều đó".

Các nhà sư Phật giáo tham dự buổi họp mặt thường niên của nhóm chủ nghĩa dân tộc Ma Ba Tha ở Yangon. Ảnh: AFP

Khine hiểu những quan điểm này, cô cũng từng đi theo phương châm đó. "Tôi từng căm ghét người Hồi giáo", cô nói. Từ bé, Khine đã được đọc những cuốn sách dạy rằng người Hồi giáo "rất xấu xa" và cô từng đến tận nhà một người bạn để thuyết phục bố mẹ anh này tách con trai khỏi người bạn gái Hồi giáo.

Ở trường đại học, cô vô tình kết bạn với một người Hồi giáo và đây là bước đầu tiên thay đổi cuộc đời cô. Khine gặp Min khi đang tham gia cứu trợ sau bão Nargis năm 2008 và họ bắt đầu hẹn hò chỉ sau vài tháng. Ban đầu, cô cố gắng bỏ qua chuyện tôn giáo của Min. Cuối cùng, sau hơn một năm yêu nhau, họ cũng trao đổi về vấn đề này và Khine nhận ra cô với Min có chung một thế giới quan. Hai người bí mật hẹn hò. Khi bị đồng nghiệp phát hiện, cô từng cố gắng chia tay Min. 

Năm 2015, nhóm chủ nghĩa dân tộc Ma Ba Tha do các nhà sư dẫn đầu đã vận động thành công việc thông qua 4 đạo luật "Bảo vệ Chủng tộc và Tôn giáo" ở Myanmar. Theo một trong 4 đạo luật này, trước khi một phụ nữ Phật giáo kết hôn với một người đàn ông theo tôn giáo khác, họ phải trải qua một quy trình hành chính, bao gồm công bố đơn đăng ký kết hôn và cho phép cộng đồng gửi ý kiến phản đối.

Khine và Min cưới nhau trước khi luật này được thông qua, tuy nhiên để kết hôn tại toà theo luật dân sự, cả hai cần phải là người Phật giáo. Tháng 12/2011, Min đã ký vào một giấy chứng nhận sẵn sàng cải đạo sang Phật giáo và 5 tháng sau, hai người kết hôn.

Dù Min ký cam kết cải đạo trên giấy tờ, anh và Khine vẫn duy trì những tôn giáo riêng. Họ cúng vào những ngày rằm và ăn mừng lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo. Khi Khine đi vắng, Min là người đặt hoa lên bàn thờ Phật trong nhà.

Khi Khine sinh con trai vào năm 2013, họ đã thuê một bảo mẫu Kito giáo để cậu bé không bị thiên về tôn giáo nào của cha mẹ. "Chúng tôi nói với thằng bé rằng con có thể quyết định. Nhưng nếu thằng bé nói điều này trước gia đình tôi, họ sẽ gọi cho tôi ngay lập tức và nói rằng họ không muốn con của tôi là một người Hồi giáo", Khine nói.

Khi Khine và con trai xin hộ chiếu hồi tháng 6, họ phải xếp hàng riêng, Khine ở hàng "các chủng tộc quốc gia", còn cậu bé ở hàng "chủng tộc hỗn hợp" dành cho người Hồi giáo và những người gốc Hoa hay Nam Á. Khine nhận được hộ chiếu ngay lập tức trong khi con trai cô phải trải qua kiểm tra an ninh, bao gồm một cuộc phỏng vấn tại nhà, nhưng hai tháng sau, việc này vẫn chưa được tiến hành.

Không chỉ phụ nữ Phật giáo, những phụ nữ Kito giáo cũng gặp phải những thách thức từ gia đình và xã hội khi muốn kết hôn với đàn ông Hồi giáo. Julie, 26 tuổi, theo Kito giáo, và Rocky, 27 tuổi, người Hồi giáo, trở thành bạn bè ở khi học chung trung học ở trung tâm Yangon. Họ đã bí mật hẹn hò 8 năm trước khi bỏ trốn vào năm 2014. Vì hai người khác biệt tôn giáo, một số họ hàng hai bên đã từ chối nói chuyện với họ.

Khi bạn bè của Julie phát hiện ra mối quan hệ này, một số người đã cố gắng thuyết phục cô chia tay Rocky. "Người Myanmar nghĩ rằng nếu chàng trai đó là người Hồi giáo, cuộc sống của cô gái sẽ như địa ngục", Rocky nói. "Họ nghĩ người Hồi giáo là những tên khủng bố, rằng Hồi giáo dần dần sẽ chiếm quyền".

Vì đều không theo Phật giáo, cuộc hôn nhân của Julie và Rocky diễn ra theo tập tục do một thầy tế chủ trì và Julie không bị bắt cải sang đạo Hồi. Sau khi cưới, họ thuê một căn hộ ở ngoại ô Yangon sinh sống nhưng thường xuyên bị hàng xóm làm phiền.

"Khi thấy một người Hồi giáo cưới một người Kito giáo, họ làm nổ lốp xe của chúng tôi, phá gãy cần gạt nước, biển số và gương xe", Rocky kể. "Chuyện đó xảy ra thường xuyên. Chúng tôi chưa bao giờ ra ngoài chơi. Chúng tôi thậm chí không bao giờ mở cửa sổ. Chúng tôi thực sự sợ hãi". 

Các giao tiếp hàng ngày với người ngoài cũng không thoải mái. "Mọi người không thích chúng tôi", Rocky nói. "Một số người hỏi Julie 'sao cô lại lấy anh ta? Cô có phải rời bỏ mọi người để kết hôn không?' ".

Giống Min và Khine, hai người duy trì tôn giáo riêng. Họ mở một cửa hàng ở trung tâm Yangon và quyết định không sinh con. "Chúng sẽ mang hai dòng máu. Chúng tôi không muốn các con phải chịu đau khổ", Rocky nói.

Julie, người theo Kito giáo, và chồng Rocky, người Hồi giáo. Ảnh: SCMP

Ravina, cô gái theo Kito giáo 23 tuổi, và Zide, một chàng trai Hồi giáo 20 tuổi, quen nhau khi có cùng sở thích nhảy nhót và bắt đầu hẹn hò một năm trước. Ravina, làm việc ở một salon, còn Zide, giao dịch viên tại một văn phòng, vẫn nắm tay ở nơi công cộng và công khai mối quan hệ với bạn bè, gia đình của Zide nhưng với Ravina thì không.

"Mọi người trong môi trường xã hội của tôi sẽ đồn đại", Ravina nói. Khi một vài người bạn của cô phát hiện ra, họ đã phản ứng rất dữ dội. "Họ sợ tôi sẽ thay đổi tôn giáo của mình".

Khi hai người hẹn hò, Ravina cho hay mọi người đều nhìn họ từ đầu đến chân, một số người còn cười họ. Zide cho biết những bạn bè đồng trang lứa thường dễ chấp nhận chuyện này hơn thế hệ đi trước nhưng "luôn có ai đó cố gắng moi móc, họ đồn đại, nhìn chúng tôi như thể đó là việc của họ".

Zide vẫn đến thánh đường thứ 6 hàng tuần, còn Ravina đi nhà thờ vào chủ nhật. Họ nhất trí rằng nếu kết hôn sẽ tôn trọng tôn giáo riêng của nhau.

Tại văn phòng, nơi Khine đào tạo về đối thoại liên tôn giáo, các đồng nghiệp đều hỏi rằng có thật cô đã cưới một người Hồi giáo hay không. "Họ có thể ngừng nói chuyện với tôi hoặc tham gia cuộc đào tạo của tôi. Sau khi biết tôi cưới một người Hồi giáo, họ đã thay đổi", Khine nói.

Cô hy vọng rằng tương tác giữa mọi người sẽ dần dần mang lại sự thay đổi. "Đầu tiên, chúng ta cần tương tác để thực sự hiểu nhau", cô nói.

Rocky cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của từng cá nhân: "Nếu chúng ta muốn thay đổi đất nước, chúng ta phải thay đổi tư duy mình trước tiên. Chúng ta phải thay đổi bản thân".

    Theo vnexpress