Vu lan, bạn mua hoa cắm, mở YouTube lăng xăng học cách ngâm lá dứa, lá cẩm nấu xôi, nấu chè… bày mâm cúng.

Một mình ở nhà, xung quanh yên ắng, bạn thèm một cơn mưa ngâu ghê gớm. Thèm nghe tiếng mẹ càm ràm, chỉ cái này bày cái kia... không chút nghỉ ngơi. Cầm điện thoại, định gọi cho mẹ, bạn chợt nhớ mình giận mẹ 2 ngày rồi.

Giận mẹ! Những đứa con có bao nhiêu lần giận mẹ trong đời?

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa - Shutterstock

Mùi lá dứa từ nồi hấp tỏa lên xông vào mũi, bạn hít hà nghe như mùi ấu thơ, mùi quê nhà đang được ai đó mang về gói trong phố thị. Ấu thơ ấy, bạn có biết bao lần giận mẹ. Hồi chập chững đi bộ đến trường, bạn giận mẹ sao mua cho chị Hai cái áo mưa cánh dơi bé xíu màu xanh, còn mình màu vàng.

Bạn giận mẹ sao khi em té ngã hay làm bể bình hoa thì mình phải chịu phạt. Bạn giận mẹ bắt bạn phải ăn cá ăn tôm, khi mình chỉ thích ăn trứng. Bạn giận mẹ khi không được lấy xe máy chạy ra đường như mấy bạn cùng xóm...

Lớn lên, con sốt bạn bế trên tay đi đi lại lại trong phòng, 2 giờ sáng, thằng bé thiu thiu, bạn mở cửa phòng, thấy mẹ ngồi đó từ lúc nào. Nhìn bạn, nước mắt mẹ chảy ra, vậy là bạn giận.

Giờ, không ở chung, ngày 1-2 lần bạn gọi điện cho mẹ. Loanh quanh mấy câu chuyện vu vơ, loanh quanh việc con cháu, loanh quanh chuyện ngày xửa ngày xưa. Mẹ nói là chủ yếu, bạn chỉ nghe, những câu chuyện bạn đã nghe ngót 30 năm…

“Chồng báo, con báo, cho chết mới hả dạ hay gì?”, câu đầu tiên bạn nghe mẹ nói như vậy khi bạn gọi. Như hành khách trên xe đang háo hức, sẵn sàng, chờ đón một chuyến đi, thì bất ngờ động cơ tắt ngúm. Bạn khựng lại, tự nhiên không nói được lời nào nữa. Bạn lặng thinh, mẹ nói thật nhiều về ba về những điều mang nặng bấy lâu… Bạn giận mẹ.

Trong cơn giận, trong cơn quá tải không quản lý cảm xúc của bản thân, không giữ được lời nói của mẹ, bạn bên này đầu dây nhận ra nhiều điều. Đời mẹ, ngày nhỏ sống cho cha mẹ và đàn em nhỏ. Lấy chồng mẹ sống cho chồng và cho con. Mẹ cố gắng bằng tất cả sức lực tim óc, gầy dựng vun vén cho gia đình.

Mẹ chỉ ăn khi tất cả đã ăn no. Mẹ chỉ ngủ, chỉ vui, chỉ xài đồng tiền do mình làm ra khi mấy cha con đã đầy đủ. Một ông chồng và 5 cô con gái, họ no ấm đủ đầy, an ổn thì bao giờ đến lượt mẹ? Cho gần đến hết đời mình ở tuổi ngoài 70, mẹ vẫn ki cóp tiền bạc “dành cho con cháu”.

Bạn nhận ra, mẹ tự mua dây trói khi muốn kiểm soát tất cả, nhất là ba, trong tay mình. Mẹ nghĩ ba là con kiến trong cái chén, mẹ là người ngồi nhìn. Từ quan hệ gia đình, từ tiền bạc, đến cả ý nghĩ của ba, mẹ cũng phải là người tỏ tường. Chỉ cần phát hiện ra một điều gì, một số tiền ba xài không nói cho mẹ, một việc làm nào đó, hay một bóng hình đàn bà đã xưa cũ lập tức mẹ trở nên đáng sợ... Và bạn giận mẹ.

Bạn buồn bã thương xót đến nỗi 2 ngày đã qua, dù muốn thật muốn, tay cầm điện thoại, nhìn vào mái tóc bạc phơ và khuôn mặt thân thương của mẹ trong avatar, bạn muốn gọi mà không biết sẽ nói gì. Bạn giận cách sống của mẹ, của nhiều đàn bà xứ mình và có lẽ trong đó biết đâu có bạn.

Lý gì ta không dám sống cuộc đời của chúng ta? Đới với, cha mẹ anh em, chồng con hay thậm chí là những người xung quanh, chỉ cần làm việc cần làm, đúng với bổn phận trách nhiệm, đúng với lương tâm là được. Sao ta lại phải cố gắng kiễng chân, gồng lên sống cho tất cả, để chỉ cần 1 nhịp nào trong cỗ máy đó chuệch choạc là ta cảm thấy thê lương, buồn tủi, oán hờn miên mải? Chưa kể, họ có thể không biết, hoặc chắc gì muốn nhận, cần nhận sự hy sinh tận tụy từ chúng ta?

Con người đâu có dễ quản? Bản thân mình còn vất vả trong việc quản chính mình huống chi một người khác? Bất kỳ ai cũng có thế giới nội tâm, ước mơ, góc khuất, nỗi lòng của riêng mình, quản làm chi cho nhọc. Mà quản có được không và có ích gì cho chúng ta?

Bạn giận mẹ vì thương mẹ quá. Vẫn mùi lá dứa tràn khắp nhà. Bạn bấm số mẹ và hỏi: “Mẹ nấu chè xôi cúng Vu lan phải không?”

Theo phụ nữ TPHCM