Thương nhau cùng về đất Việt

Hôm chúng tôi đến, Zơ Râm Khuấn (31 tuổi) và vợ là In Si (27 tuổi) đang tất bật dựng nhà mới ở thôn Đăk Ngol. In Si là một trong số những nàng dâu người Lào sinh sống ở La Êê. Căn nhà đang làm là mơ ước của cặp vợ chồng trẻ sau 4 năm cưới nhau.

Khuấn, người địa phương nở nụ cười hiền khô khi nhắc lại chuyện tình xuyên biên giới. Bên cạnh, In Si cũng bẽn lẽn má hây hây đỏ khi nhắc lại chuyện yêu đương giữa núi rừng.

Chuyện tình của đôi bạn trẻ bén duyên từ năm 2015, khi Khuấn qua bên kia biên giới thăm thân bà con họ hàng dịp lễ hội té nước (Bumpibay) truyền thống của người Lào. Lần đó, lễ hội vui nhộn, trong làn nước mát, ánh mắt lung linh cùng điệu múa Lăm vông của cô gái Lào đã hớp hồn chàng trai trẻ. Ngược lại, In Si cũng xiêu lòng vì chàng trai Việt vạm vỡ, cường tráng như cây gỗ rừng. Hai bạn trẻ nhanh chóng làm quen và tán tỉnh nhau từ đó. Những dòng tin nhắn qua lại làm cầu nối tình yêu. Hai người đã tìm thấy một nửa của mình ở bên kia biên giới.

"Yêu nhau mấy núi cũng trèo. Hồi mới quen và yêu nhau, em vẫn thường vượt đường xa qua huyện Đắc Chưng (Sê Kông, Lào) để thăm người yêu. Xa xôi cách trở núi rừng nhưng cả hai đã cùng nguyện ước trọn đời bên nhau. Tình yêu vượt qua nhiều rào cản, đã giúp 2 chúng em có được cuộc sống mới, hạnh phúc ngày hôm nay", Khuấn vừa kể, vừa đưa mắt nhìn vợ đầy âu yếm.

Những mối tình xuyên biên giới dọc miền biên ải - 1

Chị A Lăng Vônh hạnh phúc khi về Việt Nam làm dâu 25 năm Ảnh: Nguyễn Thành

Năm 2018, Khuấn và Si nên nghĩa vợ chồng. Một đám cưới nhỏ được tổ chức ở Lào theo đúng truyền thống, Si theo Khuấn về La Êê xây dựng cuộc sống mới. Đến nay, cả hai đã có 2 đứa con kháu khỉnh, cuộc sống vợ chồng dù khó khăn nhưng đầy ắp tiếng cười. Khuấn kể: Sống chung với ba mẹ, nhà chật chội, lại đông anh em, nên đầu năm nay, được họ hàng hai bên giúp sức, hai vợ chồng quyết định dựng nhà mới để ra riêng.

Hơn 4 năm về làm dâu trên đất Việt, In Si nay đã nói tiếng Việt khá sõi, tập tục dân làng cũng dần quen. Hàng năm, vào dịp lễ tết, hai vợ chồng lại dẫn nhau về Đắc Chưng thăm ngoại. "Hai năm rồi dịch bệnh, em chưa về quê được, nhớ nhà lắm. May gia đình chồng, bà con trong thôn luôn yêu thương, giúp đỡ nên em cũng yên lòng", In Si bộc bạch.

Cách đó không xa, căn nhà sàn của vợ chồng Zơ Râm Thích và A Lăng Vônh tươm tất, sạch sẽ. Đã qua tuổi 45, nhưng chị Vônh vẫn giữ nét đẹp của cô gái miền núi Lào, với cặp mắt nâu lung linh. Bà con dân làng bảo, thời trẻ chị Vônh xinh đẹp có tiếng ở vùng biên giới này. Ngày anh Thích dẫn chị Vônh về làm vợ, trai làng trầm trồ ngợi khen.

Chị Vônh kể, thời gian thoi đưa, chị theo chồng qua Việt Nam làm dâu đã hơn 25 năm. Năm 1997, cô gái Lào sống bản Đắk Moal (huyện Đắc Chưng) quen và nảy sinh tình cảm với chàng trai cùng tuổi Zơ Râm Thích trong một lần anh qua Lào dự lễ hội té nước. Mỗi lần nhớ nhung, bất kể nắng mưa, anh Thích lại một mình băng rừng, lội suối, đi bộ cả ngày trời để thăm người thương. Tình cảm sâu đậm, cuối năm đó, cả hai quyết về sống với nhau. Một đám cưới đơn sơ được tổ chức, anh Thích qua Lào rước chị Vônh về La Êê sinh sống từ đó. Đến nay, họ đã có 4 người con, 2 con gái lớn sau khi tốt nghiệp THPT đã yên bề gia thất, cô con gái thứ 3 hiện đang học lớp THPT và đứa út đang học lớp 6.

Những mối tình xuyên biên giới dọc miền biên ải - 2

Cán bộ biên phòng đồn La Êê thăm hỏi gia đình vợ chồng Zơ Râm Khuấn và In Si (Ảnh: Nguyễn Thành).

"Quyết định qua Việt Nam làm dâu, giờ nghĩ lại vẫn là quyết định sáng suốt nhất. Qua đây, được gia đình chồng yêu thương, bà con đùm bọc, chính quyền, bộ đội giúp đỡ rất nhiều. Hồi xưa đi lại khó khăn, mỗi lần nhớ nhà phải băng rừng, lội suối. Bây giờ đường sá thuận lợi rồi, muốn về quê chỉ việc bảo chồng lấy xe máy chở về. Nghĩ lại hồi đó yêu nhau cũng lãng mạn như phim", chị Vônh cười tươi.

Gỡ pháp lý cho những cuộc hôn nhân

Cuối năm 2019, là mốc thời gian không thể quên đối với chị Vônh, In Si cũng như hơn 20 trường hợp khác là người Lào theo chồng, vợ về sống dọc biên giới của huyện Nam Giang khi được chính quyền địa phương tổ chức lễ công bố và trao quyết định nhập quốc tịch của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam rất trang trọng.

Thượng tá Lê Huy Bảy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng La Êê cho biết, những mối tình đẹp ở vùng biên tô thắm thêm tình cảm Việt - Lào anh em keo sơn, gắn bó. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp định cư sinh sống đã lâu nhưng vẫn chưa thể nhập quốc tịch Việt Nam dẫn đến việc quản lý hộ tịch khó khăn, người dân chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều gia đình có cha hoặc mẹ mang quốc tịch khác nhau dẫn đến thiệt thòi về các khoản trợ cấp chính sách xã hội của nhà nước dành cho đồng bào miền núi. Nguyên nhân chủ yếu là do các cặp đôi khi về ở với nhau không đăng ký kết hôn với chính quyền 2 nước nên không có hồ sơ pháp lý để cấp quốc tịch, hộ khẩu. Vợ chồng cưới nhau không có giấy hôn thú nên khi sinh con cũng không làm được giấy khai sinh, không thể làm thủ tục nhập học cho con.

"Sau nhiều nỗ lực, cố gắng của chính quyền hai bên, đến nay các hộ gia đình có chồng hoặc vợ là người Lào sinh sống trên địa bàn đã được hướng dẫn, bổ sung hồ sơ pháp lý theo đúng quy định để được công nhận quốc tịch Việt Nam. Đây là việc làm hết sức nhân văn, khẳng định và minh chứng cho tình hữu nghị, gắn bó thủy chung được vun đắp giữa bà con hai nước sống dọc tuyến biên giới", thượng tá Bảy cho biết.

Theo ông Bảy, sau khi những trường hợp người Lào tại địa phương được công nhận là công dân Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đã khẩn trương phối hợp, hướng dẫn họ hoàn thiện các thủ tục để được nhập khẩu, cấp căn cước công dân và được hưởng các chế độ theo quy định. Cửa khẩu quốc tế Nam Giang đã thông thương, nhân dân hai nước qua lại giao lưu nhiều, Biên phòng và các đoàn thể địa phương nỗ lực tuyên truyền người dân dọc biên giới khi lấy nhau, phải thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật của hai nước để tránh những phiền phức về sau do thiếu hồ sơ pháp lý.

Theo tienphong.vn