Ngày 16/1

Mọi chuyện bắt đầu từ hôm qua. Chồng tôi bị ho cả ngày và sốt vào buổi tối. Chúng tôi chỉ nghĩ đó là cảm cúm thông thường nên không mấy để tâm.

Ngày 17/1

Chồng tôi tiếp tục ho khan và sốt. Anh ấy bắt đầu thấy lạnh vào buổi tối. Nhưng chúng tôi vẫn nghĩ là cảm cúm và sẽ sớm khỏi thôi.

Ngày 18/1

Cơn ác mộng bắt đầu từ sáng nay. Tình trạng của chồng tôi rất tệ. Anh ấy không ăn được gì, mặt tái nhợt và cảm thấy hoàn toàn kiệt sức. Không chỉ ho và sốt, anh ấy luôn cảm thấy lạnh cóng dù nhiệt độ trong phòng vẫn bình thường.

Dương Mạn Linh (trái) và chồng Lưu Xán ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: CGTN.

Dương Mạn Linh (trái) và chồng Lưu Xán ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh:CGTN.

Điều tệ hơn là tôi cũng bắt đầu đau họng. Đến lúc đó, tôi và chồng quyết định tới Bệnh viện Y học Cổ truyền Vũ Hán.

Chúng tôi tới khoa cấp cứu lúc gần tối. Nhiệt độ cơ thể chồng tôi là 38,2 độ C. Xét nghiệm cúm cho kết quả âm tính, nhưng xét nghiệm máu không ổn. Trở về nhà, chúng tôi uống thuốc theo đơn bác sĩ kê và đi ngủ.

Tuy nhiên, tới nửa đêm, triệu chứng của chồng tôi nặng hơn. Anh ấy sốt cao hơn và bắt đầu mê man. Phát hiện bác sĩ không kê thuốc hạ sốt trong đơn, tôi quyết định đặt mua trên mạng. Khi thuốc được giao tới nhà khoảng 3h sáng, tôi cho anh ấy uống và dìu về giường ngủ. Chồng tôi đã bắt đầu hạ sốt.

Ngày 19/1

Buổi sáng chồng tôi bị sốt lại nhưng không kéo dài lâu. Cơn sốt quay lại lần nữa vào buổi chiều và chồng tôi thấy tức ngực, kiệt sức và ho liên tục.

Chúng tôi quyết định tới Bệnh viện Công đoàn Vũ Hán.

Bệnh viện chật cứng bệnh nhân khi chúng tôi đến. Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín mít. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy đồ bảo hộ y tế như vậy. Lúc này, tôi biết rằng chồng tôi có lẽ không phải bị cúm thường.

Hàng dài người chờ đợi tới lượt thăm khám. Hầu hết bệnh nhân tôi thấy ở bệnh viện đều bị ho và khó thở. Sau hai tiếng chờ đợi mà vẫn đứng nguyên tại chỗ, chúng tôi quyết định trở lại Bệnh viện Y học Cổ truyền Vũ Hán.

So với hôm qua, bệnh viện giờ đông bệnh nhân hơn nhiều. Chồng tôi được đo thân nhiệt, làm xét nghiệm cúm và chụp CT. Nhiệt độ của anh ấy giờ tăng lên 38,5 và phim chụp CT cho thấy dấu hiệu viêm phổi.

Bác sĩ nói chồng tôi cần nhập viện sớm nhất có thể và tiến hành xét nghiệm axit nucleic để xác nhận có nhiễm nCoV hay không. Nhưng lúc đó họ không còn giường trống và cũng không thể làm xét nghiệm cho chồng tôi. Thay vào đó, họ đề xuất điều trị cho chồng tôi bằng phương pháp truyền tĩnh mạch trong ba ngày và uống thuốc theo đơn.

Tôi gần như suy sụp. Tôi không biết chồng tôi có thể nhập viện nào hoặc đi tới đâu để làm xét nghiệm axit nucleic. Tuy nhiên, tôi biết mình là người duy nhất mà chồng có thể dựa vào lúc này. Điều quan trọng là tôi phải mạnh mẽ và chăm sóc chồng nên đã cố trấn an bản thân và hy vọng vào điều tốt đẹp nhất.

Ngày 20/1

Chồng tôi đã hạ sốt và nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 38 độ C, nhưng vẫn ngủ mê man cả ngày. Chúng tôi quyết định sẽ thử phương pháp bác sĩ nói nên quay lại bệnh viện. Khi chúng tôi từ viện về tới nhà đã là nửa đêm và thân nhiệt của chồng tôi vẫn giữ ở mức dưới 38 độ.

Ngày 21/1

Chúng tôi lại quay vào viện để tiến hành điều trị như hôm qua. Nhiệt độ cơ thể anh ấy vẫn giữ ở mức như vậy.

Ngày 22/1

Chúng tôi tới viện lúc 10h sáng nhưng đã có 120 bệnh nhân đăng ký chờ khám. Việc chờ đợi khiến chúng tôi mệt mỏi và chồng tôi không thể chịu đựng được. Tôi không bị sốt, nhưng mấy ngày nay bị ho và đau ngực, nên quyết định chụp X-quang lồng ngực và thử máu.

Kết quả cho thấy tôi có thể bị viêm phế quản và được yêu cầu làm thêm xét nghiệm. Nhưng xem xét tình hình hiện tại của chồng, tôi quyết định không làm.

Bác sĩ nói giờ không còn giường trống và bệnh viện không thể làm xét nghiệm axit nucleic. Lựa chọn tốt nhất cho chúng tôi hiện giờ là điều trị thêm ba ngày với phương pháp truyền kháng sinh qua tĩnh mạch và uống thuốc hạ sốt.

Ngày 23/1

Thông tin về virus corona gây bệnh viêm phổi xuất hiện khắp nơi và tôi không thể ngủ được từ khi xem tin tức. Tôi biết Vũ Hán sẽ bị phong tỏa để ngăn dịch lây lan nên đã bắt đầu tích trữ đồ cần thiết.

3. Thực phẩm mà vợ chồng Dương Mạn Linh tích trữ. Ảnh: CGTN.

Thực phẩm vợ chồng Dương Mạn Linh tích trữ trong nhà. Ảnh:CGTN.

Hai vợ chồng xem xét tình hình hiện tại và thấy rằng thật nguy hiểm nếu tới các bệnh viện được chỉ định vì nguy cơ lây nhiễm chéo. Vì hiện tại chưa có thuốc đặc trị cho căn bệnh này, chúng tôi quyết định tự cách ly ở nhà và tiếp tục uống thuốc theo đơn cũ.

Ngày 24/1

Hôm nay là Giao thừa. Chúng tôi có thêm tin tốt. Chính phủ đang xây thêm bệnh viện và tỉnh Hồ Bắc đang đẩy mạnh sản xuất bộ xét nghiệm axit nucleic, có người cũng đã phục hồi sau khi nhiễm bệnh. Tôi đã khóc khi đọc những tin này. Tôi cũng tìm đọc thông tin về cách nhận biết bệnh viêm phổi và cách phòng tránh. Mọi thứ dường như đang dần tốt hơn.

Ngày 25/1

Thân nhiệt chồng tôi đã trở lại bình thường. Chúng tôi cố gắng hết sức để duy trì việc tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống đủ chất để tăng miễn dịch. Chúng tôi uống vitamin C và ăn nhiều trứng, rau, trái cây và thịt.

Buổi tối, thân nhiệt chồng tôi tăng lên 37,5 độ C, nhưng thật may là nó không tăng thêm nữa.

Ngày 26/1

Chồng tôi vẫn nằm bẹp giường. Anh ấy bị ho và nhiệt độ vẫn giữ ở mức 37,5. Ngoài thuốc hạ sốt, anh ấy cũng uống thêm vài loại thuốc và thực phẩm chức năng khác. Tôi có thể thấy tình hình đang tốt dần.

Ngày 30/1

Anh ấy cuối cùng đã cắt sốt sau 15 ngày. Tôi nghe nhiều người nói trên mạng rằng việc phục hồi cần có thời gian. Một khi vượt qua giai đoạn này, mọi thứ sẽ ổn.

Buổi chiều, tôi cùng chồng ra ngoài mua sắm. Chúng tôi cố gắng mua rất nhiều đồ từ cửa hàng tạp hóa. Về tới nhà, chúng tôi bắt đầu ho nhiều hơn và thấy khó thở. Nhưng chúng tôi hiểu sự kiên trì sẽ giúp vượt qua chuyện này.

Ngày 3/2

Thân nhiệt của chồng tôi vẫn giữ ở mức ổn định. Rất nhiều triệu chứng bệnh dần được cải thiện và chỉ còn vài nốt phát ban ở cánh tay.

Tôi rất lạc quan và biết rằng chúng tôi sẽ sớm khỏi bệnh.

Ngày 7/2

Chúng tôi tới bệnh viện để khám lại. Kết quả xét nghiệm máu của chồng tôi đã bình thường và hầu hết nốt phát ban đã biến mất. Tôi chỉ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Tôi hạnh phúc khi hai vợ chồng đã sống sót qua giai đoạn khó khăn nhất.

2. Dương Mạn Linh ở Bệnh viện Y học cổ truyền Vũ Hán, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: CGTN.

Dương Mạn Linh chụp ảnh tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Vũ Hán, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh:CGTN.

Mặc dù đôi lúc vẫn thấy chưa khỏe, chúng tôi vẫn lạc quan rằng có thể đánh bại virus khi luôn ở bên chăm sóc nhau.

Chúng tôi từng sợ hãi và tuyệt vọng, nhất là lúc ban đầu. Sốt và mất cảm giác ngon miệng khiến chồng tôi khổ sở. Vào thời điểm đó, những gì chúng tôi có thể làm là kiên trì, thích nghi với tình huống hiện tại và chiến đấu với nCoV.

Tuy nhiên, chồng tôi giờ vẫn không biết anh ấy có từng nhiễm virus corona hay không bởi chưa từng được làm xét nghiệm axit nucleic.

Cuộc sống luôn có đầy những điều bất ngờ.

Nhật ký này chỉ đơn giản là những gì chúng tôi từng trải qua. Những ca bệnh nhẹ như vợ chồng tôi sẽ sớm khỏi nếu uống thuốc, ăn uống đầy đủ chất và tập luyện thể dục thường xuyên. Những ca bệnh nặng mà tôi biết hầu hết là người cao tuổi và họ cần nhập viện để được điều trị chuyên sâu. Những bệnh nhân nhẹ không nên hoảng loạn. Nó chỉ như cảm cúm thông thường nên tôi khuyên mọi người đừng đọc quá nhiều về nó.

Đã gần một tháng kể từ khi cả nước bắt đầu cuộc chiến chống Covid-19 và mọi thứ đang dần tốt hơn. Những gì chúng ta có thể làm đó là tự cách ly ở nhà, cố gắng tăng cường hệ miễn dịch và sống lạc quan.

Theo vnexpress