leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Một nam đồng nghiệp nói: “Ngày xưa, lúc mới yêu nhau, ngồi bên nhau hàng mấy giờ liền không biết chán, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Hôn nhau lén lút, lúc nào cũng muốn hôn. Buổi tối, xin phép đi chơi đến 10 giờ, nhưng đêm nào cũng đưa em về nhà gần 12 giờ rồi bị “giũa” te tua. Còn bây giờ tối nào cũng ngồi bên cạnh nhau, mà chẳng có gì để nói. Thậm chí nói chuyện với nhau lúc này còn xưng hô là “bà, tui” hay “ông, tui”...

Một anh tuổi đã qua tuổi 50 nói: “Giờ thì thôi chớ hun hít gì nữa”. Nhưng cũng có một nam đồng nghiệp tuổi 50 trả lời “anh dũng”: "Hôn chớ sao không hôn? Tình yêu bây giờ đằm thắm và dịu ngọt hơn ngày xưa nhiều, ngoài cái tình, còn có cái nghĩa".

Một chị hơi đùa cợt: “Nụ hôn cũng còn, nhưng duy trì không thường xuyên và không còn “tình” như ngày xưa”.

Đó là nụ hôn tình yêu vợ chồng. Còn nụ hôn đối với con cái? Đa phần đồng nghiệp tôi trả lời rằng: "Con lớn quá, nó không cho mình hôn nữa!".

Hồi con gái lớn của tôi học lớp Tám, cháu đã lớn bộn. Tôi chợt nhớ từ ngày có em bé (lúc đó cháu 8 tuổi ), hình như cháu không còn được bố mẹ hôn nữa. Có một lần, thấy cháu nấu cơm mồ hôi rịn trên trán, tôi thương quá, ôm lấy cháu và thơm một cái, thế là cháu đẩy ra ngay: “Mẹ này!”.

Lúc đó tôi phải nói: “Thì mẹ thương, mẹ ôm, mẹ hôn như mẹ thương em vậy”. Cháu nói: “Con lớn rồi mà”.

Anh đồng nghiệp của tôi kể chuyện một hôm đưa cậu con trai học lớp Tám đến trường. Cháu chào ba mẹ, tự dưng thấy thương quá, thơm nó một cái ngay má trước cổng trường, bởi ở nhà cũng vẫn thường thơm cu cậu như vậy. Bất ngờ, cu cậu đẩy bố ra, lấy tay phủi má, rồi lấm lét nhìn xung quanh xem có bạn nào thấy hay không, còn nói: “Bố kỳ quá!”.

Nam đồng nghiệp khác có con gái một lại kể: "Con gái mình cũng lớn lắm rồi, nhưng mỗi buổi sáng Chủ nhật cháu ngủ nướng, mỗi khi đánh thức cháu dậy mình hôn vào má với câu nói: “Thế nào, con gái bố, nướng vàng chưa?". Cha con anh rất tình cảm.

Không thể phủ nhận vai trò to lớn của nụ hôn trong gia đình, nhưng duy trì như thế nào đó mới là điều quan trọng. Đừng đổ lỗi cho cuộc sống nhiều lo toan, phiền muộn mà quên mất nụ hôn.

leftcenterrightdel
 Mội người mẹ ôm con trước khi con vào phòng thi

Theo nghiên cứu của giáo sư Edward Lawrey ở Los Angeles, Mỹ, 15 phút mặn nồng buổi sáng có tác dụng phòng bệnh không thua bất kỳ hình thức thể dục nào. Ông cho rằng, nụ hôn có tác dụng làm hưng phấn hệ tuần hoàn; giảm thiểu tình trạng căng thẳng; cải thiện mạch máu và góp phần phòng chống hiện tượng xơ vữa mạch máu; tối ưu chức năng co bóp của trái tim để qua đó gián tiếp ổn định huyết áp; kích ứng khả năng giải độc của lá gan; gia tăng dung lượng thông khí trong phổi tăng cường sức chịu đựng, khả năng tư duy và trí nhớ nhờ cải thiện hàm lượng dưỡng khí trong tế bào thần kinh trung ương...

Nhận xét của Lawrey trên thực tế không có gì mới khi endorphin - nội tiết tố của cảm giác sảng khoái, chất được phóng thích trong từng nụ hôn là tiền đề cho hoạt động lành mạnh của hệ thần kinh và nội tiết…

Như vậy, nụ hôn là liều thuốc bổ của đời người, thế thì tại sao chúng ta không duy trì nụ hôn vợ chồng giống như một buổi sáng thức dậy thơm một cái thật kêu vào bầu má mịn màng, căng tròn của con? Chà, lý thuyết bao giờ cũng dễ nói hơn thực hành!

Tuy nhiên, một lời khuyên không thừa là, nếu bạn chưa lập gia đình hay trong gia đình nụ hôn vẫn còn thì bạn hãy cố gắng duy trì và giữ gìn nó. Nếu con bạn còn nhỏ, hãy hôn con đi bởi một ngày chúng sẽ lớn, sẽ lấm lét nhìn xung quanh hay sẽ đẩy vội vàng khi được bố mẹ hôn.

Hãy nói một lời xin lỗi, một câu an ủi, một lời khen ngợi, một câu cảm ơn cùng một nụ hôn. Bạn đã quên hôn vào trán con trước khi đi ngủ, hay thơm phớt vào má vợ (hay chồng) mỗi khi muốn bày tỏ tình thương, vậy hãy vội vàng thực hiện đi, bởi thời gian thì qua nhanh, một ngày nào đó, nhìn lại thấy mình đã bỏ lỡ mất quá nhiều những dịp may dù rất cỏn con.

Hạnh phúc như những hòn than hồng được ủ trong tro, và nụ hôn như là những làn hơi thổi vào đó làm hồng lên bếp lửa gia đình. Bạn có nghĩ như vậy không?

Theo phụ nữ TPHCM