leftcenterrightdel
 Nội dung băng rôn tạo nụ cười thú vị cho cộng đồng mạng (nguồn ảnh: Facebook)

Sáng nay, nhìn thấy bức ảnh chụp lại tấm băng rôn “Chào mừng con cháu đến với tour: Về nhà ông bà ngoại”, tôi bật cười. Ở gia đình nào đó, hẳn ông bà hay con cháu trong nhà hài hước lắm, nên thiết kế tấm băng rôn phản ánh đúng tình hình của bao gia đình trẻ lúc này. Tôi cũng vừa tổ chức cho con 1 tour về nhà ông bà nội ở Bình Phước.

Ngày chở con về, tôi thấy ông bà nội lui cui với 5 đứa cháu, thêm con tôi là 6, vậy mà ông bà vẫn cười suốt vì vui. Mẹ chồng nói: “Được hết, mấy đứa này muốn phá nhiêu phá, mẹ chăm cho”.

Chiều hôm đó ông bà tắm tốc hành, rồi làm cho mỗi đứa cháu 1 tô cơm, ăn xong thì dẫn ra sân chơi. Ông nội hôm đó bày con cháu lảy hạt bắp khô để sáng hôm sau ông nghiền làm thức ăn cho gà.

Ba mẹ chồng tôi vui vẻ, sẵn sàng nhận giữ con cho 4 gia đình nhỏ, vì hiểu các cháu nghỉ hè thì ba mẹ chúng vẫn phải đi làm. Biết ông bà thương cháu thương cháu thương con, nhưng tôi thừa hiểu tụi nhỏ quá hiếu động, sau "tour hè" này, ông bà phải gầy đi mấy ký.

Tôi thấy có lỗi, hơi ăn năn một chút, nhưng nghĩ cảnh nếu để con ở TPHCM, vợ chồng không thể giữ con được, vì phải đi làm giờ hành chính. Nghĩ tới đây thì tâm trạng có lỗi kia của tôi lập tức tan biến. Hơn nữa tôi nhủ lòng rằng, ở quê cùng ông bà, các cháu sẽ có thêm nhiều trải nghiệm mà thành phố không có được.

Chồng tôi kể, ngày nhỏ ở quê, mỗi lần ba mẹ ra vườn đều cho con cháu đi theo. Ba mẹ hái rau, nhổ cỏ, đào khoai, cho gà, vịt ăn, thì con cháu cũng được làm cùng. Ở quê nhiều trò chơi, tụi nhỏ sẽ được khám phá, không bị buồn chán như mùa hè ở thành phố, chỉ có vài tụ điểm để đến.

leftcenterrightdel
 Nghỉ hè ở quê luôn có nhiều trải nghiệm thú vị như xuống biển, lên núi hay theo chân ông bà ra vườn, đi chợ quê... Ảnh: Minh Tú.

Tôi thấy mình may mắn khi ông bà nội, ngoại 2 bên đều khoẻ mạnh, thương con cháu. Khi cháu chơi ở Bình Phước với ông bà nội chán chê, thì vợ chồng tôi tiếp tục gửi cháu về Phú Yên chơi hè cùng ông bà ngoại. Phú Yên có biển nên con sẽ thêm nhiều trải nghiệm.

Nhìn sang đồng nghiệp, tôi thấy nhiều người cũng giống gia đình tôi, cứ hè là gửi con về nội ngoại. Nhiều người vì một số vấn đề hoặc ông bà không khoẻ nên gồng mình giữ con ở thành phố. Ngày nào cũng vò tai bứt tóc sắp xếp công việc, nghĩ cho con trò chơi mới, đi cà phê hay nhà sách, đi sở thú hay siêu thị... Nhưng những điểm đến này cũng chỉ giải quyết được vài ngày, không phải cả mùa hè dài phía trước.

Làm cha mẹ rồi mới thấy, việc chơi với con không hề dễ dàng. Tôi có thể gặp bạn cũ ngồi nói chuyện vài tiếng đồng hồ hay đứng bếp nấu ăn 2-3 tiếng, nhưng khi chơi với con, tôi không đủ kiên nhẫn như chồng. Các trò chơi cũng hạn chế, chơi không vui nên con ít bám.

Ngày quyết định gửi con về ngoại, ban đầu tôi nghĩ sẽ nhớ chúng, nên thương đứt ruột, nhưng rồi tôi thấy việc cho con “nghỉ dưỡng” ở nhà ông bà là đúng đắn.

Trong ký ức của tôi, mùa hè năm lớp 4 là mùa hè mà tôi nhớ mãi. Năm đó, ba mẹ tôi bận làm nên gửi tôi về nhà nội. Bao nhiêu trò thú vị đã được tôi khám phá. Buổi sáng sau khi ăn xong, tôi theo ông ngồi trên chiếc xuồng bé, ông chèo men theo bờ ao, lấy những cái đó được ông đặt vào chiều hôm trước. Mỗi lần nhấc đó lên, nào tép, cá rô phi, cá trắng rơi ra. Tôi reo hò sung sướng.

Trên đường đi về, tôi cùng ông nhặt trứng vịt còn sót lại sau khi đàn vịt rời đi, qua làm “nhà” ở ao khác. Bà nội kho cá, nấu cơm cặm cụi dưới bếp. Vì khói nên mắt bà hay đỏ ngầu. Lần nào thấy tôi đi cùng ông về bà cũng đùa: “Ở với ông bà luôn nha. Bỏ ba mẹ mày luôn, lo đi làm quá!”.

Tôi nhớ như in từng chữ đó. Nhớ là mình sau đó cũng về mách lại ba mẹ nhưng khi nào ba mẹ nghe cũng cười. Ừ thì bây giờ con tôi cũng vậy. Chắc ông bà nội cũng nói với cháu: “Bỏ ba mẹ về ở với ông bà luôn”. Nhưng tôi không giận ông bà đâu, tôi cảm ơn ba mẹ nhiều lắm.

Theo phụ nữ TPHCM