Chị em sôi nổi bàn về hình tượng soái ca “cục súc với cả thế giới, trừ em”. Nhiều chị em muốn người đàn ông của họ chỉ dịu dàng với riêng mình họ. Nếu đó là một nam nhân khó tính, kiệm lời, khắt khe với cả thế giới mà ngọt ngào với riêng họ thì sự ngọt ngào càng tăng giá trị.

Nghe thì hay, đến mức nhiều chị em khẳng định đàn ông như thế chỉ có trong… ngôn tình. Thậm chí, người có kinh nghiệm còn đúc kết, đàn ông ngoài đời thường dễ thương với cả thiên hạ và dành hết sự khó ưa cho riêng vợ. Càng nói, hình mẫu soái ca dành sự ngọt ngào độc quyền cho vợ càng đáng mơ ước. Thế nhưng, phải rơi vào hoàn cảnh đó, mới thấy nhiều thứ trớ trêu.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Chị Hồng Nga - bạn tôi - là một ví dụ. Mỗi lần gặp nhau, khi bạn bè kêu ca chồng vô tâm thì chị Nga than thở chồng… dại dột. Cái dại của anh Thành - chồng chị - là quá yêu thương vợ và luôn bênh vợ trước mặt mọi người. Trong nhà chồng, chị Nga nổi tiếng được chồng yêu chiều. Sự yêu chiều ấy không được ghi nhận một cách tích cực mà như một “cái gai” trong mắt mẹ, dì, chị trong nhà.

Lý do: Thành vốn rất ít nói, cả nhà không ai gần gũi, trò chuyện được với anh. Anh quan tâm đến mọi người bằng hành động và gần như từ chối mọi cuộc tám chuyện, bàn bạc. Thậm chí, nếu mẹ và các em hỏi thăm quá nhiều, anh cũng quạu. Thế nhưng, với riêng chị Nga, anh lại ân cần “số dzách”. Từ lúc mới quen nhau, anh đã cởi mở và càng lúc càng bày tỏ sự thích thú khi ở bên chị. Có chị Nga, anh thoải mái, hoạt bát và hòa đồng hẳn. Nhưng dù ở bất cứ đám đông nào, mọi giao tiếp của anh đều hướng về chị.

Chị Nga kể, trong lần đầu về ra mắt nhà chồng tương lai, chị như vào vai… con ruột, còn Thành là… con dâu mới ra mắt gia đình. Anh chẳng nói chuyện với ai, chỉ quấn quýt bên người yêu. Chị Nga đi đâu, anh theo đó. Thấy 2 đứa cứ đùm túm với nhau thì… kỳ quá, mà tự bắt chuyện hay sà vào chỗ mọi người thì ngại, nên chị cứ phải thúc chồng xuống phụ ba làm gà, để chị có cớ xuống bếp phụ mẹ.

Chẳng ngờ, tất cả những lần về nhà chồng sau này đều theo kịch bản như thế. Anh Thành cứ như khách trong nhà. Mọi sự quan tâm hay giao tiếp anh dành hết cho vợ. Mà đặc biệt, mọi người trong nhà cũng giao tiếp với Thành thông qua… con dâu. Thậm chí, ngay cả khi 2 vợ chồng đang có mặt, mẹ chồng vẫn hỏi: “Hỏi thằng Thành xem chừng nào thì về sửa mộ cho ông bà được?”, “Bộ hổm giờ thằng Thành không uống nước lá nữa à?”. Mẹ hỏi điều gì mà chị Nga biết thì chị tự trả lời, không thì chị sẽ phải hỏi lại anh Thành, dù anh ngồi ngay đó.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

 

Cả nhà ai cũng trầm trồ chị Nga khéo “dụ” chồng, biến một người đàn ông lạnh lùng thành một người chồng ngọt ngào với vợ. Ban đầu, chị nghe cũng mát lòng mát dạ; nhưng đến khi thực sự trải nghiệm, mới thấy cái “gánh ngọt ngào” cũng trĩu nặng, bởi chẳng ai muốn xa cách với nhà chồng. Chẳng ai muốn là “vật thể lạ” giữa một cộng đồng toàn những người thân thiết, cởi mở với nhau, còn mình thì phải gánh vác, “phiên dịch” cho một ông chồng… câm như hến.

Giai đoạn đầu, chị Nga là cầu nối giữa chồng với gia đình. Nhưng một sự cố xảy ra khiến mối quan hệ giữa chị với nhà chồng thành khoảng cách thăm thẳm, không thể lấp đầy.

Lần đó, mẹ chồng chị gọi hết các con lại bàn chuyện phân chia đám giỗ. Theo đó, cậu em út sẽ chịu trách nhiệm giỗ bà cố. Đám giỗ ông bà nội sẽ do vợ chồng chị Nga chịu trách nhiệm. Mẹ chồng phân tích, chị Nga là dâu trưởng, trách nhiệm nặng nề hơn. Mẹ dặn dò, để gánh vác việc này, chị Nga cần thay đổi lối sống, chi tiêu tiết kiệm và phải xem đám giỗ như một dịp để ngoại giao với họ hàng và cả bạn bè, đồng nghiệp.

Theo mẹ, đám giỗ là cơ hội để mời mọi người về nhà, thiết đãi và thể hiện văn hóa gia đình mình đến mọi người. Mẹ đang dặn dò, bỗng dưng anh Thành đứng phắt lên, tay ôm vợ, mặt anh sừng sộ, nói: “Vợ con chẳng tội lỗi gì để mẹ phải đụng chạm cách sống của cô ấy. Mẹ chia đám giỗ là được rồi. Nga chưa cãi mẹ một lời, sao mẹ lại nói cô ấy phải tiết kiệm? Sao mẹ biết ngày thường Nga chi tiêu thế nào mà nói vậy?”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Hình ảnh “soái ca” hiện lên như truyền thuyết: một người đàn ông bất chấp tất cả, rũ bỏ vỏ ốc của mình chỉ để đứng lên bảo vệ nàng. Thế nhưng, giây phút đó, chị Nga chỉ muốn độn thổ. Theo chị, mẹ chỉ nói như một cách chỉ dạy ân cần, nhưng chỉ vì quá xót vợ, anh Thành lại làm mọi thứ trầm trọng lên, khiến mẹ tổn thương, mọi người bất bình, còn vợ anh thì… đứng hình.

Lần đó, mẹ rời cuộc nói chuyện nửa chừng, buồn bã bỏ vào phòng. Các em cũng phẫn nộ nhưng không dám trách Thành nửa lời. Cuộc họp gia đình trở thành cột mốc chia rẽ. Từ đó, ai cũng dè chừng chị Nga, dù chị đã nỗ lực giải thích, xin lỗi.

Ai cũng nói họ hiểu và thông cảm cho chị, nhưng có lẽ vì không lường được sự bất chấp của anh Thành khi… “lên cơn” bảo vệ vợ nên chẳng ai dám gần chị hay nói với chị điều gì đó ngoài phép xã giao thông thường.

Trải qua 20 năm hôn nhân, chị Nga vẫn thấy mình may mắn khi được chồng yêu thương. Nhưng hễ ai nhắc đến “đặc quyền” rằng anh Thành chỉ “mở miệng”, ngọt ngào với vợ, chị lại cười thầm trong bụng. Bây giờ, thấy cánh chị em lao xao về hình tượng soái ca “chỉ ngọt ngào với nàng”, chị chốt: “Ông bà nói rồi - ở trong chăn mới biết chăn có rận. Vậy nên có sao thì chịu vậy, chứ đứng núi này trông núi nọ, tô vẽ hình tượng soái ca chi cho mệt”.

Theo phụ nữ TPHCM