Thời gian bên cạnh người thân thiết là để ta “sạc” năng lượng, trong khi đối phó với các mối quan hệ xã giao kéo tâm trạng ta xuống – Shutterstock
Theo nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ), con người tìm hạnh phúc trong các loại tương tác khác nhau tùy thuộc vào tâm trạng. Thu mình lại là một triệu chứng kinh điển của trầm cảm, nhưng nghiên cứu mới cho thấy, thực tế thì chúng ta hay hướng đến trải nghiệm đơn độc khi cảm thấy vui vẻ, khỏe khoắn nhất.
Qua việc xem xét hơn 30.000 người chủ yếu đến từ Pháp trong một tháng, các nhà khoa học thấy rằng khi hạnh phúc, chúng ta hướng về những người lạ và mới để tương tác. Nhưng khi có vấn đề, chúng ta quay lại tiếp cận bạn bè, người thân và bạn đồng hành thân thiết.
Thời gian chất lượng với những người thân yêu được coi như một hình thức thoải mái và thúc đẩy xã hội. Mọi người thường có tâm trạng tốt hơn sau những tương tác thân mật này. Người hạnh phúc đi tìm những tình huống, các loại mối quan hệ xã hội ít dễ chịu hơn dù những hoạt động này thực sự khiến họ cảm thấy tệ hơn, theo Daily Mail.
Các nhà tâm lý học cho rằng các mối quan hệ xã hội được xem là thiết yếu đối với hạnh phúc và hạnh phúc được cho là thúc đẩy các mối quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, quan điểm này không làm rõ được đối tác xã hội nào mà một người sẽ có động lực để tương tác khi hạnh phúc. Nhưng phát hiện của các nhà khoa học nói trên chỉ ra được điều đó và phù hợp với một mô hình gọi là “nguyên tắc khoái lạc linh hoạt” (hedonic-flexibility principle).
Về cơ bản, nguyên tắc này giải thích, chúng ta không chỉ làm những gì khiến ta cảm thấy tốt nhất mọi lúc, chủ yếu là vì có những việc phải làm dù rất khó chịu. Hoạt động theo nguyên tắc khoái lạc linh hoạt, chúng ta luôn cố gắng duy trì hạnh phúc cân bằng.
Qua đây, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể làm sáng tỏ cách thức các mô hình xã hội của người trầm cảm và lo âu làm tình trạng của họ xấu đi, theo Daily Mail.
Theo thanhnien