Trong chuyến công tác Nhật Bản, tôi có ghé thăm nhà chị gái ở thành phố Osaka. Thú thật, dù chị lập gia đình đã lâu và cũng sinh sống ở đây nhiều năm, nhưng đây là lần đầu tôi ghé thăm anh chị. Tôi muốn biết vợ chồng chị và các cháu có ổn không, môi trường sống có tốt không, những thiệt thòi của một người con xa quê lập nghiệp nơi đất khách quê người có được bù đắp bằng những phút giây gia đình hạnh phúc của một gia đình Việt Nam trên đất Nhật hay không…

Đón tôi ở điểm hẹn, tôi thấy chỉ có mỗi chị và cháu. Tôi bất giác nghĩ: “Sao lại chỉ có 3 mẹ con?”. Tay bắt mặt mừng, chúng tôi hớn hở được một lúc rồi tôi cũng hỏi: “Anh đâu rồi chị? Thấy cô em vợ lặn lội qua đây mà không đi đón hay sao?!”. Chị cười phá lên, bảo: “Làm gì có chuyện đó. Biết tin em qua là cả gia đình chị đã không ăn không ngủ từ lúc em có visa rồi”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
 
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Nói xong chị lấy điện thoại, mở app định vị, nói: “Anh đang ở cửa hàng gần đây. Chắc là sau khi gửi xe thì ghé mua ít đồ cho em ăn trên xe cho đỡ đói, vì đường về nhà chị hơi xa”. Tôi nghe xong cũng hả dạ, nhưng rồi lại nghĩ: “Sao chị lại theo dõi anh qua app?”. Suy nghĩ đó của tôi vụt trôi trên đường về nhà chị, trên tuyến đường đầy hoa của đất nước mặt trời mọc.

Hôm sau, chúng tôi có một bữa hội họp gia đình và quyết định sẽ di chuyển lúc 19 giờ, vì lúc đó cả anh và chị đã tan làm về nhà. Nhưng mãi vẫn không thấy chị về. Tôi hỏi: “Chị đang ở đâu rồi anh?”. Anh mở app lên, bảo chị đã về đến chỗ ABC.

Tôi lại hỏi: “Anh chị cài chung app theo dõi nhau trên điện thoại à?”. “Lâu lắm rồi mà. Bao năm nay vẫn vậy. Nếu không nhờ cái app này, chắc anh chị sẽ lo lắng lắm, không biết người kia có an toàn không” - anh rể tôi đáp.

Tôi ngơ ngác trước câu trả lời của anh, đang cảm nhận sự “dễ thương” của một người chồng hết lòng vì vợ con thì lại thấy anh lục đục đi tìm dù. Anh bảo: “Trời sắp mưa rồi, để anh mang dù ra đón chị, vì hôm nay chị đi xe đạp”. Tôi lại được bồi đắp thêm sự ngưỡng mộ từ cặp vợ chồng yêu nhau 9 năm rồi cưới nhau được hơn 10 năm, tổng cộng bên nhau gần 20 năm trời với 2 mặt con.

Và tôi thấy, từ trong bóng đêm, dưới ánh đèn đường hắt hiu những hạt mưa bụi nhè nhẹ của mùa hè, hình ảnh người vợ dắt xe đạp và người chồng che dù đi bên cạnh, cười nói vui vẻ cùng nhau. Đó có lẽ là một trong những khoảnh khắc bình dị mà đẹp đẽ của cuộc sống, khiến ai đã có gia đình cũng đều phải rung động.

Tôi chợt nghĩ đến hoàn cảnh của một người quen tên Hạnh và chồng là bạn thời đại học với tôi. Cũng là app cài đặt định vị cùng nhau trên một chiếc điện thoại, nhưng Hạnh chẳng dám rời tay khỏi chiếc điện thoại nửa giờ, vì luôn phải “check” xem chồng có đang ở công ty không, hay đang đi với ai, ở đâu…

Ảnh mang tính minh họa - Teksomolika
Ảnh mang tính minh họa - Teksomolika

 

Nếu chồng Hạnh lỡ về trễ, cô sẽ “mặt nặng mặt nhẹ”, than phiền, tra khảo lý do, dù đường về nhà có kẹt xe. Chồng Hạnh chia sẻ, mới cưới nhau được 2 năm, cũng không muốn căng thẳng, nhưng đôi lúc thấy ngột ngạt, muốn ném vỡ chiếc điện thoại nhưng lại sợ tốn tiền mua lại. Rồi anh nghĩ, dù sao ban đầu chính anh cũng đã đồng ý cài app vào điện thoại rồi, nên giờ đòi gỡ thì Hạnh sẽ nghi ngờ và quy kết nọ kia. Anh chốt - “cây ngay không sợ chết đứng”, chịu được đến đâu thì hay đến đó.

Cuộc sống vẫn cứ trôi, công nghệ không ngừng phát triển. Nhưng cách mình dùng các tiện ích công nghệ như thế nào và lựa chọn cơ sở để xây dựng mối quan hệ hôn nhân của mình ra sao, mới chính là điều quyết định chất lượng hôn nhân của mỗi người. Tôi nở nụ cười niềm nở chào đón chị tôi về nhà và thầm chúc phúc cho chị, vì đã chọn được một người chồng theo chuẩn “quốc dân”. 

Theo phụ nữ TPHCM