Trong góc căn nhà cấp 4 ẩm thấp (xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), chiều tối nào anh Lê Văn Huân cũng cùng vợ là chị Đặng Thị Ngọc Cảnh tắm rửa cho người mẹ bị tai biến mạch máu não, phải nằm một chỗ.
Mẹ anh Huân - bà Đặng Thị Hiền - 74 tuổi, bị tai biến liệt nửa người đã hơn 7 năm nay. Anh nhớ lại: "Khoảng 17-18 giờ hôm đó, tự nhiên mẹ tôi kêu chóng mặt, mệt, nói không nổi, rồi méo miệng, buồn nôn. Tôi liền gọi xe chở mẹ đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị và sau đó được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế".
|
Chị Cảnh chăm sóc cho mẹ chồng |
Gia đình anh thuộc hộ nghèo, bà lại không có bảo hiểm y tế, tiền viện phí, thuốc thang đã gần 100 triệu đồng. Mọi thu nhập trong gia đình đều trông chờ vào số tiền ít ỏi từ nghề phụ hồ của anh Huân. Mỗi ngày đi làm, anh Huân kiếm được từ 250.000-300.000 đồng nên anh phải chạy vạy khắp nơi để vay tiền chữa bệnh cho mẹ.
Những ngày tháng ở viện đã tiêu tốn khá nhiều tiền, nhưng mẹ vẫn không tiến triển nên anh đành đưa mẹ về nhà. Anh không muốn mẹ cô đơn, bị lãng quên. Anh cho mẹ nằm ở phòng khách để lúc nào mẹ cũng nhìn thấy các con cháu đi qua đi lại. Và cũng vì mẹ ngủ nghỉ, sinh hoạt ở phòng khách, vợ chồng anh phải chăm sóc mẹ sạch sẽ, chu đáo hằng ngày.
Dù bận mấy, đôi vợ chồng cũng thu xếp để nằm cạnh mẹ khoảng 1 tiếng mỗi ngày, hát và kể chuyện cho mẹ nghe. Anh nhớ lại ngày bé, mẹ nâng niu, dạy anh tập đi thế nào, kiên nhẫn ra sao, anh lại làm y như thế: “Bé mẹ ngoan nhé, nào ăn nào, ngoan quá, tập đi nào”. Nhưng đã hơn 7 năm, mẹ anh vẫn nằm hoài trên giường.
Mỗi khi trái gió trở trời, bà lại đau nhức toàn cơ thể, lại trở tính, trở nết với con cháu. Anh luôn khao khát làm được tất cả những gì tốt đẹp nhất cho mẹ, bởi vì chính mẹ đã cho anh hiểu rõ thế nào là tình yêu, thủy chung, thế nào là lòng thương, là đức hy sinh, là người không thể thay thế.
|
Anh Huân và chị Cảnh cưới nhau vào năm 2010 |
Dù suốt tháng, quanh năm phơi mình dưới mưa nắng, tiếp xúc với cát, đá, xi măng, nhưng mấy năm nay anh chưa bao giờ dám... bệnh. Có hôm trời đang nắng gắt lại đột ngột đổ cơn mưa rào làm cơ thể dễ mệt mỏi. Nhiều bữa mệt, anh vẫn phải tiếp tục công việc chứ không được nghỉ, cũng không dám nghỉ; bởi nếu cứ mưa mà nghỉ thì công việc sẽ không hoàn thành theo tiến độ, kéo dài thời gian bàn giao nhà. Thợ hồ không có sức khỏe, còn mất uy tín thì ai thèm thuê nữa. Anh luôn cố làm việc chỉ để mong trả hết nợ và đủ lo cho gia đình.
“Chắc được trời thương, cho sức khỏe và công việc đều nên tôi dù làm thợ hồ vẫn nuôi được con học hành đàng hoàng, xây được căn nhà trú nắng, trú mưa để phụng dưỡng mẹ già” - anh Huân tâm sự.
Những tưởng cuộc sống đã vượt qua khó khăn. Nhưng vào năm 2023, chị Cảnh có dấu hiệu bị tức ngực, khó thở. Vậy là anh lại sắp xếp đưa vợ đi khám bệnh và chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế. Chị được chuẩn đoán bị tràn màng phổi, dẫn đến viêm phổi. Tiêu tốn gần 50 triệu đồng. Anh lại phải vay mượn để chữa trị cho vợ.
|
Anh Huân làm công việc phụ hồ để lo cho gia đình |
Anh thương mẹ, thương vợ nên cố gắng đi làm hằng ngày và còn nuôi thêm con gà, con vịt để phụ chút ít vào bữa ăn gia đình. Các con của anh hiểu hoàn cảnh gia đình mình nên rất biết việc, tự học hành, tự lo cho bản thân và tự giác chăm lo cho các em nhỏ.
Anh Huân là lao động chính trong gia đình. Vợ anh đau yếu nên không thể làm việc nặng, chỉ có thể ở nhà chăm sóc con cái và người mẹ chồng bị tai biến. Anh Huân ngậm ngùi chia sẻ: "Tôi làm công ngày được 300.000 đồng, nhưng 1 tháng có được việc làm 20 ngày là cao. Bữa giờ ở nhà vì chẳng ai mướn, may mà quanh vườn còn có đôi ba cái rau, quả mang đi chợ bán. Dù sao tôi cũng phải cố làm để cho gia đình có cái tết đủ ấm". Nói rồi, anh nhìn mẹ đang nằm trên giường và mỉm cười với mẹ.
Theo phụ nữ TPHCM