Tôi sinh ra trong một gia đình có “truyền thống” chiều chuộng con trai. Ông bà nội tôi có 2 người con trai là ba tôi và chú tôi. Họ được ông bà, đặc biệt là bà nội, cưng chiều đến mức không cần phải làm gì cả. Từ việc nhà cho đến việc làm ăn mua bán của gia đình đều do các cô cùng ông bà nội cáng đáng.
Mẹ tôi kể, khi còn ở chung với nhà chồng, mỗi lần thấy ba giặt đồ cho mấy mẹ con là bà nội la ầm ĩ, bảo rằng đàn ông phải dành thời gian để làm những việc lớn. Cuối cùng, “những việc lớn” mà ba tôi làm là những ngày liên tiếp ngập ngụa trong cơn say rượu và sống thiếu trách nhiệm với gia đình. Từ nhỏ, tôi luôn thèm một cử chỉ chăm sóc, một lời nhắc nhở của ba nhưng tuyệt nhiên không có. Chưa có điều gì ở ba làm cho anh em tôi cảm động vì vốn không có kỷ niệm đẹp nào đã có giữa ba và chúng tôi.
Từ “tấm gương” của ba, về mặt lý trí, tôi biết mình phải sống khác ông và phải có trách nhiệm với con cái. Vậy nhưng như một “hệ cài đặt” đã có trong gia đình nội tôi qua nhiều thế hệ, khi vợ sinh, tôi tự xem việc chăm sóc con là của cô ấy. Tôi cho phép mình nghỉ ngơi sau khi đi làm về, không cần quan tâm vợ đã “xà quần” cả ngày với con nhỏ.
Đến một ngày, vợ tôi nói phải ẵm con về nhà ngoại ở Hóc Môn (TPHCM) để tiện nhờ ngoại phụ chăm cho đến khi con cứng cáp. Thấy hợp lý nên tôi đồng ý ngay và cuối tuần tôi về ngoại thăm con. Mỗi tuần ở nhà ngoại với con, tôi như gặp “ác mộng” vì vợ sai tôi đủ chuyện, nào là cho con đi vệ sinh, lau chùi, dọn rửa, thay tã cho con, nửa đêm bắt tôi dậy pha sữa nếu em bé ọ ọe đòi bú...
Ban đầu, tôi khó chịu, nhưng không thể không về với vợ con, rồi dần dần quen với việc chăm sóc con nên thấy thoải mái khi bị... vợ sai vặt lúc nào không hay. Trước đó, mỗi tuần nghĩ đến cảnh phải chạy về ngoại là tôi thấy ngán nhưng về sau tôi mong ngóng đến cuối tuần vì nhớ vợ con.
Từ thay đổi của bản thân, tôi nghiệm ra, bản năng thương nhớ, chăm sóc và “sẵn sàng chết vì con” chỉ có được khi ta bồng, cưng nựng, thay tã, tắm rửa, đút ăn cho con. Tôi luôn thấy nhớ và lúc nào cũng mong gặp con.
Đến tận giờ, tôi vẫn muốn gọi 2 con dậy, nhắc đánh răng rửa mặt và đưa con đi học. Tôi vui khi chở vợ con đi ăn sáng, ghé nhà sách, chở con đi bơi, dạy con gái chơi đá banh, dạy con trai chạy xe đạp...
Thật ra, tôi không thể dễ dàng thay đổi như vậy nếu vợ không quyết liệt đưa tôi ra khỏi mọi cuộc nhậu, đến tận nơi kéo tôi về, bất chấp “sĩ diện” của tôi với bạn nhậu.
Sau khi nhậu về, vợ đều đặn giao con cho tôi vì “có sức ăn nhậu thì có sức chịu”. Thấy “nhậu mà không yên”, tôi nhậu thưa dần rồi bỏ hẳn. Nửa đêm con khóc vì tã ướt hay khát sữa, vợ đều gọi tôi dậy phụ, mặc cho bà ngoại bảo “để nó ngủ”.
Sau một thời gian “huấn luyện” tôi, vợ yên tâm giao con cho tôi mỗi khi đi công tác xa nhà. Sau một thời gian dài cùng chăm sóc con, tôi thấy vợ chồng hiểu nhau và yêu thương nhau nhiều hơn.
Tôi biết ơn vợ vì cô ấy đã bắt tôi phải làm... cha. Nếu không, tôi sẽ mãi mãi là người đàn ông bất hạnh như cha tôi.
Theo phụ nữ TPHCM