|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Hôm rồi má bệnh, phải nhập viện cấp cứu lúc nửa đêm. Mấy chị em quáng quàng vì đó là lần đầu má để các con chứng kiến tình trạng yếu ớt, cần đến sự giúp đỡ. Bình thường, trong gian phòng nhỏ của riêng mình, sổ mũi nhức đầu hay cảm mạo, chỉ có ba má chăm sóc lẫn nhau. Các con mỗi đứa đều có công việc riêng, ngày đã vất vả nơi sở làm, má không muốn phiền chúng tôi giờ nghỉ ngơi.
Chị cả lái xe, tôi quơ vội mấy bộ quần áo và mền gối cho má phòng khi nhập viện. Nhà xa, chạy xe gần 1 giờ mới đến khoa cấp cứu một bệnh viện tư ở tỉnh. Lúc đó, người má đã lả đi, tôi phải dìu từng bước vào phòng siêu âm. Vị bác sĩ trực đêm ra toa và cho má truyền nước tại chỗ.
Chốc chốc, khi cơn đau dịu đi một chút, má lại thều thào: “Má không sao, các con chợp mắt một chút đi”. Tôi nhìn má phờ phạc tái xanh, mái tóc thưa đã mấy phần đốm bạc. Nơi hốc mắt trũng sâu là những vết hằn nhăn nheo. Bất giác một cái gì nghèn nghẹn, tôi nhận ra má không thể cứ trẻ hoài, khỏe hoài để sống đời với mình.
Sau khi truyền nước và cấp thuốc, má được bác sĩ cho về ngay trong đêm. Mấy chị em sốt sắng bên giường trông chừng cho má ngủ. Lại thều thào, má biểu: “Các con đi nghỉ, mai còn đi làm”. Chúng tôi lắc đầu, nắm lấy bàn tay hồ như đang run lên từng chập của má, nói: “Tụi con hãy còn trẻ”.
Nói vậy mà sáng ra đứa nào đứa nấy vật vờ ngầy ngật như người đã đói ngủ nhiều đêm. Mắt cay xè như có ngàn kim châm, cơn đau đầu chóng mặt ùa về tưởng nằm xuống ở đâu là có thể ngủ ngay ở đó. Chỉ một đêm thức trắng mà gần như suy sụp về thể chất lẫn tinh thần.
Nhưng chính trong phút giây mỏi mệt vì mất sức ấy, tôi bỗng nhớ nhiều về ngày còn nhỏ, chị em tôi đều mắc bệnh sốt phát ban, rất khó nuôi. Ba phải đi làm để kiếm cái ăn, một mình má ngày chạy tìm thầy thuốc, đêm lại túc trực trông chừng chườm nóng, tán thuốc. Không thể đếm hết bao nhiêu đêm má không ngủ để canh chừng thần chết, xin ngài đừng bắt mất chúng tôi.
Có một lần, mấy chị em đồng loạt bị sốt xuất huyết, phải đi nhà thương. Lúc đó ba má đang làm ăn xa, phải bỏ hết để quay về chăm con bệnh. Lại là những đêm má thức trắng, phẩy quạt khi con kêu nóng, lấy thân mình làm mền khi con lạnh run. Bất cứ lúc nào tôi giật mình mở mắt cũng đều bắt gặp ánh mắt trìu mến nhưng đầy lo sợ của má đang nhìn từng cử động, hơi thở của mỗi đứa.
Câu ca dao “Con ho ngực mẹ tan tành/ Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi” tôi từng được nghe nhiều lần, nhưng mãi đến sau này lớn khôn mới thật sự thấm thía.
Càng nhớ về ngày cũ tôi lại càng thấy mình nhỏ bé, vẫn chưa báo đáp được gì cho má. Từng tuổi này có khi còn để má bận lòng, vẫn còn đầy thiếu sót và thiếu kiên nhẫn với đấng sinh thành đang từng phút từng giờ bé lại. Còn má, trọn đời dành cho các con, chưa từng tính toán, kể công.
Tôi nói với má: “Tụi con thức có 1 đêm đã mệt nhừ xương, ngày xưa má vì tụi con mà không quản bao nhiêu đêm mất ngủ”. Má cười bằng đôi mắt lấp lánh nước, nhưng tôi biết đó là nước mắt của niềm vui khi nhận ra các con má giờ đây đã thực sự trưởng thành.
Theo phụ nữ TPHCM