Đám cưới con gái xong, bên dịch vụ tới dọn đồ trang trí. Chị tiếc mấy giỏ hoa tươi nên giữ lại, tính chưng thêm vài bữa cho vui nhà. Vậy mà tới chiều đi làm về, chị đã thấy đám hoa vùi trong góc sân, gần mấy bịch rác. Chồng chị tỉnh bơ: "Em không nói anh đâu biết, thôi bỏ bớt đi, chưng rồi ai chăm ai dọn".
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Mà thật, nhà giờ chỉ còn anh với chị. Chưng bông cho ai ngắm chưa biết, nhưng 1 trong 2 người phải thay nước, phải chăm chút mỗi ngày là chuyện thấy ngay trước mắt. Suốt mấy tháng qua bận rộn chuẩn bị cho con gái đi lấy chồng, cả gia đình bị cuốn vào hàng trăm thứ việc lớn việc nhỏ - từ sơn sửa nhà cửa đến mua sắm, xếp đặt. Việc xong rồi, tự nhiên thấy nhà rộng rinh, chỉ còn lại 2 người, chưng một bình bông cũng phải nghĩ.
Anh chị từng có thời gian trục trặc với nhau. Cách đây 2 năm, tờ đơn ly hôn đã 1 người ký sẵn, người kia cũng chỉ còn nước ký vào đơn chứ cũng chẳng còn hy vọng gì nữa. Đúng lúc đó, con gái bị người yêu bỏ. Nhìn con khóc lóc đớn đau đến lên bờ xuống ruộng, chị nói với chồng: mình phải nén chuyện riêng lại để chăm sóc con, an ủi con.
Cũng lạ thay, những lần nói chuyện với con về tình yêu, về sự phản bội để giúp con vượt qua nỗi đau thất tình đã giúp anh chị hàn gắn lại. Rồi con có người yêu mới. Nghe con nhõng nhẽo: “Con không muốn đi lấy chồng, con muốn ở với ba mẹ”, chồng chị mắng yêu con: "Ba mẹ ở với nhau được rồi, con gái không chịu lấy chồng, bộ tính ở nhà phá ba mẹ hoài hả?".
Giờ nhà còn có 2 người, sao thấy im lặng quá. Anh chị vốn đã ở riêng, 2 người 2 tầng. Phòng bếp dưới trệt, gần với phòng chị hơn. Mỗi lần vô bếp tính nấu cơm, chị phải gọi điện hỏi chồng có về ăn cơm không rồi mới nấu. Bữa ăn dọn ra, chồng vừa ăn vừa dán mắt vô điện thoại, chị cũng lôi điện thoại của mình ra để trên bàn. Lướt tới lướt lui một hồi, chị bực mình nhắn tin cho người ngồi trước mặt: "Ăn cơm với điện thoại có ngon không?".
Tin nhắn như một cú đập bàn giật bắn mình, anh úp điện thoại xuống, cầm đũa, nhìn vợ, nói: "Anh xin lỗi".
Chị im lặng. Cả hai ngồi ăn trong im lặng đến hết bữa. Trong đầu chị và chắc là cả anh nữa, bao nhiêu suy nghĩ quay lộn xoay vòng, nhưng chẳng ai nói câu nào với nhau.
Không biết đã từ bao giờ, chuyện vợ chồng nói chuyện với nhau trở nên quá khó khăn. Những câu ngắn ngủi giữa họ chỉ là nhờ việc này, hỏi việc khác đã xong chưa, nhắc đừng quăng đồ lên ghế, cằn nhằn sao không tưới cây. Câu trước câu sau rồi người nói người nghe đều im lặng. Dù chị biết trong đầu chị vẫn tiếp tục những lời trách móc, vẫn bực bội cãi lại chồng, nhưng chị im lặng cho nhà cửa đỡ nặng nề căng thẳng. Mà có nói ra, anh cũng đâu có nghe.
Thậm chí có những ngày về tới nhà là chị mở ti vi lên, để cho trong nhà có tiếng nói, đỡ phải chịu sự im lặng đè nặng lên mình.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Khi con cái lớn và ngôi nhà chỉ còn lại 2 người, cha mẹ lại một lần nữa học cách sống với nhau. Chiều hôm đó, khi lặt rau trong bếp, chị chuẩn bị câu chuyện để lát nữa nói với chồng. Để coi, có chuyện nào hay hay, mà phải là chuyện anh quan tâm đến.
Đây rồi. Vợ chồng con gái đang đi tuần trăng mật, 2 đứa nhỏ gửi mấy tấm hình ngập tràn hạnh phúc, tấm nào cũng ghi dòng chữ: "Con yêu ba mẹ". Có 1 tấm hình chụp ở bậc tam cấp đá, 2 đứa diễn lại tấm hình của anh chị ngày xưa. Hồi đó cưới xong, anh chị mới đi chụp hình cưới, bờ sông Hương, bậc thềm Phu Văn Lâu… Mấy năm rồi anh chị không có tấm hình nào chụp riêng với nhau. Cô gái trong tấm hình ngày xưa hơi tựa vào vai người đàn ông, tin cậy và hạnh phúc. Bây giờ hình như cô ấy chẳng cần tựa vào ai nữa chăng?
Bữa cơm chiều hôm đó, họ đã nói chuyện với nhau nhiều hơn. Câu chuyện mà chị đã chuẩn bị sẵn trong đầu chứ không phải chuyện bạ đâu nói đó và khi mở lời, chị nhận ra anh sẵn sàng nhập cuộc, như thể anh cũng đã chuẩn bị để nói chuyện với vợ. Chẳng phải chỉ ôn lại ngày xưa.
Cuối tuần này vợ chồng con gái trở về rồi, tụi nó sẽ qua nhà thăm ba mẹ một chút rồi về nhà riêng. Anh hỏi chị, hay là bữa nào mình về ngoại đi em, chắc thềm đá Phu Văn Lâu vẫn dẫn xuống bờ sông như cũ. 2 đứa mình đi với nhau, chẳng cần phải đợi con cái, chẳng cần phải ké vô niềm vui của tuổi trẻ.
Tuổi này, mỗi người đều phải học cách để thương nhau, bởi với ai cũng là lần đầu già đi. Học để tự điều chỉnh mình, để nắm tay nhau đi tiếp cuộc đời này, để thấy mình đã hoàn thành biết bao việc cùng nhau, rồi tính coi cần làm gì với nhau cho tới cuối hành trình…
Theo phụ nữ TPHCM