leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Hôm nay đã là ngày thứ ba chị chuyển sang ở hẳn trong ngôi nhà mà một người bạn cho thuê. Gọi là nhà nhưng thực chất công trình chỉ rộng hơn một chút so với căn phòng trọ khép kín người ta hay cho sinh viên thuê. Nơi đây gồm một gian phía trước có diện tích khoảng 10m2, đặt vừa 1 cái giường, 2 cái kệ sách, 1 tủ áo quần và 1 cái bàn làm việc nhỏ; riêng bếp và phòng vệ sinh được nối dài ra phía sau.

Chỗ bạn bè, lại thương hoàn cảnh của chị nên bạn chị đã cho chị mướn ngôi nhà với giá rất rẻ. Bạn bảo: “Vì muốn Vân ở đây thật tự nhiên nên mình mới cầm một chút tiền, chứ thực sự mình sẵn sàng giúp Vân miễn phí. Từ lâu, mình luôn muốn tìm được một người phù hợp chuyển đến ở cho ấm nhà. Nhà cửa dù to, dù nhỏ nhưng nếu để lâu ngày không sử dụng thì sớm muộn cũng sẽ hư hỏng. Vân cứ yên tâm chữa lành, mọi chuyện đã có mình lo”.

Nói đi đôi với làm, cách mấy ngày trước khi chị chuyển đến, bạn đã gọi thợ đo đạc, đóng nền, làm lại trần, lát thêm sân, chạy lại đường dây điện, thay mấy cái vòi nước… Mấy cánh cửa sổ để lâu ngày rụng rơi, xập xệ cũng được bạn cho thay mới. Như sợ chị buồn, bạn còn thuê xe kéo chở mấy chậu bông đến hiên nhà.

Ngày nhận nhà, điều khiến chị an lòng không chỉ là không gian vuông vắn, sáng sủa và chỉn chu mà còn là mảnh vườn bao quanh ngôi nhà với đủ loại hoa trái. Mấy cây đu đủ đang mùa rộ trái phía trước, bưởi và cam mọc đều đặn thành hàng 2 bên. Chị hết lướt ánh nhìn ra khu vườn đầy nắng lại thu hẹp vào khoảng không gian râm mát ở giữa 2 cây mít, cây xoài to mé sát góc sân. Chị nghĩ ngay đến việc sẽ mua một chiếc võng xanh màu trời rồi mắc vào giữa. Hẳn mỗi ngày cu Tí con chị sẽ rất thích được đung đưa, đung đưa…

***
Mấy năm nay, cuộc hôn nhân của chị ngấm ngầm nhiều đổ vỡ nhưng vì quá thương con, nên chị chẳng thể mạnh mẽ lựa chọn. Chị nhớ, ngày rước dâu, má chị từng dặn: “Cuộc đời của phụ nữ kể từ khi kết hôn, sinh con thì phải quên mình đi, không chỉ sống cho mình nữa. Những gì tốt nhất, đẹp nhất của mình đều dành cho chồng, cho con. Mà thứ đẹp nhất của phụ nữ là đức tính dịu dàng, là sự nhẫn nại, là sự vun vén, là không bao giờ rời bỏ”.

Cũng vì những lời này của má, sau khi lấy nhau, dù chồng tệ đến mức nào, chị cũng cắn răng chịu đựng. Hơn 5 năm chung sống cũng là chừng đó thời gian chị chịu đựng. Không chỉ là trụ cột gánh vác tài chính lo toan toàn bộ chi phí trong gia đình, chị còn bị bạo hành tinh thần quá mức bởi một người chồng vừa ham chơi vừa gia trưởng.

Dù chị có chu toàn, xoay xở vất vả bao nhiêu, sau cuộc nhậu vào mỗi chiều trở về nhà, chồng lại kiếm đủ cớ gây gổ, chất vấn chị. Những giày vò của chồng, chị chịu được hết cho đến khi chị nhận ra nét mặt buồn bã, lo âu của đứa con trai mỗi khi mặt trời tắt nắng. Chị biết, tâm hồn non nớt của con đâu có nhiều lý do và lý lẽ để có thể vô can trước một người cha ham bù khú, rượu chè.

Khi biết chị đơn phương nộp đơn ly hôn, mỗi đêm, mỗi ngày, chồng chị lại càng dồn ép, đẩy chị vào thế chân tường. Anh cho rằng người gây tan vỡ gia đình là chị, chỉ có chị mà thôi. Bao năm nay, anh vẫn chơi bời, vẫn không kiếm ra tiền nhưng sao chị vẫn chịu được mà bây giờ lại giở chứng đòi ly hôn? Chị là người sai vì chị thay đổi, anh không sai. Những ngày sau đó, biết không thể níu kéo, kìm giữ chị nữa, anh liên tục động tay động chân với chị, đem con ra làm điểm yếu khiến chị càng bất an, đau lòng.

Trong lúc đợi tòa xử, chị can đảm chọn ra riêng, tìm cho mình một nơi ở phù hợp, gần con mà vẫn đảm bảo an toàn cho bản thân. Mỗi ngày, chị sẽ nhờ ông bà nội chăm cháu, rồi canh lúc chồng còn tỉnh táo, bình tĩnh sẽ chạy về thủ thỉ, động viên con. Chị đã tìm hiểu kỹ những vấn đề pháp lý khi ly hôn. Với điều kiện của mình, chị hoàn toàn có lợi thế trong “cuộc chiến” giành quyền nuôi con.

***
Nơi ở mới bây giờ đã được sắp đặt, sửa sang xong xuôi. Chị chuyển hết đồ đạc cá nhân ra khỏi nhà chồng và dọn đến ở hẳn.

Sau những ngày hoang mang, rã rời vì liên tục bị chồng chì chiết, bạo hành, chị thả mình trên chiếc giường êm thơm tho mùi vải mới. Chị muốn dừng lại những suy nghĩ để tâm trí được nghỉ ngơi. Thay vì thấp thỏm lắng nghe tiếng dép của chồng, bây giờ chị thích nằm, ngồi, xem phim, đọc sách… đều tùy ý.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị ngỡ mình sẽ được thảnh thơi, vui vẻ, sung sướng, thế mà không phải. Căn nhà tuy nhỏ, vừa vặn nhưng sao chị vẫn cảm thấy trống trải; mảnh vườn tuy xinh đẹp, cây cối ngát xanh nhưng lòng chị vẫn rười rượi, hoang vu. Một tiếng nước réo sôi, một làn khói chiều xa xa nhà ai đốt rác cũng khiến chị ray rứt, lưu luyến cảm giác về hơi ấm gia đình.

Chị nhớ một người bạn từng kể về chuyến du lịch trong mơ của mình. Cô bạn ấy sau nhiều tháng ngày đầu tắt mặt tối, sau những ấm ức, vất vả vì phải chiều chồng, chăm con, đã tự tay thiết kế cho mình một tour nghỉ dưỡng kéo dài 1 tuần trên một hòn đảo có điều kiện ăn ở lý tưởng, khí hậu trong lành.

Thế nhưng, chưa đến ngày thứ tư, bạn đã gói ghém hành lý trở về. Bạn cảm nhận khoảng thời gian trong căn phòng tiện nghi ngọt thơm mùi nến, khoảng thời gian tung tăng đi dạo trên bờ cát dài, khoảng thời gian một mình thưởng thức ẩm thực thơm ngon trong khu nhà hàng sang trọng đều rất mông lung, như là không thực. Những người bạn khác thì kể về cảm giác bịn rịn, buồn khổ không dứt khi những đứa con của họ lên đường đi học xa dù lúc ở nhà, bọn trẻ từng gây ra biết bao phiền phức, mệt mỏi.

Chị nghiệm ra, bất kỳ người phụ nữ nào đã lập gia đình, trong đời cũng ít nhất vài lần từng ước mình được “giải phóng” khỏi núi việc nhà không tên, khỏi những buồn phiền, lo lắng, mệt mỏi khi đối diện với hôn nhân tệ hại, bất như ý. Thế nhưng, khi có cơ hội được nắm giữ sự tự do trong tay, khoảng thời gian, không gian đang tồn tại xung quanh đều là của mình, do mình chủ động, chính người phụ nữ ấy lại trở nên hoài nghi, chơi vơi, lạc lõng.

Khi không còn được chăm lo, dặn dò, lo lắng cho ai đó, người phụ nữ đã kết hôn chẳng thể duy trì sự vui vẻ, tươi mới kéo dài.

Chị suy nghĩ mông lung đến nỗi mặt trời trôi về đậu chênh chếch trên tán mít khiến nắng xiên chéo rọi thẳng vào nơi đang ngồi mà chị vẫn không hề hay biết. Chị đứng dậy, đi vào nhà, lục ra trong đống đồ mang theo xấp áo quần của con rồi xếp lại thật ngay ngắn. Chị đưa lên mũi hít hà, mong ngửi được một chút mùi mồ hôi của con còn sót lại.

Chị mong mọi chuyện sớm kết thúc, chị được đón con về ở chung. Ngôi nhà có mẹ có con, trong khi chị nấu cơm, giặt đồ, con trai sẽ ngồi trên giường xếp lego, vẽ tranh, gấp giấy. Chị sẽ dặn dò con nơi để chổi, móc áo, cách xếp giày dép vào mép cửa thật gọn gàng.

Chấm dứt với chồng, không còn đèo bòng, khổ đau vì một người đàn ông vô trách nhiệm, chị sẽ toàn tâm lo lắng, yêu thương con. Chị mong chờ lắm ngày tổ ấm 2 người thành sự thật.

Chị, một phụ nữ, một người mẹ cũng như căn nhà này, nếu không bảo bọc cho ai đó thì sẽ sớm hư hao.

Theo phụ nữ TPHCM