Con gái lớn gọi điện thoại về: “Má ơi, thu xếp lên sớm nghen má, ngày kia là thằng Tun với con Sóc tựu trường rồi đó. Sao đợt này má ở dưới lâu dữ vậy? Con lu bu quá chừng”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Con gái nói xong tắt điện thoại, chẳng chờ má trả lời. Nào giờ cô có thói quen gọi như thông báo lịch làm việc như vậy, vì ba má lúc nào cũng thương con thương cháu, nghe gọi là lên thành phố liền. Chính xác là bà mới về quê có 2 tuần cho cả nhà con gái đưa tụi nhỏ đi du lịch xuyên Việt. Nói nào ngay, con bà cũng rủ má theo, nhưng bà từ chối, đổ cho cái chân bị giãn tĩnh mạch, đi xa không tiện. Thật ra, bà nóng ruột muốn về quê với ông.

Cả chục năm nay, bà cứ như đặc phái viên đi công tác xa nhà liên tục. 4 đứa cháu nội, ngoại lần lượt ra đời cũng là thời gian bà hết ở nhà đứa con này đến đứa con khác để chăm cháu. Ban đầu, con mới sinh thì cũng tính chỉ chăm cho cháu ra tháng; xong lại xót con, xót cháu rồi chờ tới thôi nôi. Hết thôi nôi thì chờ tới khi đi nhà trẻ, hết nhà trẻ tới mẫu giáo rồi vào tiểu học. Lúc nào bà cũng thấy con trai con gái, con dâu con rể vụng về, chăm con bệnh lên bệnh xuống, làm sao yên tâm được. Thêm nữa, đám cháu nội, ngoại lại quấn quýt bà vô cùng, bỏ về không đành. Vậy là bà thành người trông trẻ chuyên nghiệp.

Thỉnh thoảng ông nhớ thì quảy giỏ, đón xe lên thăm, ở chơi dăm ba bữa lại lủi thủi đón xe về. Những khi gia đình con đi du lịch, nghỉ lễ, tết, bà mới được “nghỉ phép” về nhà. Mà cũng nào có yên, đôi khi về quê chưa được bao lâu, tụi nó lại gọi về báo tin mấy đứa nhỏ bệnh, nhõng nhẽo và chỉ đòi bà. Vậy là kỳ nghỉ phép kết thúc sớm, ông lại đưa bà ra bến xe trở lên thành phố. Qua kính xe, nhìn dáng ông lầm lũi đứng cạnh chiếc xe máy cũ ngóng theo rồi buồn bã quay về, bà nghe mắt mình cay cay.

Lần này bà lên thành phố, con gái bày ra đủ thứ quà mua được từ chuyến du lịch cho ba má. Nào là vòng đá quý mua ở Đà Nẵng, vải lụa mua ở Hội An, thêm bộ mỹ phẩm đắt tiền, hộp sâm cho ba, hộp collagen cho má. Từ ngày ở chung với các con, chuyện thuốc men, thực phẩm chức năng, rồi đồ ăn thức uống, con lo cho bà không thiếu thứ gì. Ở gần con, gần cháu, bà cũng thấy rất vui, nhưng nỗi băn khoăn về ông cứ ngày một lớn; nhất là khi mấy năm nay, ông có thêm bệnh tim mạch, tiểu đường. Miệng ông vẫn nói cứng bảo bà an tâm, cứ lo cho cháu, ông có thuốc bác sĩ rồi; nhưng bà biết nỗi cô đơn khi về già, mấy ai hiểu thấu.

Trằn trọc mấy đêm, bà quyết định nói chuyện với con gái, báo tin sẽ “nghỉ việc dài hạn”. Bà nói rất nhiều, rất nhiều, chỉ mong con hiểu cho lòng bà. Cứ tưởng con sẽ phản đối, không ngờ nó nói: “Con xin lỗi má, bấy lâu con cứ nghĩ đón má lên ở chung, một phần để má trông coi tụi nhỏ, một phần để má hưởng phước cùng con. Con cũng muốn ba lên luôn, ngặt nỗi ba má nói phải có người coi chừng nhà dưới quê nên con không dám. Ai có dè để má phải nặng lòng. Mai con đưa má về, sẵn biếu quà cho ba. Trên này để tụi con lo, hễ ba má nhớ cháu, nhớ tụi con thì lên chơi nghen má. Còn khi nào không thể xoay được thì con cầu cứu ba má”.

Bà thở phào nhẹ nhõm. Vậy là từ mai, bà sẽ trở về với hình tượng một bà ngoại ở tuốt dưới quê, lâu lâu gom cá, mắm, trái cây gửi xe đò lên cho con cháu. Rồi mỗi dịp tết, ông bà lại lặt lá mai, chăm vườn cây cảnh, chuẩn bị gói bánh tét chờ đàn cháu ở xa về. Coi bộ vậy hợp lý hơn đó chớ. Ôm cháu gái nhỏ vào lòng, bà nghe cháu nói: “Bà ngoại ơi, ba mẹ con dặn từ nay không được mè nheo đòi bà; tụi con lớn rồi, đã tới lúc phải “trả má cho ba, trả bà cho ông”.

Cái vụ không khóc nhè thì con hiểu, còn khúc sau là sao hả bà?”. Bà cười hiền: “À, là bà chơi với Sóc lâu rồi, bà phải về chơi với ông, kẻo ông buồn, ông khóc nhè như Sóc đó”. 2 bà cháu cùng cười vang. Bà nghe lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản.

Theo phụ nữ TPHCM