Lúc mới cưới, tôi được nhiều người dặn rằng vợ chồng đến từ 2 miền, văn hóa rất khác nhau nên phải hết sức cẩn trọng. Vốn trân trọng hôn nhân, tôi xem đây là kim chỉ nam cho cuộc sống chung.
Đúng là những thói quen mang tính tập quán là điều duy nhất khiến tôi lấn cấn trong hôn nhân. Tôi chỉ ăn được cá đồng, chồng chỉ thích ăn cá biển. Dù tôi không giỏi nấu ăn nhưng món cá kho trong hiểu biết của tôi là một ơ cá bỏ thật nhiều gia vị và kho thật nhiều lửa. Còn cá kho trong tâm trí chồng là một nồi cá biển trong veo, nhiều nước, chỉ kho cho vừa thấm gia vị rồi tắt bếp.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Lần đầu hớn hở thực hiện yêu cầu “kho một nồi cá hoành tráng” cho chồng, tôi chỉ nhận về cái tròn mắt kinh ngạc: “Cá kho của em là vậy đó hả?”. Hôm đó, tôi làm cá ba sa kho tộ. Chồng nói anh không ăn được cá da trơn, mà kho như vậy thì đâu còn vị tươi của cá. Anh đã phải thị phạm một nồi “cá kho đúng điệu”, tôi mới biết về món cá kho trong veo nhà chồng. Lần đầu thấy nồi cá này, tôi đã… nhờn nhợn muốn ói vì cảm giác cái tanh tanh của cá vẫn còn nguyên trên mâm cơm nhà mình.
Chẳng bao lâu, tôi được chồng ghi nhận như một đôi tay vàng trong làng kho cá. Nhưng đồng thời, tôi… nghỉ ăn cá vì món cá kho trong mâm cơm gia đình vẫn quá khó nuốt.
Sống với nhau được 6 tháng, chú ruột của chồng ở quê gọi điện… gửi em. Con của chú, tức em họ của chồng tôi sẽ vào nhà tôi ở nhờ để học cao đẳng. Chồng tôi không quyết ngay mà quay sang tôi: “Quan trọng là ý của em”. Tôi tá hỏa nghĩ đến chuyện một người lạ sống trong nhà mình. Nhưng chị đồng nghiệp của tôi là đồng hương của chồng quán triệt: “Người quê chị là vậy, cứ người đi trước thì phải đùm bọc người đi sau, anh em càng phải đùm bọc”. Tôi miễn cưỡng gật đầu.
Cuộc sống sau đó mới thực sự vất vả. Vừa lo ăn ở, tôi vừa phải kèm cặp, đưa rước em họ. Trong lúc chồng tôi khá nghiêm khắc, chỉ hướng dẫn, bảo ban và thẳng thắn góp ý với em thì tôi cúc cung phục vụ, dỗ dành, giúp đỡ. Tôi làm vậy vì sợ em có bề gì thì chính tôi sẽ là người chịu tội với họ hàng bên chồng.
Tất nhiên, vì phải “học” quá nhiều thứ để thích nghi, tôi đâm căng thẳng và trút mọi cáu giận lên chồng. Dù vẫn rất yêu thương và chăm sóc anh, vẫn mong muốn hòa nhập vào văn hóa gia đình anh, nhưng tôi không thể ngừng cái suy nghĩ chính vì anh mà tôi cực nhọc. Tôi bỏ mọi thú vui bên ngoài, bỏ mọi niềm vui ăn uống. Tôi xem việc chồng và em họ tấm tắc khen ngon là tiêu chuẩn tối thượng của mọi mâm cơm.
Cho đến một ngày, tôi bị chồng trách là “chiều hư em họ”. Anh nói tôi mù quáng khi chăm sóc một thanh niên 19 tuổi tận răng. Như chỉ chờ có vậy, tôi gào lên rằng tôi cũng kiệt sức vì phải chăm sóc em họ. Tôi đã quá mệt mỏi, tôi đã hy sinh mọi sở thích không phù hợp, đã xáo tung lịch sinh hoạt của bản thân để phù hợp với anh, nhưng vẫn chưa đủ.
Chồng tôi nhìn thẳng vào vợ, hỏi: “Em muốn phù hợp với cái gì? Anh đã bắt em phải quên mình để phù hợp với anh sao? Mà phù hợp với cái gì mới được?”. Lúc này, tôi như tỉnh ra. Tất cả những nguyên tắc sống kia là do tôi nghe ngóng bên ngoài rồi tự mặc định, tự theo đuổi. Chỉ vì ám thị rằng mình phải “dung hòa văn hóa vùng miền trong hôn nhân”, tôi cứ thế bám chấp mà quên nhìn lại mối gắn kết nhỏ bé, giản đơn giữa 2 con người.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Sau khi nghe tôi trút ra mọi dằn vặt, chồng tôi nói: “Đừng nghĩ gì sâu xa cả. Hãy nhìn anh đây. Anh đơn giản như em biết từ thời còn yêu nhau, khác biệt vùng miền gì thì cũng gói gọn trong con người anh cả. Em chỉ cần biết anh thôi. Chỉ cần 2 người mình hiểu nhau, hòa hợp với nhau là đủ. Đừng đi quá xa khỏi 2 đứa mình”.
Hóa ra, chính chồng tôi cũng đang “chịu đựng” sự chiều em của tôi. Anh đã tưởng rằng tôi thích chăm sóc người khác, thích quán xuyến chuyện của em họ nên mới nhiệt tình với em đến vậy. Anh còn nói, sự lơ ngơ bếp núc ban đầu của tôi khiến anh nghĩ tôi muốn học nấu ăn thật, nên anh mới… chỉ dạy theo cách mà anh biết.
Tình cờ, “cách anh biết” chính là thói quen ăn uống của người quê anh nên đã vô tình bồi đắp vào sự bám chấp vùng miền của tôi. Anh quán triệt, từ nay “xí xóa” hết. Không có khác biệt vùng miền, không có gồng mình hòa nhập, chỉ cần cởi mở, chia sẻ và dần dần điều chỉnh để từng người đều phải hạnh phúc trong từng việc.
“Từng người hạnh phúc trong từng việc”. Nghe thật giản dị, dễ dàng và nhiều cảm hứng. Tôi nhất trí cùng chồng và thấy bao nhiêu gánh nặng vừa trôi khỏi vai mình.
Theo phụ nữ TPHCM