Ba gọi anh em tôi cùng nhau ra ủy ban xã ký giấy tờ. Nhà có 2 mảnh đất nông nghiệp, quyền sử dụng thuộc về hộ gia đình nên cần sự bằng lòng của tất cả thành viên để tách thửa. Lâu lắm tôi mới có dịp đến ủy ban xã. Người dân ra vào tấp nập: khai sinh, hộ khẩu, giấy phép xây dựng…

Trong khi ngồi đợi, tôi phát hiện góc cuối căn phòng là nơi giải quyết những trường hợp đăng ký kết hôn. Ngày đầu tuần vắng bóng các đôi trẻ tuổi. Có vài cặp trang lứa với ba má tôi, tức là trên dưới 70 tuổi. Ba tôi lẩm bẩm: “Từng tuổi này còn đưa nhau đi kết hôn chi nữa?”.

Ảnh mang tính minh họa - Wirestock
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Wirestock

 

Tò mò và sẵn thấy ghế trống, tôi đến ngồi cạnh một bác gái. Xung quanh bác đều là những “cô dâu”, “chú rể” không có vẻ gì háo hức như gương mặt của những người sắp bước vào đời sống vợ chồng. Chẳng biết có đoán được sự tò mò của tôi hay không mà bác gái giải thích luôn một tràng dài.

Đại khái, bác và “ông nhà” ngày xưa cưới nhau chỉ có họ hàng hai bên, chưa từng làm giấy kết hôn. Sống với nhau hơn 5 đứa con, nay cháu nội cháu ngoại đủ cả. Một bác khác chen vào, cực chẳng đã mới phải đi lo cái giấy chứng nhận, già rồi tự dưng nói chuyện cưới xin, mắc cỡ với con cháu họ hàng.

Bác trai đến vỗ nhẹ vào vai bác gái để cắt đứt câu chuyện. “Xong chưa ông?”, “Chưa được gì hết, về thôi. Mai phải lên huyện trích lục mấy cuốn sổ hộ khẩu bên nhà bà, bên nhà tui, từ thời còn độc thân sống với cha mẹ, rồi lục luôn mấy sổ hộ khẩu cũ nhà mình từ lúc ba má cho ra riêng nữa”.

Nghe vậy, những người xung quanh cũng đứng dậy ra về. Mấy đứa con cháu làm tài xế cho ông bà đều nhăn mặt, bảo thủ tục nhiều quá. Những người còn ở lại có vẻ đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ.

Qua cuộc chuyện trò của họ, tôi mới biết các bác làm giấy kết hôn để bổ sung hồ sơ chia tài sản cho con, chủ yếu là nhà cửa, đất đai.

Anh cán bộ gọi tên một “cặp đôi”, hướng dẫn họ ký vào một số chỗ. Xong, hai ông bà cảm ơn rồi quay lưng. Anh cán bộ gọi với theo, đùa: “Về tổ chức đám cưới linh đình nha bác ơi, nhớ gửi thiệp mời con”.

Ông cụ cũng không vừa: “Tui mần cặp bò đãi cả xóm, may áo cưới cho bả đàng hoàng, nhận phong bì hẳn hoi, chắc kiếm bộn. Giờ già rồi làm gì ra tiền đâu, tranh thủ hốt cú chót này. Chú em nhận thiệp mời phải có mặt à nghen”. Cả phòng cười rần rần.

Câu chuyện vui khiến ba má tôi chú ý. Ba má sống với nhau mấy chục năm nhưng cũng chưa từng đăng ký kết hôn. Lúc đó mới hòa bình, đời sống khó khăn, đám cưới tổ chức sơ sài. Ba tôi thường nói, ngày xưa cưới xin đơn giản nhưng đa số các cặp đều ăn đời ở kiếp, sướng vui cùng hưởng, hoạn nạn cùng chia.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Freepik

Tôi biết, sau lần này, thế nào ba cũng tìm đọc luật để hiểu tại sao cần sự chứng nhận vợ chồng trong thủ tục chia tài sản cho con cái. Và chắc chắn ba má tôi sẽ đồng thuận thực hiện điều cần thiết để đảm bảo sau này các con không gặp khó khăn trong việc nhận được tài sản từ cha mẹ. 

Cùng nhau trọn đời làm mọi việc, đó là điều tôi nghĩ khi nhớ đến các cô bác U70 đi đăng ký kết hôn. Không hiểu sao, chỉ cần một chi tiết đó, tôi có thể tự tin đoán họ đã có một hôn nhân viên mãn. 

Theo phụ nữ TPHCM