Em họ tôi năm nay đã 38 tuổi. Em mồ côi mẹ từ nhỏ, ba lại mất sớm. Một mình em bươn chải nuôi 2 đứa em tới khi chúng trưởng thành. Tháng ngày thanh xuân của em trôi qua lúc nào chẳng biết.
|
Tháng ngày thanh xuân của em trôi qua lúc nào chẳng biết (ảnh minh họa) |
Em đi làm xa, mỗi lần về quê là cô bác ai cũng nhắc: "Châu, lo chuyện chồng con đi thôi!", nhưng cô em họ của tôi chỉ cười trừ và "đánh trống lảng".
Có lần, Châu tâm sự với tôi rằng em rất tự ti về gia cảnh nên không dám đến với ai; hơn nữa, em cũng không còn trẻ để có thể tìm được người đàn ông ưng ý. Những người tầm tuổi em thì đều đã vợ con đề huề. Người hơn tuổi mà em quen thì đa phần là "gà trống nuôi con". Nếu có lấy nhau, chuyện con riêng con chung cũng nhiêu khê, mệt mỏi. Thà cứ ở vậy cho khỏe.
Đùng một cái, Châu về báo tin em sắp lấy chồng. Em nhờ ba mẹ tôi đứng ra làm đại diện nhà gái để sắp tới, nhà trai về thưa chuyện.
Cả gia đình tôi mừng cho em. Sau bao năm đi về lẻ bóng, cuối cùng thì em cũng có một mái ấm. Nhưng mừng đó rồi lại lo đó, bởi chồng sắp cưới của Châu kém em tới 6 tuổi.
38 tuổi, Châu cũng chưa phải đã già. Nhưng bao năm em lăn lộn mưu sinh, vất vả tủi cực đã thấm vào từng nếp nhăn, từng vết thâm nám trên khuôn mặt vốn “cứng” hơn tuổi của mình. Em lại mồ côi mồ cút, tiền tài sự nghiệp không có. Bấy nhiêu năm bươn chải cũng vẫn hoàn trắng tay.
Chồng sắp cưới của Châu thì ngược lại, cậu ấy có tất cả những gì mà em không có: trẻ trung, công việc ổn định với thu nhập tốt, gia đình khá giả… So với chồng sắp cưới thì em tôi kém cạnh đủ đường.
Ba mẹ tôi và cô bác trong gia đình đều băn khoăn. Liệu cuộc hôn nhân “như đôi đũa lệch” ấy có ổn?
Đã vậy, gia đình tôi từng chứng kiến mấy cặp “phi công trẻ” - “máy bay bà già” phải chia tay sau vài năm chung sống, chỉ vì “phi công” còn sung sức mà “máy bay” đã xập xệ.
Tôi ôm nỗi phiền muộn ấy trong lòng, chẳng dám bày tỏ cùng Châu. Nói sao cho đành. Khó khăn lắm em mới bước được đến trước ngưỡng cửa hạnh phúc, lẽ nào tôi lại khiến em hoang mang sợ hãi?
Cho đến ngày Châu đưa chồng sắp cưới và ba mẹ chồng về. Em ngại ngùng ngồi bên cạnh chồng, trước mặt gia đình đôi bên. Sự chênh lệch về tuổi tác hiện lên rất rõ, khiến tôi và cả nhà chỉ biết lặng lẽ thở dài.
Sau màn thăm hỏi, thưa gửi thân tình của người lớn, ba tôi dè dặt nói với ông bà sui về những băn khoăn của mình khi chàng rể kém cô dâu tới nửa con giáp.
Ông sui cười khà khà: “Thằng con tui nối nghiệp “phi công” của cha nó đó. Ông đừng có lo”. Nghe câu nói ấy, cả nhà cười rần rần. Đôi trẻ cũng nhìn nhau cười tủm tỉm.
Hóa ra, ba chồng em ngày xưa cũng từng bị phản đối dữ dội vì lấy vợ hơn nhiều tuổi. Nhưng ông nói, khi đã thật lòng thương nhau rồi thì tuổi tác, đẹp xấu không thành vấn đề. Đàn ông bản lĩnh ở chỗ dám vượt qua định kiến để chở che cho người mình thương. Ông còn tự hào khoe mình có bí kíp để “cải lão hoàn đồng” cho vợ. Chỉ cần được chăm chút mỗi ngày, phụ nữ nào cũng có thể “trẻ hóa”. Vậy nên, dù bà xã hơn ông nhiều tuổi, nhưng chẳng mấy ai nhận thấy.
Gia đình tôi thở phào nhẹ nhõm. Em tôi được “lái” bởi một cậu “phi công chân truyền”, có ba mẹ chồng hiểu biết như thế thì còn phải đắn đo gì! Tôi mừng cho Châu và thầm cầu chúc em luôn hạnh phúc viên mãn bên người chồng trẻ.
Theo phụ nữ TPHCM