leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Tưởng chừng chuẩn bị một bữa ăn cho gia đình thật đơn giản, nào ngờ phải qua nhiều công đoạn và mất không ít thời gian dù có nhiều thiết bị hỗ trợ cho công việc bếp núc. Chỉ là món canh chua nhưng phải biết làm thế nào để cá không bị tanh, khi nào cho cá vào nồi canh, nêm nếm gia vị thế nào cho vừa miệng. Rồi chọn món mặn nào đi kèm với món canh cho hợp. Lại còn món tráng miệng… Chưa kể, thiết kế một bữa cơm gia đình thế nào để dung hòa được khẩu vị cả nhà, đảm bảo vệ sinh, đủ dinh dưỡng, hợp túi tiền… là cả một nghệ thuật.

Năng động trong công việc nhưng khi bước chân vào bếp, tôi chỉ là một chú bé học việc không hơn không kém. Bàn tay như múa trước máy tính, điện thoại thông minh bỗng dưng trở nên vụng về trước nồi niêu xoang chảo. “Anh phải cắt hành tây thế này, nếu không sẽ bị đứt tay đấy. Đeo kính vào để tránh cay mắt…” - vợ vừa nói vừa thị phạm như cô giáo. Thế là anh học trò tôi phải nghe theo. Vào bếp cùng vợ, tôi lại có thêm những kiến thức phong phú xoay quanh những món ăn.

Khi vào bếp, tôi mới cảm nhận sâu sắc hơn: ẩm thực của ông cha ta thật phong phú và mang tính dung hòa giữa những món ăn. Lúc trẻ thì có muôn vàn món ngon để lựa chọn. Khi gió heo may về thì trong mỗi bữa ăn nhất định phải có món canh. Con cháu luôn muốn gắp cho ông bà, cha mẹ những món ăn ngon. Nhưng khổ nỗi, răng người già thường yếu, làm sao thưởng thức hết vị ngon của những miếng thịt heo, bò, gà, vịt. Hơn nữa, cái sự tiêu hóa của người già không dễ dàng chút nào. Gặp thức ăn khó tiêu, có khi cứ ậm ạch cả đêm không sao ngủ được. Thôi thì để dành phần cho ông bà, cha mẹ mình chén canh nóng, vừa dễ nuốt, dễ tiêu vừa mát ruột lại vừa có chất dinh dưỡng bởi chất ngọt từ thịt, cá được hầm nhừ cùng với hương vị của rau củ. Chén canh như chất xúc tác giúp người già ăn uống ngon miệng và cảm thấy thoải mái hơn sau mỗi bữa ăn.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Một lần khác, đang chuẩn bị món thịt luộc cuốn bánh tráng, lần đầu tiên tôi được nghe một câu chuyện lịch sử lý thú tưởng chừng chẳng liên quan gì đến ẩm thực: để chuẩn bị cho việc đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ ra lệnh cho nữ tướng Bùi Thị Xuân lo việc quân lương với tiêu chí: không tốn công nấu nướng, không dừng ngựa lại nhằm đảm bảo cuộc chiến thần tốc giải phóng Thăng Long. Với tài khéo léo, nữ tướng họ Bùi đã đóng góp công sức vào chiến thắng Kỷ Dậu 1789 nhờ 2 món ăn trên lưng ngựa: bánh tráng và bánh tét. Những người lính Tây Sơn gọi bánh tráng là bánh Đống Đa, lâu dần gọi tắt là bánh đa. Một kiến giải lý thú cho một món ăn dân dã mà khắp 3 miền Trung Nam Bắc đều thịnh hành.

Vào bếp cùng vợ để cảm nhận, chia sẻ và hiểu thêm nhiều điều hay trong cuộc sống hằng ngày. Trong thế giới ẩm thực với những biến tấu lung linh sắc màu của biết bao món ăn, gian bếp nhà tôi càng thêm ấm cúng khi hòa quyện vào đó tình yêu thương.

Theo phụ nữ TPHCM