Tôi đã chứng kiến ở tiệc cưới hôm ấy, mẹ chồng (là bác ruột tôi) nắm tay con dâu đầy vẻ âu yếm, tin tưởng. Giữa một nhóm bạn bè, người thân, bác nói rõ ràng, mạch lạc: “Mẹ gửi con trai mẹ cho con, nhờ con dạy nó thay mẹ. Mẹ tin tưởng con sẽ “dạy” được chồng con bằng tấm lòng chân thành và tình yêu bền vững”.
Nghe bà nói xong, tiếng xì xào nổi lên: “Gì kỳ vậy? Giao con trai cho con dâu dạy bảo, khác nào bắc thang cho con dâu đè đầu cưỡi cổ con trai mình?”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Cũng có người cho rằng bà mẹ ấy khôn ngoan, biết cách phủ đầu, giao trọng trách, cũng là ra đầu bài cho con dâu ngay từ thuở ban sơ mới về. Riêng tôi thì nghĩ, hẳn bác đã rất tin tưởng vào tình yêu của các con, tin vào sức mạnh của tình yêu có thể cảm hóa, chuyển hóa nhiều thứ từ xấu thành tốt, từ tốt thành tốt hơn. Lời gửi gắm của bác là sự tin tưởng tuyệt đối, chứ không phải giao con trai cho... giặc.
Tôi biết tính cách cậu con trai của bác. Cậu ấy vốn có tật chi tiêu vung tay, nóng giận thì nói năng thiếu kiểm soát. Có thể con dâu bác cũng có những khuyết điểm riêng. Việc hiểu rõ những khuyết điểm của nhau mà vẫn chấp nhận nhau, điều này khiến bác vừa an tâm nhưng cũng phập phồng. Bác vẫn lăn tăn sợ những lúc vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt thì những khuyết điểm ấy bị đối phương... hâm nóng lên.
Bác tôi hy vọng, sau khi về chung một nhà, vợ chồng con trai - con dâu biết bảo ban nhau, phát huy cái tốt, sửa dần cái chưa tốt. Có những chuyện ba mẹ dạy mãi không được, nhưng người yêu tác động có khi hiệu quả không ngờ.
Hôm ấy, tôi hỏi đùa bác: “Giả sử như làm được bao nhiêu tiền, con trai đưa hết cho vợ, lúc đó bác vui hay buồn?”. Bác tôi trả lời: “Nó đưa hết cho vợ là chuẩn nhất, vì đàn ông giữ tiền dễ sinh tật. Phụ nữ giữ tiền chắc chắn hơn”.
Không biết cô dâu mới nghĩ gì khi nhận trách nhiệm dạy chồng? Cô có lo lắng kiểu: “Con trai mẹ, mẹ không dạy được thì con làm sao dạy được?”. Và chắc cô cũng biết, mẹ gửi, nhưng mẹ vẫn âm thầm quan sát cách cô đối xử với chồng. Hay thì mẹ khen, dở thì mẹ trách; bởi chẳng bà mẹ nào vô tâm trước những thay đổi, những buồn bã của con trai mình. Khi ấy, biết đâu mẹ sẽ tìm tới con dâu... hỏi tội.
Tôi nghĩ, mấy lời gửi gắm của bác hôm đám cưới, là trao quyền lực cho con dâu, nhưng cũng gắn với trách nhiệm. Tôi tin rằng, hôn nhân có được từ tình yêu bền vững thì con tim tự nhiên sẽ mách bảo cách “dạy” chồng. Phụ nữ yêu chồng, nhất định sẽ có cách hay để giữ chồng.
Phụ nữ vốn chi tiết, cầu toàn, nên dù người đàn ông trưởng thành tới đâu, khi về sống chung trong một gia đình, vẫn cần có vợ dõi theo động viên, khuyên can khi cần thiết. Trong ngày cưới, mẹ đã trao quyền cho con dâu, như sự mặc định đàn ông lắm tật, phải được kèm cặp. Được sự đồng hành của người vợ, đàn ông hiểu chuyện, khôn ngoan sẵn sàng làm “học trò” của vợ cả đời - chẳng mất mát gì, vừa được tiếng thơm mà nhà cửa lại trong ấm, ngoài êm.
Về chuyện phụ nữ dạy chồng, có người nói vui: mấy bà thích dạy cứ dạy, còn tiếp thu tới đâu, làm được bao nhiêu là quyền của học trò. Mới nghe qua tưởng chừng vô vọng, nhưng tôi vẫn có niềm tin hiệu quả của việc “dạy” chồng nằm ở cách dạy của những bà vợ - dạy sao cho chồng không cảm thấy là đang bị “lên lớp”; dạy sao cho các ông thấy mình luôn được lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng và yêu thương. Được vậy, có khi các ông lại muốn suốt đời làm học trò của vợ mình cũng nên.
Theo phụ nữ TPHCM