leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

1. Mẹ tôi không khỏe chút nào. Ai còn có nhiều sức lực khi đã đi gần ngót đời mình, khi cuộc sống chỉ còn có thể tính từng ngày? Có cái chân nào không mỏi? Có hơi thở nào không nặng nhọc từng cơn? Vậy mà, từng ấy ngày có con có cháu là từng ấy ngày bà dậy nấu ăn, soạn sửa xoong nồi, chén đũa, thức ăn từ rất sớm, chỉ chịu ngồi khi mọi thứ tinh tươm.

Chị em chúng tôi ăn no bỏ chén đó, nghĩ từ từ hẵng rửa; buồn ngủ chạy đi nằm chút, nghĩ thong thả hẵng nấu cơm. Giật mình thức giấc, mùi thức ăn cho buổi cơm chiều thơm lừng lẩn quẩn ngoài cửa phòng, chén dĩa sạch sẽ nằm ngay ngắn trên kệ, nhà cửa gọn gàng… Tiếng dép của mẹ lẹp xẹp lẫn trong tiếng gà chắc cũng ngủ quên giật mình gáy sảng.

Em tôi ngây thơ hỏi như trách: “Sao mẹ không nghỉ ngơi đi? Lúc nào mẹ cũng lọ mọ…”. “Nghỉ thì ai làm cho mẹ!”. Câu nói của mẹ nhẹ hẫng rơi ra theo bước chân chậm rãi từ chỗ này qua chỗ kia. Tôi không hề nghe ra một nỗi lẫy hờn trong câu nói đó, chỉ cảm giác tự nhiên như thấy có đôi tay ai đó đưa ra vòng thành một cái ôm trước mặt.

Đời những người mẹ xứ mình, nhất là những người mẹ từng đi qua cái chặng khốn khó của mấy chục năm trước, có người nào không đưa tay ra ôm biết bao nhiêu là việc trong gia đình vào mình. Một cách tự nhiên như hơi thở, không mảy may, hoặc hiếm khi ở họ dấy lên câu hỏi tại sao hay một tủi hờn so sánh nào.

2. Tôi vẫn ngồi lặng lẽ nơi góc bếp, bấm đốt ngón tay, tính xem 1 năm 365 ngày, cả ngày hè lẫn ngày lễ ngày tết, từ nhỏ đến lớn, chị em chúng tôi được ở gần mẹ bao lâu, được mấy lần mẹ thong thả dạy bảo cho điều này điều nọ… Gần như rất ít, ít đến nỗi tôi không nhớ ra. Chỉ còn nhớ dẫu chúng tôi đi đâu, làm gì, cũng không thể nhòa mờ hình ảnh sống động của mẹ trong tâm trí. 

Hóa ra các bà mẹ từ xưa đã có cách dạy con rất hay. Không cần qua trường lớp, mỹ từ hay nghiên cứu tâm lý gì cả, họ dạy bằng chính mỗi ngày sống của mình. Mỗi ngày sống biết nghĩ cho mọi người trước tiên, nhất là cho con cái, người thân. Mỗi ngày sống luôn động viên mình cố gắng thêm một chút, không được lơi tay hay buông xuôi. Mỗi ngày sống luôn tin rằng biết co ắt sẽ có ngày ấm. Mỗi ngày sống thấu đạt lẽ đời sâu sắc, không có cái gì tự nhiên mà đến, không ai có thể gánh được ai mãi mãi. 

Trong gập ghềnh của đời mình, nhất là những chặng đôi tay muốn buông tất cả, đôi chân muốn ngồi bệt xuống không thèm bước đi, có bao nhiêu đứa con nhớ đến dáng mẹ đang lê đôi chân đã run rẩy khắp gian bếp, đôi tay run run vẫn thoăn thoắt lau chén, xếp nồi, làm bánh, nấu xôi, sắp xếp cúng món gì cho ngày mai, hoa trái tiền vàng ngày nào giờ nào mà mạnh mẽ đứng lên?

3. Tôi từng đọc đâu đó về sự diệu kỳ của ký ức. Đặc biệt là ký ức về gia đình, một cách tự nhiên sẽ được lưu giữ trong tiềm thức con người như một thứ của để dành, nhất là với trẻ con. Người lớn không cần sốt ruột, khi bằng trải nghiệm của mình muốn con cháu lập tức hiểu, ghi nhớ và thực hành ngay lời dạy bảo của cha mẹ ông bà. Chúng ta cứ an tâm chỉnh sửa và sống cuộc đời mà bản thân ta cho là phù hợp.

Mỗi ngày, mỗi dịp, bọn trẻ có thể mải cười giỡn chí chóe với nhau về một thần tượng nào đó của thế hệ chúng, một bản nhạc đang nổi hay một trò chơi điện tử mới. Đừng nóng vội, các con thấy, nghe và hiểu hết. Chúng sẽ góp nhặt tình thương, sự chăm chút, cách sống, cách nghĩ của ông bà cha mẹ để vào ngăn tủ sâu kín mang tên tiềm thức và sẽ đem ra dùng đúng lúc. Khi các con thực sự cần, như thể một khách bộ hành lạc đường trên sa mạc, tiềm thức sẽ tự khắc đưa chúng về với ký ức sâu đậm nhất. Đó là ký ức về gia đình. Nhất định.

Nhìn những thùng đồ ăn đầy ăm ắp, được nắn nót ghi tên từng đứa - những thùng đồ ăn mà không ít lần tôi càu nhàu là không cần vì chúng khiến mẹ cực quá và tôi hoàn toàn có thể mua được - tôi thầm cảm ơn mẹ.

Tôi không biết mai này thành bà của những đứa trẻ, mình có làm được như thế mỗi khi con gái, con dâu, cháu chắt kéo nhau về chơi rồi kéo nhau đi như thế này hay không. Tôi không biết mai này có ra ngóng vô nhắc mai đứa này, đứa kia về; có mua sắm món này vì đứa này thích, món kia vì đứa nọ thèm hay không.

Tôi không biết mai này mình có chăm chăm nhìn vào cái điện thoại im ỉm, lâu lâu bấm cho sáng đèn để chắc rằng nó không hư vì cả ngày không nghe tiếng con cháu gọi điện như mẹ không. Chỉ biết mỗi lần mở tủ lạnh lấy đồ ăn ra nấu sau một ngày làm việc lắm khi thở thôi đã mệt, tôi lại thấy dáng mẹ liêu xiêu tuổi thất thập, thuốc uống mỗi lần một vốc tay đủ loại, lẹt quẹt đôi dép đi khắp gian bếp nấu ăn ngày 3 bữa cho ba. Chỉ biết mỗi lần dọn cơm lên, chắc chắn đám con cháu của mẹ đều biết rằng món này là của bà gửi. Ký ức các con đã vẽ một nét thật sâu đậm về bà. 

Chúng tôi về rồi sẽ rời đi, mỗi đứa một nơi, một việc, cuộc bươn chải lại bắt đầu. Ngôi nhà của ba mẹ sẽ yên ắng trở lại. Bữa cơm hằng ngày sẽ quay đi quay về vài ba món hợp với 2 người già. Chỉ có 2 cái chén 2 đôi đũa, không có tiếng soạn sửa nồi xoong tô dĩa, không bàn tính nấu món này món kia. Ngồi ăn cơm chiều nghe được tiếng lá lào xào với gió ngoài hiên, tiếng chó nhà ai vu vơ sủa dội lại từ xa xa, 2 người già ấy rì rầm với nhau về những chuyện đã nói biết bao nhiêu lần và luôn bắt đầu bằng 2 tiếng: “Hồi đó…”. 

4. Chúng tôi rời đi, không ai còn nhớ mình đã giận mẹ vì luôn tay luôn chân làm không nghỉ ngơi, không kêu con cháu phụ giúp, nói hoài không được. Không ai còn nhớ mẹ càm ràm luôn miệng vì cả đám bừa bộn, để cái ly, cái bình, cái nón, đôi dép không đúng chỗ. Chúng tôi rời đi, ba mẹ cũng không còn nhớ cái ồn ào làm xáo trộn ngôi nhà của mình. Mẹ sẽ không còn nhớ, không giận vì chị em tôi có lúc lời qua tiếng lại. Ngày mai thôi, mẹ sẽ như một người được giao cho cuộn chỉ rối to tướng, ngồi lần từng đoạn lẩm nhẩm đếm từng tháng từng ngày, xem khi nào đến cuối tuần, đến dịp lễ, hè rồi tết để lại tíu tít đón con mừng cháu.

Tôi, một lần nữa, thấy trước mắt mình một đôi tay đưa ra và kết thành một vòng tay ôm. Không giống như vòng tay lúc nãy, bây giờ là vòng tay thương yêu, thật chặt, thật sâu, thật vững. Vòng tay ấy là của mẹ, của gia đình. Ở trong vòng tay ấy, có đứa con đứa cháu nào lạnh lẽo, đơn côi, té ngã cho được? 

Theo phụ nữ TPHCM