Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mỗi bận luật sư Võ Thị Anh Loan (Công ty Luật Gold Key, TPHCM) đặt chân về tỉnh nhà Quảng Ngãi công tác, đến tầm giờ cơm trưa, lại nhận được tin nhắn: “Thuận lợi không con? Gần xong việc chưa con?”.

Và bao lần như một, vẫn là mẹ Nguyễn Thị Kim Lan tiễn chị ra cổng, dặn dò rồi nhét một món chị thích vào túi để ra sân bay ngồi ăn trong lúc đợi. Đôi lần can đảm nhìn lại, chị luôn thấy mẹ nép vào cổng, dụi mắt mãi cho đến khi con khuất dạng.

Lúc nào cũng muốn được ở bên nhau là điểm chung của chị và mẹ. Hễ về đến Quảng Ngãi, bất kể là huyện nào, vừa xong việc là chị tranh thủ về nhà để được ngồi tâm sự với “chị mom” (cách gọi mẹ thân thương của chị Anh Loan). Đôi khi chị Loan bận làm việc trên máy tính, bên đống hồ sơ, ở riêng phòng, nhưng năng lượng tỏa ra trong 5m nơi nhà mình cũng đủ khiến lòng mẹ hân hoan, ấm áp.

Bà Kim Lan kể: “Có khi mẹ con nằm bàn luận vụ án đến tận 2 - 3g sáng. Mặt trời vừa lên là con lo đi liền. Tôi ở nhà còn được nghỉ ngơi, ngủ bù; nghĩ đến con quá vất vả, mình cứ ngẩn ngơ, trông cho con xong việc, lại về”. 

Những đợt chị Loan tham gia nhiều vụ án khốc liệt, bà Kim Lan lặng lẽ thắp hương bàn thờ, khấn nguyện chồng phù hộ cho con gái khỏe mạnh, công việc suôn sẻ, may mắn, thành công. Khấn chồng, bà như nói với mình hãy vững tin, đừng quá lo lắng; mọi khó khăn, thử thách rồi sẽ qua. 

Luật sư Võ Thị Anh Loan và mẹ những ngày dạo chơi ở TPHCM
Luật sư Võ Thị Anh Loan và mẹ những ngày dạo chơi ở TPHCM

 

Sinh thời, ba chị Anh Loan luôn hiểu và đồng hành với chị trên hành trình công lý; mẹ chỉ chia sẻ về cuộc sống, tình cảm. Nhưng từ khi ba qua đời, đã khởi đầu một sự gắn kết đặc biệt giữa mẹ và chị trong công việc của chị. Bà lắng nghe, góp ý với tầm nhìn và nhận định cực kỳ sắc sảo, thấu tình đạt lý. Bà nhận định phải làm đơn đăng ký gặp được người quyết định cao nhất hoặc những người lãnh đạo có chuyên môn, chính trực để họ lắng nghe và chỉ đạo giải quyết (bà Kim Lan thời điểm trước nghỉ hưu là Trưởng phòng Nội vụ TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).

Khi được hỏi “có thiệt thòi cho mẹ không nếu con cứ dấn thân vào con đường khó?”, bà Kim Lan cho rằng, không có gì thiệt thòi cho người mẹ khi con cái mình làm được nhiều điều tốt cho xã hội và báo hiếu không nhất thiết phải ở thật gần. 

Chị Anh Loan bộc bạch: “Tôi có thể lựa chọn sống gần mẹ, tìm công việc êm đềm, an nhàn để mẹ khỏi phải lo lắng chứ nhỉ? Thực ra, nỗi lo của mẹ dành cho tôi không phải là bất an, căng thẳng hoặc cản trở, mong tôi thoái lui. Mẹ cùng cả nhà vẫn luôn ủng hộ, hiểu con đường của tôi, khuyến khích tôi đi. Mẹ vui trong niềm hạnh phúc của con mình. Nỗi lo, nếu có, của mẹ không đồng nghĩa với sự lựa chọn hay từ bỏ mà mẹ mong tôi cẩn thận, liệu lường từng bước chân. Thậm chí, có vụ án, mẹ cho rằng tôi đi như thế là chưa được, chưa đủ, cần phải đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa”. 

Đôi khi, chỉ cần nghe giọng nói kém tươi của mẹ qua điện thoại, nữ luật sư đã đoán biết được tâm trạng, gợi mở để mẹ thổ lộ và động viên kịp thời. Là người lạc quan nhưng lại “mau nước mắt”, bà Kim Lan vẫn nhiều lần khóc vì xót con gái nặng gánh cuộc đời. Trái lại, chị Anh Loan chỉ “mau nước mắt” tính từ ngạch cửa trở ra, nhất là khi tiếp cận những đứa trẻ bất hạnh, bị buôn bán, bị bạo lực, xâm hại. Chưa bao giờ bà Kim Lan nhìn thấy con gái khóc. Bà tự lý giải rằng chị cứng rắn, mạnh mẽ hoặc cố nén, không dám khóc trước mặt mẹ, sợ mẹ buồn.

Tính kỷ luật thép của luật sư Anh Loan đã hình thành từ bé, xuất phát từ sự nghiêm khắc với bản thân và không muốn ba mẹ phiền lòng. Bà Kim Lan kể ngày xưa, gia đình quy định không ai được về trễ quá 21g. Một lần, hồi còn học cấp II, chị Anh Loan đi dự tiệc nhà bạn nhưng khi về nhà thì vội vào bếp… lục nồi. Hỏi ra mới biết, do nhà bạn chuẩn bị tiệc trễ, gia chủ chưa kịp bưng mâm ra thì cô khách nhỏ đã xin phép ra về vì phải cuốc bộ đường xa, sợ lố giờ “giới nghiêm”. 

Chị em chị Anh Loan lớn lên trong tình thương của ba mẹ, hầu như không có roi đòn. Bà Kim Lan tủm tỉm cười hồi tưởng lần hiếm hoi đánh con. Bà đi học ở trường Đảng, dắt theo bé Loan (lúc đó khoảng 5 tuổi). Bé mải chơi với các bạn, chạy đâu mất. Khi mẹ tìm được, kêu về, bé cứ nán lại chơi nên bị đánh. Anh lớp trưởng phát hiện và trêu: “Phê bình phụ nữ ngày 8/3”. Vẫn đang đổ quạu, bà gạt ngang: “Phê thì phê, con tôi lì thì tôi cứ đánh”. Nói vậy thôi, về sau bà Kim Lan không đánh con nữa và các con cũng tự giác giữ nếp sinh hoạt, học tập.

Giờ đây, khi con vào tuổi trung niên, mẹ đã ngoài 60, kỷ niệm xưa vẫn được nhắc lại mỗi khi bàn về các phương pháp giáo dục con cái. 2 mẹ con có kho đề tài bất tận để trao đổi với nhau. 1 nụ lan vừa hé nở trên sân thượng, 1 tấm ảnh cà phê với nhóm bạn hưu trí, 1 nét mặt và kiểu ngồi của ai đó tình cờ giống ba ngày xưa, 1 câu chuyện hài sưu tầm trên mạng, 1 góc tòa án nhưng chụp vào hình vẫn đẹp nên thơ…

Mẹ con cứ liên tục chia sẻ với nhau qua tin nhắn hoặc xem bài viết trên Facebook của nhau và để lại những dòng bình luận “cười té ghế”. Cứ thế, “2 chị em” làm chỗ dựa tinh thần cho nhau, bất chấp khoảng cách địa lý.

Thêm một mùa Vu lan nữa được cài bông hồng đỏ lên ngực áo, luật sư Anh Loan cảm động nói: “Ba mẹ cả đời sống chính trực, thương người, hết lòng vì con cái, nên mình được vốn liếng yêu thương vô tận. Mong mẹ sống vui khỏe, hạnh phúc. Dù có ước mẹ sống 100 tuổi, 110 tuổi… vẫn thấy sao chưa đủ. Mong được kéo dài mãi cái hạnh phúc, ấm áp được có mẹ để chia sẻ buồn vui”. 

Hiếu nghĩa đến từ cư xử thực tâm

Có những người ít học, làm lao động phổ thông, chật vật để đổi lấy áo cơm, nhưng tấm lòng hiếu thảo của họ khiến tôi cực kỳ cảm động. Đôi lúc tôi tự hỏi, nếu mình ở hoàn cảnh của họ thì có báo hiếu cho ba mẹ được như họ không? Từ miền Bắc, anh T. vào TPHCM buôn bán trái cây trên xe đẩy. Khi mẹ bị tai biến, anh đã rước mẹ vào để chăm sóc.

Có lần, đang lựa trái cây, tôi nghe loáng thoáng anh gọi điện thoại cho người trọ cùng, nhờ sang đỡ mẹ anh ngồi dậy để thay đổi tư thế cho khỏe… trong thời gian chờ anh đi bán về.

Vài năm sau, mẹ mất, anh T. nhờ tôi tư vấn pháp lý về đất đai ở quê khi tôi ghé lại mua trái cây. Tôi thoáng mừng khi nghĩ nếu anh được nhận một khoản thừa kế thì cuộc sống sẽ đỡ khó khăn và anh vô cùng xứng đáng với điều đó. Nhưng thật bất ngờ khi anh chỉ hỏi thủ tục để… từ chối di sản thừa kế.

Anh T. có nguyện vọng giao trọn phần đất ba mẹ để lại cho các anh em ở quê nhà. Anh nghĩ mẹ sẽ vui nơi chín suối khi anh làm như vậy.

Tôi sững người nhìn anh. Những giọt mồ hôi lăn dài từ mái đầu xuống vai anh lấp lánh như kim cương dưới nắng hè gay gắt. Tôi ngắm vội anh trong chiếc áo sờn vai, đôi dép lê, bên chiếc xe đẩy cũ kỹ.

Rồi tôi chợt nhớ đến những người con tham lam, ngược đãi ba mẹ, xung đột với anh em mà tôi từng gặp trong quá trình làm nghề cũng như những người con cố sức làm ra thật nhiều tiền mang về cho ba mẹ đến nỗi sai lệch con đường đúng đắn. Thực ra, ba mẹ có cần những đồng tiền đó đâu.

Xây nhà cho ba mẹ, rước về nuôi, cho tiền cho quà… không thay được những yêu thương, quan tâm kịp lúc và thực tâm. Hiếu nghĩa phải diễn ra hằng ngày, hằng giờ, từ nhỏ đến lớn. Hiếu nghĩa phải đến từ cư xử chứ không phải từ vật chất, đồng tiền.

Võ Thị Anh Loan

(*) lời ca khúc Bông hồng cài áo; 
nhạc: Phạm Thế Mỹ; thơ: Nhất Hạnh

Theo phụ nữ TPHCM