Tôi ra trường, đi làm được vài chỗ rồi yêu, lỡ có bầu thì cưới. Trong 4 năm, tôi vừa làm mẹ, vừa phải xoay xở với công việc ở công sở. Nhiều ngày kiệt sức, sếp thì mắng, nhà cửa thì rối tung, tôi nghĩ “Con cần mẹ hơn, đi làm thì còn cả đời” nên tôi quyết định nghỉ việc.
Tôi nghĩ hậu phương là lo chuyện cơm nước, chu toàn những thứ trong nhà để chồng yên tâm phấn đấu. Vậy nên dù chồng tôi không đồng ý chuyện tôi nghỉ việc, tôi cũng mặc kệ. Tôi tuyên bố: “Anh cứ yên tâm ra ngoài kiếm tiền đi, mọi việc trong nhà để em lo. Rồi anh sẽ thấy”.
Nhưng chồng tôi chỉ thấy một bà vợ đầu bù tóc rối, áo quần luộm thuộm. Chồng về muộn, tôi bực tức. Con bệnh, tôi cáu. Không có thời gian cho mình, tôi nổi điên.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Nhà bên, có chị hàng xóm có học bổng du học Úc và đưa chồng sang theo diện người nhà. Khi trở về, chị làm quản lý trong một công ty kiểm toán. Chồng chị nhiều năm liền thay đổi chỗ làm, thu nhập không ổn định. Chị vẫn là “đầu tàu” kéo cả gia đình tiến về phía trước.
Chị mở công ty. Anh trở thành người hỗ trợ chị trong công việc, buổi trưa lại chạy về nhà lo cơm nước cho lũ trẻ. Trong 2 năm, anh chị mua được thêm 1 căn chung cư, 1 chiếc xe, con học trường quốc tế.
Tôi tự hỏi: “Vậy giữa chị và tôi - một người ra ngoài đi làm và một người ở nhà nội trợ - ai làm hậu phương tốt hơn?”.
Chồng tôi, bao nhiêu vất vả và luôn bị áp lực về chuyện tiền bạc khi tôi cứ cố ra vẻ mình “không cần nhiều tiền”. Tôi đã không chịu hiểu rằng chính sự thất thường và không ổn định, lúc thế này khi thế khác của tôi khiến anh mệt mỏi.
“Thôi kệ, nghỉ khỏe, về làm hậu phương” - cái ý nghĩ của tôi mỗi lần bỏ việc lại là một lần thể hiện sự vô trách nhiệm trong gia đình. Không phải cứ nghỉ việc ở nhà nghĩa là làm hậu phương. Hậu phương là dù đi làm như chị hàng xóm hay nghỉ ở nhà vẫn luôn biết cách để nâng đỡ chồng con. Và muốn làm hậu phương thì phải tự đứng vững trước đã; bởi làm sao mà khích lệ, giúp đỡ người khác được khi chính bản thân mình cũng chông chênh?
Trong suốt nhiều năm, khi con bệnh, tôi nói mình cần phải chăm con. Khi con khỏe, tôi nói mình cần thời gian cân bằng hoặc suy nghĩ kỹ lưỡng hơn trước một lựa chọn. Rồi tôi đã làm gì với cuộc đời của mình?
Tôi có cuộc nói chuyện sâu với chồng về tất cả những điều mới vỡ ra. Sau đó, tôi không đi làm, nhưng ở nhà mỗi ngày đều lao vào viết lách theo sở thích và khả năng. Những ngày dù chán chường và muốn buông xuôi, tôi đều nỗ lực để làm việc. Tôi học thêm những điều mới, đọc thêm sách, thấy mình hôm nay đã tốt hơn hôm qua.
|
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto |
Vợ chồng tôi trao đổi về chuyện thời sự, về tâm lý con người, về những quyển sách hay. Các buổi chiều, tôi thuê 1 người giúp việc theo giờ để mình có thêm thời gian chạy bộ, đôi ngày là đi uống cà phê cùng chồng.
Chồng nói về áp lực, tôi sẵn sàng cùng anh xem xét chứ không phán xét. Chồng vẫn đang cố gắng, số dư trong tài khoản vẫn còn ít, cơ hội xung quanh mịt mù, tôi lại thấy tin tưởng hy vọng ở anh.
Hóa ra, phải hiểu rõ về chính mình, đứng vững rồi mới làm được hậu phương.
Theo phụ nữ TPHCM