Nguy cơ mai một bản sắc
“Thời gian gần đây, người làm nghề rất băn khoăn khi các đoàn xã hội hóa (XHH) thi nhau diễn cải lương tuồng cổ (CLTC) tích Trung Hoa (quen gọi là cải lương Hồ Quảng). Ngay cả nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng góp vở Ngai vàng và tội ác. Không quá cực đoan, nhưng việc tuồng Hồ Quảng chiếm 80% lượng vở diễn ra mắt là điều bất thường” - Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hoa Hạ thẳng thắn chia sẻ.
CLTC với đặc trưng mang đậm tính giải trí - âm nhạc bắt tai, vũ đạo hấp dẫn, phục trang đẹp mắt, cốt truyện kịch tính - luôn được khán giả yêu thích. Trong đó, các vở diễn từ tích truyện Trung Quốc với nội dung phong phú lại càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, việc hàng loạt vở diễn như: Sóng gió Đại Minh triều, Trung liệt Dương gia tướng (sân khấu Chí Linh - Vân Hà), Chung Vô Diệm - Mão Đoan Tinh giáng thế (sân khấu Vũ Luân), Mộc Quế Anh dâng cây (Đồng Ấu Bạch Long), Hoàn Châu cách cách, Lưu Kim Đính phá âm dương trận (đoàn CLTC Huỳnh Long)… đồng loạt lên sàn trong tháng Bảy, Tám vừa qua khiến người làm nghề cảm thấy thật chạnh lòng.
|
Nghệ sĩ Bạch Long mong muốn giữ bản sắc cải lương tuồng cổ qua việc truyền nghề cho các học trò tại nhóm Đồng Ấu Bạch Long |
Khán giả yêu thích những tuồng tích đó, nhất là những mạnh thường quân tài trợ cho các đoàn dựng vở. Đó là một trong các nguyên nhân chính của xu hướng này. Khi các đoàn XHH tồn tại dựa vào khán giả thì tiếng nói của khán giả mạnh thường quân rất nặng ký. Liệu có “ông bà bầu” nào có thể từ chối khoản hỗ trợ đến 200, 300, thậm chí là 500 triệu đồng của mạnh thường quân để dựng 1 tuồng theo yêu cầu? “Người làm sân khấu cảm thấy tổn thương, nhưng cũng không biết trách ai khi rơi vào guồng xoáy tự xoay xở, tự sống, tự phát triển” - NSƯT Hoa Hạ băn khoăn.
Nghệ sĩ trẻ Lê Nguyễn Trường Giang thành lập sân khấu CLTC mang tên mình 2 năm qua. Cả 3 vở diễn đã ra mắt là Bạch Xà đáo địa ngục môn, Yên Đan thất thủ Dịch thủy giang, Máu loang Lộc Đài thành và sắp tới là Bảo Túy Anh lập hội kỳ bàn (hay Chung Vô Diệm sa đại hồng chung) đều từ tích truyện Trung Quốc.
Lê Nguyễn Trường Giang cho biết, nhiều vở diễn chỉ vừa nghe tên, khán giả đã cấp tập đặt vé. “Dù họ không biết tuồng tích, lớp lang ra sao, nhưng chỉ cần nghe tên các nhân vật như Đắc Kỷ, Trụ Vương, Yên Đan là khán giả đã muốn xem. Thăm dò ý kiến khán giả, tôi nhận được câu trả lời đơn giản: họ thích phục trang, vũ đạo đẹp, có bay lượn, làm phép…” - Lê Nguyễn Trường Giang nói.
Gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng qua hơn 1 thế kỷ đã có công mở đường, định hình bản sắc loại hình CLTC khi chắt lọc tinh hoa nghệ thuật hát bội và cải lương, đồng thời tiếp thu có chọn lọc ca kịch Quảng Đông, âm nhạc Đài Loan… Quan trọng nhất là Việt hóa âm nhạc có gốc tích Trung Quốc và sáng tác âm nhạc mới trên chất liệu ngũ cung.
Theo nghệ sĩ Bạch Long, với quyết tâm và tài năng của cố Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tòng, cố nhạc sĩ Đức Phú và sau này là nhạc sĩ Minh Tâm, những tác phẩm kinh điển như Câu thơ yên ngựa, Cánh nhạn mù sương, Tô Hiến Thành xử án… đã định hình được chất nhạc Việt Nam cho phong cách CLTC. Nhưng sau đó, những sáng tạo này lại được đặt để vào nhiều vở tuồng tích Trung Hoa thời kỳ bùng nổ video cải lương, làm nhiều người hiểu nhầm âm nhạc tuồng cổ là nhạc vay mượn.
Sự nhập nhằng càng báo động hơn khi đang manh nha xu hướng quay trở lại “bê nguyên xi” phục trang, hóa trang, vũ đạo, thậm chí âm nhạc từ hý kịch Trung Quốc như ở buổi đầu của sân khấu cải lương.
Phải giữ “chất nhạc”
Theo tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, linh hồn của loại hình kịch hát dân tộc là âm nhạc và đặc trưng riêng của CLTC cũng là âm nhạc. Vì vậy, để giữ gìn bản sắc và tiếp tục phát triển đúng hướng CLTC, cần sưu tầm lại hệ thống âm nhạc dành riêng cho CLTC mà nhạc sĩ Đức Phú, nhạc sĩ Minh Tâm hay các tác giả khác đã Việt hóa và sáng tác mới. Ký âm lại để chứng minh các bản nhạc này là sáng tạo của nhạc sĩ Việt Nam chứ không sao chép, vay mượn. Sau đó in và phát hành bản ký âm cả chữ nhạc Việt Nam và chữ nhạc quốc tế để giữ gìn có hệ thống các bài bản. Đồng thời, phổ biến cho các đơn vị XHH đang diễn CLTC có thể sử dụng.
|
Nhiều trò diễn sân khấu,phục trang bắt mắtt, vũ đạo đẹp... là những yếu tố giúp cải lương tuồng cổ thu hút số đông khán giả cải lương |
“Nếu chúng ta không phân định rõ, bao nhiêu phần trăm âm nhạc là nguyên gốc Trung Quốc, bao nhiêu nằm trong âm nhạc đờn ca tài tử, bao nhiêu là nhạc mới sáng tác… thì sau này CLTC dễ bị quy chụp là sao chép nhạc nước khác” - NSƯT Hải Phượng nêu vấn đề.
NSƯT Hải Phượng và soạn giả Trương Huyền cũng cho rằng, cần đặc biệt cẩn thận với yếu tố “Việt hóa” hay sáng tác mới. “Người thực hiện Việt hóa hay sáng tác âm nhạc CLTC cần am hiểu âm nhạc dân tộc, cốt nhạc Việt Nam. Nếu không, các sáng tác mới dễ khiến người nghe nhầm lẫn” - soạn giả Trương Huyền nói.
NSƯT Hoa Hạ đặt câu hỏi cho những người kế thừa 2 gia tộc CLTC Minh Tơ và Huỳnh Long về việc tiếp tục tinh thần cải cách tiến bộ và làm giàu bản sắc dân tộc của người đi trước. “Hội Sân khấu TPHCM, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Muốn giữ CLTC đúng nghĩa thì Nhà nước phải tham gia, như: lập ra nhóm chuyên về âm nhạc, nhóm chuyên về vũ đạo, nhóm tác giả có năng lực, có tâm huyết. Tất cả cùng phối hợp nhịp nhàng sẽ có những tác phẩm sáng giá” - NSƯT Hoa Hạ nêu giải pháp.
Ngoài ra, người làm nghề, nhất là người trẻ yêu thích CLTC càng phải có ý thức “Việt hóa” các yếu tố dung nạp từ bên ngoài, cần nghiên cứu và tìm cách thay thế các yếu tố chưa thuần Việt. “Để vở diễn mang màu sắc Việt Nam, trước tiên cố gắng đạt 70% chất liệu âm nhạc Việt Nam, nỗ lực dần dần đến 80 - 90% và sau cùng là 100%” - NSƯT Hoa Hạ kỳ vọng vào lớp trẻ, nhất là 2 gia tộc Minh Tơ và Huỳnh Long vẫn còn nhiều tài năng, tâm huyết và có đạo đức làm nghề.
Theo phụ nữ TPHCM