leftcenterrightdel
Các thanh niên, sinh viên kiều bào nghe giới thiệu tại Địa đạo Củ Chi. (Ảnh: Tuấn Việt) 

Địa đạo Củ Chi nằm cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 70km về phía Tây Bắc. Nơi đây được biết đến là một di tích độc đáo với hệ thống hầm phức tạp, dài khoảng 250km ẩn dưới lòng đất.

Tại đây, các thanh niên, sinh viên kiều bào đã được lắng nghe về cấu trúc độc đáo của Địa đạo Củ Chi. Lối cấu trúc được tạo dựng kiên cố, tinh vi, phức tạp, bí ẩn trong lòng đất, thể hiện sự sáng tạo, trí tuệ, sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Là một trong những công trình ngầm vĩ đại nhất của Việt Nam thế kỷ XX, Địa đạo Củ Chi là minh chứng thể hiện khát vọng sống, khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam và đó cũng là khát vọng chung của các dân tộc trên toàn thế giới.

Địa đạo Củ Chi đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015. Đến năm 2020, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tham mưu hồ sơ trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới.

leftcenterrightdel
 Thanh niên kiều bào trải nghiệm chui xuống hầm bí ẩn tại Địa đạo Củ Chi. (Ảnh: Tuấn Việt)

Nhiều bạn trẻ hào hứng chui xuống một đoạn đường hầm, bày tỏ niềm tự hào khi dân tộc Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng quân địch lớn mạnh, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân bậc nhất thế giới.

Chia sẻ với phóng viên Báo TG&VN, em Nguyễn Đình Vũ, kiều bào tại Nga ấn tượng với độ sâu của Địa đạo. "Khi xuống đường hầm của Địa đạo, em thực sự ngạc nhiên khi các chiến sĩ có thể xây dựng hầm địa đạo với độ rộng khoảng 2-3m, sâu khoảng 4-5m.

Bên cạnh hầm trú ẩn, với sự thông minh và tài tình của chiến sĩ Việt Nam, em càng khâm phục khi chứng kiến nhiều loại vũ khí lợi hại như bẫy chông, bẫy kẹp nách được thiết kế khéo léo từ những vật liệu thô sơ, những vật dụng mà lính Mỹ bỏ đi", Đình Vũ nói.

leftcenterrightdel
Bạn Nguyễn Đình Vũ, kiều bào từ Cộng hoà LB Nga chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Việt) 

Qua hoạt động này, Đình Vũ muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những chiến sĩ đã chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc. "Khi quay trở lại Nga, em sẽ cố gắng, học tập và rèn luyện ý chí để noi gương tinh thần bất khuất, thông minh, gan dạ của các chiến sĩ", Đình Vũ bồi hồi chia sẻ.

leftcenterrightdel
Các bạn trẻ chụp ảnh tại các điểm mô hình ở Địa đạo Củ Chi. (Ảnh: Tuấn Việt) 

 

Sau hoạt động tham quan, tìm hiểu Địa đạo Củ Chi, các thanh niên, sinh viên kiều bào còn được ghé thăm chợ dã chiến và thưởng thức món ăn đặc sản nơi đây là củ khoai mỳ, hay còn được gọi là củ sắn.

Kết thúc hành trình tại Địa đạo Củ Chi, đoàn đến thăm Làng thiếu niên Thủ Đức ở TP. Thủ Đức, nơi hiện đang cưu mang gần 160 trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, lang thang cơ nhỡ.

leftcenterrightdel
 Thanh niên, sinh viên kiều bào trao quà cho Làng thiếu niên Thủ Đức ở TP. Thủ Đức. (Ảnh: Tuấn Việt)

Tại đây, đoàn đã trao tặng 30 triệu đồng tiền mặt để mua áo đồng phục và sách giáo khoa cho các em nhỏ trong Làng. Ngoài ra, riêng đoàn thanh niên, kiều bào đến từ Belarus đã quyên góp được 6 triệu đồng để ủng hộ các trẻ em thiệt thòi trong Làng.

Dự kiến, Lễ bế mạc Trại hè Việt Nam sẽ diễn ra vào tối nay (28/7) tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo baoquocte