Truyền thuyết dân tộc Cor ở miền núi cao H.Trà Bồng (Quảng Ngãi) kể rằng: Thời xa xưa, ở làng Vuôn của tù trưởng Đoong Ka Tố, dân làng sống rất thanh bình, con người và trời đất yên ả, giao hòa.
Rồi năm nọ, chẳng hiểu vì sao thần nước bỏ quên làng Vuôn, không làm mưa cho ruộng rẫy của làng, khiến cỏ cây héo úa, hoa lợi hư hao. Các già làng cùng Đoong Ka Tố họp lại bàn cách phải làm sao để thần Mưa cho mưa xuống, nếu không dân làng sẽ đói khát mà chết hết. Nhưng làm sao để gặp được thần Mưa sống dưới vực sâu, ẩn mình hun hút trong cung Thủy Tề, thì chưa ai nghĩ ra. Bỗng Đoong Ka Tố cười reo lên “Ta biết rồi!”. Trong khi các già làng chưa hết ngạc nhiên thì ông lần lượt ghé tai từng người và dặn dò… cứ thế… cứ thế.
Hôm sau, cả làng Vuôn, từ người già đến người trẻ kéo nhau đi đào rễ cây bòn bon. Có rễ cây bòn bon, các già làng sai mọi người giã dập cho nhựa cây tứa ra và đem thả xuống vực nước sâu do vua Ba Ba ngự trị để thuốc con cua, con cá. Ba Ba là con thần Mưa, nên khi vực nước bị nhiễm nhựa cây bòn bon, đám dân cua cá của Ba Ba sẽ chết hết. Ba Ba vì vậy sẽ về cung Thủy Tề báo cho thần Mưa biết. Thần Mưa nghe vậy ắt sẽ nổi lên tìm dân làng hỏi rõ sự tình. Mà thần Mưa lên dương thế thì ắt sẽ có mưa.
Nhưng không ngờ mọi người cho rễ cây bòn bon xuống vực nhiều quá, cá tôm chết la liệt, vua Ba Ba cũng chết nổi lên phơi bụng lềnh bềnh. Dưới Thủy cung, thần Mưa nghe quân cấp báo vội vàng sai thuồng luồng đi thám thính. Lên đến nơi, thuồng luồng lại say nhựa cây bòn bon mà chết. Thần Mưa lại sai cá sấu, rồi kình ngư lên tìm hiểu sự tình. Cá sấu, kình ngư cũng chịu chung số phận của thuồng luồng.
Thần Mưa giận lắm, giậm chân đùng đùng, nước biển dậy sóng. Ông sai tướng Rái Cá tập trung binh sĩ rồi tự mình kéo lên trị tội dân làng Vuôn và người cầm đầu Đoong Ka Tố. Thần Mưa hô gió gọi mưa, đất trời tối mịt, tiếng gà, tiếng chó kêu khắp làng, muông thú cuống chân, trẻ con khóc thét. Trong khi đó, Đoong Ka Tố bình tĩnh sai trai tráng giúp dân làng chèn chống các nhà sàn dài, nơi các gia đình người Cor sinh sống. Rồi Đoong Ka Tố tự mình leo lên núi để đối phó với thần Mưa. Thần Mưa dùng phép kéo mây che bầu trời. Đoong Ka Tố vung tay, mây bị xé toang, mặt trời chói sáng khắp núi rừng. Thần Mưa sai các loài thủy quái lên ăn thịt thú rừng, gia súc. Đoong Ka Tố sai dân làng ném mũi tên tẩm độc vào bụng chúng... Hết phép này đến phép kia đều bị phá, thần Mưa dùng ngón đòn hiểm cuối cùng. Ông ta hét lên một tiếng, từ trong hai lỗ tai tòi ra cùng lúc hai chiếc gậy thần. Nắm chặt hai chiếc gậy trong tay, thần Mưa dồn hết thần lực chọc sâu vào chân núi đá chạm đến vực Thủy phủ. Nước từ đó trào lên xối xả. Đoong Ka Tố dùng phép gắn đá chỗ này thì thần Mưa chọc thủng chỗ kia. Qua bảy ngày, bảy đêm, dân làng Vuôn dần đuối sức trước đội quân thủy quái quá đông. Thần Mưa không ngừng làm cho nước tràn khắp lên đồi núi. Đất dưới chân núi bắt đầu bong ra. Một số hòn núi đá đã tụt xuống và tuột ra biển. Làng cũng bắt đầu trôi.
May đúng vào thời khắc nguy hiểm ấy thì bầu trời chuyển mình rạng sáng, nữ thần Ban Mai, con gái thần Mặt Ngây, đi tuần thú trần gian cùng đoàn tùy tùng trên chiếc xe do ba con ngựa kéo vừa trờ tới. Thấy tình thế nguy ngập, nàng liền sai quân lính ném dây cương buộc vào một góc núi để dùng sức ngựa ghìm núi đồi dừng lại, không cho trôi ra biển. Sức nước chảy quá mạnh, ba con ngựa trời dù kìm chặt chân xuống mặt đất vẫn bị nước kéo tuột qua đỉnh núi. Cả làng Vuôn trôi ra ngoài cửa biển Sa Kỳ thì dừng lại. Trời đất quang đãng, mây bay gió nhẹ, con người trở lại cuộc sống yên bình. Vùng đất làng Vuôn rời khỏi núi đồi Trà Bồng, trở thành đảo Lý Sơn từ đó.
Ngọn núi ở Trà Bồng bị chân ba con ngựa trời kìm xuống rồi trượt qua, đỉnh núi bị xé thành 3 ngọn nên có tên là núi Răng Cưa. Những hòn núi nhỏ, dây cương của nữ thần Ban Mai không kịp neo giữ, trôi ra tận biển khơi thành các hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa. Hòn Bé (cù lao Bờ Bãi), hòn Mù Cu nằm gần đảo lớn Lý Sơn bây giờ là những mảnh vỡ từ núi rừng làng Vuôn ngày ấy.
Đó là chuyện trong truyền thuyết dân tộc Cor, thể hiện cách giải thích thế giới theo vũ trụ quan của con người trong xã hội công xã thị tộc. Sự thật, theo các nhà địa chất, hòn đảo xinh đẹp này được hình thành cách đây nhiều triệu năm do vận động phun trào nham thạch của các núi lửa. Chính các lớp trầm tích nền đảo và san hô phát triển trên bề mặt là cơ sở cho việc hình thành nhiều hang động, cổng đá do tác động xâm thực của nước biển trong thời kỳ biển tiến. Còn vết tích núi lửa là những khối nham thạch nhiều hình dạng chưa kịp phân hủy, cùng với lớp đất đỏ bazan màu mỡ phủ hầu hết khắp đảo, đặc biệt là miệng núi lửa cổ đẹp lung linh ở đỉnh các núi Thới Lới, Giếng Tiền.
Thế nhưng, với sự lưu truyền của truyền thuyết, cho đến nay, người Cor ở Trà Bồng, dù sống tận núi cao, vẫn nói rằng cù lao Ré (đảo Lý Sơn) và những hòn đảo nhỏ tận quần đảo Hoàng Sa là một phần quê hương của họ.
Theo Thanh niên