Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt
Người Si La cách đây 150 năm để tránh sự truy đuổi giữa các tộc người khác đã lang bạt từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) qua nước Lào. Những tưởng sẽ được yên ổn sinh sống song lại bị áp bức của quan lang, chúa bản thời đó buộc họ một lần nữa phải tiếp tục di dân sang Việt Nam và số phận gắn liền với cuộc sống du cư, du canh được truyền từ đời này qua đời khác nơi sơn cùng thủy tận, đó chính là vùng thượng nguồn Sông Đà - Mường Tè ngày nay.
Bởi sống biệt lập, phụ thuộc vào thiên nhiên, canh tác lạc hậu theo kiểu chọc lỗ tra hạt nên ngoài cái đói, cái nghèo luôn đeo đẳng quanh năm, họ còn dễ mắc bệnh tật vì rừng thiêng nước độc đồng thời hậu quả từ tập quán kết hôn cận huyết thống, tảo hôn khá phổ biến đã đẩy dân bản đến tình trạng tuổi thọ thấp, suy thoái giống nòi, dân số giảm dần, có lúc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
|
|
Thượng nguồn sông Đà - cuối trời Tây Bắc - nơi sinh sống của các dân tộc Hà Nhì, Si La, La Hủ... |
Cuộc di dân vạn dặm chỉ chấm dứt khi cách đây hơn 40 năm họ rời sông Đà - huyện Mường Tè để đến Nậm Sơn - Mường Nhé lập bản. Và cách chọn đất dựng làng có nét tương đồng với người Thái - tức vừa bám rừng, vừa gần các dòng sông để tận dụng săn bắt, hái lượm đồng thời khai thác thủy sản. Thêm nữa, nhờ được sự hỗ trợ của nhà nước nên chất lượng cuộc sống đồng bào ngày một cải thiện, sung túc hơn. Đặc biệt, dân số tuy tăng trưởng nhưng nếu tính chung số lượng người Si La đang sống tập trung tại huyện Mường Tè và Mường Nhé cũng chỉ dưới 1.000 người. Vậy nên, hiện nay, họ là một trong 5 dân tộc gồm Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo và Si La có dân số dưới 1.000 người - ít nhất Việt Nam.
Điều đáng lo ngại nhất là do không có chữ viết nên ngôn ngữ người Si La có phần vay mượn của người Hà Nhì, Cống… Ngay cả những phong tục truyền thống của họ cũng đã bị biến dạng, đồng hóa hoặc chỉ còn trong ký ức của người cao tuổi. May thay, bộ trang phục của người phụ nữ Si La vẫn được giữ khá nguyên vẹn và rất khác biệt với các tộc người ở Tây Bắc.
|
|
Người phụ nữ Si La ở bản Nậm Sơn, huyện Mường Nhé, Điện Biên |
Du canh theo mùa lá vàng
Trong bộ nữ phục của người Si La, nổi bật nhất là chiếc áo cài khuy bên nách phải với viền cổ, tay áo bằng vải khác màu và mảng áo phía trước ngực gắn đầy những đồng xu bằng nhôm. Váy thường màu đen dài đến mắt cá chân khi mặc hay giắt mép váy về phía sau lưng. Khăn đội đầu phân biệt theo tình trạng hôn nhân, người chưa chồng thì quấn tấm khăn trắng nhỏ thể hiện sự trong trắng thanh tao. Sau khi lập gia đình, các cô gái sẽ cuốn tóc thành búi trên đầu và dùng tấm vải đen dài khoảng 2m quấn thật khéo sao cho giống chiếc mũ nằm ngang rồi hất đuôi khăn ra phía sau. Ngoài ra, tôn lên vẻ đẹp duyên dáng của khăn đội đầu là nhờ vào các chùm tua rua sặc sỡ, đung đưa.
Từ huyện Mường Nhé, sau cuộc hành trình dài theo con đường vành đai biên giới, chúng tôi tới Pác Ma - một trấn nhỏ thuộc xã Ka Lăng - huyện Mường Tè khi nắng chiều đã qua đi và nhường cho đám mây bay là đà xuống tận sông Đà. Sự trở lại Pác Ma lần này chúng tôi không hướng đến những cảnh vật thiên nhiên hoang dã cuối trời Tây Bắc mà đích đến là bản Nậm Pặm của dân tộc La Hủ - một tộc người có thời sống hoàn toàn biệt lập giữa đại ngàn, chẳng khác người rừng.
|
|
Người phụ nữ La Hủ ở bản Nậm Pặm, huyện Mường Tè, Lai Châu |
Thực ra, người La Hủ có nguồn gốc từ phương bắc nhưng do bị các tộc người có thế lực mạnh hơn chiếm đất, truy sát liên miên buộc họ phải lưu lạc về phương nam và phải lang bạt khắp cánh rừng này sang triền núi khác. Họ sinh tồn bằng hái lượm, đánh bẫy, săn bắt thú rừng hoặc tìm những vạt đất thoai thoải, họ dựng lều, lợp lá sống tạm bợ qua ngày để phát hoang gieo hạt trồng ngô, lúa nương. Tuy nhiên, khi lá trên nóc lều úa khô, rơi rụng họ sẽ phó mặc cho đất trời chăm sóc đám hạt giống dưới đất mới nảy mầm... mà đi tìm đất rừng khác để vừa canh tác tiếp vừa đề phòng săn đuổi. Chỉ đến khi họ nhẩm tính ngô sắn, lúa nương trên rẫy trước đây đã chín, họ sẽ quay về để thu hoạch. Cũng từ cách du cư, du canh theo mùa lá vàng úa trên mái lều rồi bỏ đi mà họ còn mang tên khác là người Xá lá vàng.
Khi rừng cạn kiệt, lại sống tách biệt nơi thâm sơn cùng cốc, không hòa nhập với các dân tộc khác nên ngoài nỗi vất vả, họ còn phải đối mặt với bệnh tật. Tình trạng hôn nhân cận huyết vẫn phổ biến, anh em qua 2 đời thích nhau là cứ thế về nhà ở, không cần tính toán bàn cãi về dòng tộc.
Hơn nữa những nỗi sợ hãi vì loạn lạc trong quá khứ đã khiến họ luôn sống xa lánh với tộc người chung quanh.… lâu dần trở thành tập tính.
|
|
Đồng bào La Hủ đã dần ổn định tại bản Nậm Pặm, huyện Mường Tè, Lai Châu |
Cuộc sống mới nơi cuối trời Tây Bắc
Tôi còn nhớ, tháng 3.2017 theo một đoàn du khách từ TP.HCM đến thăm, trao quà tại bản Nậm Pặm, ngay cả khi ông trưởng bản đã tới từng nhà kêu gọi người dân ra nhà văn hóa thôn để nhận quà nhưng chúng tôi cũng chỉ nhận được những ánh mắt đầy dò xét của họ nhìn từ xa. Cho dù họ xuống núi cách đây 10 năm để sống quần cư, chấm dứt vĩnh viễn nếp sống hoang dã, lạc hậu đã đeo đẳng qua nhiều thế hệ sau khi được chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng xây dựng làng bản, vận động bà con về bắt đầu cuộc sống mới.
Từ một dân tộc gần như đói khổ, lạc hậu nhất trong 54 dân tộc ở Việt Nam, 20 năm qua, đời sống đồng bào La Hủ đã dần ổn định. Thế nhưng, do không có chữ viết và hậu quả của bao đời phiêu bạt dẫn tới mai một văn hóa truyền thống
Trong đó, bộ trang phục truyền thống và một phần ngôn ngữ, người La Hủ phải vay mượn từ người Hà Nhì - tộc người sống đông đúc chiếm tới 80% số dân định cư dọc theo vùng biên viễn huyện Mường Tè - Lai Châu. Hơn thế nữa, họ còn học kỹ năng sống và cách lao động từ các dân tộc láng giềng.
Dù vậy họ vẫn duy trì tập quán săn bắn, đặt bẫy thú rừng như một sắc thái văn hóa tiêu biểu của dân tộc này. Có hai cách đi săn bắn mà nam giới đều thành thạo. Một là săn cá nhân với hình thức đặt bẫy chung quanh nương rẫy hay ở những nơi nai, chồn, gà rừng thường đi kiếm ăn hoặc dùng nỏ, súng kíp đuổi bắn chúng.
Hai là dân bản dựa vào sức mạnh tập thể đặt bẫy, vây bắn những con thú lớn như gấu, hổ, heo rừng. Cách vây bắn này cần huy động nhiều người, có khi còn được sự hỗ trợ bởi chó săn nên họ chỉ tổ chức thực hiện khi thú dữ về phá nương rẫy hoặc ai đó đi rừng phát hiện ra chúng.
|
|
Kẻng Mỏ - nơi sông Đà chảy vào đất Việt |
Thường thì tốp người đi săn sẽ cử vài người khỏe mạnh tiên phong đi tìm dấu vết con thú. Khi tìm được chúng họ sẽ đánh động hoặc sử dụng chó dồn con mồi chạy vào vòng vây của những thợ săn đang nấp sẵn trên cây hay rình trong bụi rậm để nổ súng hạ sát ngay khi thấy chúng. Xong, mọi người xẻ thịt con thú ngay tại chỗ vì kiêng đưa về nhà và phân chia rạch ròi: kẻ bắn hạ con thú sẽ được nửa phần, số thịt còn lại chia đều cho người tham dự cuộc săn. Xưa kia, khi vùng biên giới Mường Tè (Lai Châu) Mường Nhé ( Điện Biên) còn nhiều rừng già, thú dữ như hổ, gấu thường xuống tấn công, ăn thịt người không phải là chuyện hiếm… Vì vậy, người bắn hạ, ngoài phần được chia, còn được thưởng thêm bộ da hổ hay túi mật gấu như một hình thức ghi công trừ mối hiểm họa cho dân bản.
Chuyến đi thám hiểm cột mốc biên giới số 0 A Pa Chải - Mường Nhé - nơi được ví gà gáy ba nước đều nghe hay cột mốc 17, 18 ngắm nhìn sông Đà chảy vào đất Việt chắc chắn sẽ thú vị hơn nếu khách được một lần ghé thăm bản làng các dân tộc bản địa và nghe những câu chuyện về một thời đổi thay từ cuộc sống nghèo đói, du mục và các hủ tục nay đã an cư lạc nghiệp, thôi phận "lá vàng".
Theo Thanh niên