Khung cảnh 'những kim tự tháp' trăm năm ở miền Tây
Cập nhật lúc 22:33, Thứ ba, 22/08/2023 (GMT+7)
Màu nắng cuối ngày vàng vọt phủ lên những lò gạch gốm tuổi đời trăm năm đỏ quạnh nằm hai bên bờ kênh trông như những kim tự tháp, tạo nên khung cảnh huyền ảo, lạ mắt.
Những con sông ở ĐBSCL không chỉ mang đến phù sa - nguồn dinh dưỡng dồi dào cho ruộng vườn cây trái Nam bộ mà còn tạo ra loại đất sét dẻo dai, nguyên liệu không thể thiếu của nghề gạch gốm.
Mặc dù chỉ còn một số lò duy trì đỏ lửa, số còn lại đã hư hại, phủ đầy rêu phong, khói bụi nhưng chúng tạo nên một nét đẹp nhuốm màu thời gian.
Theo người dân trong vùng, thời kỳ hưng thịnh, ngày nào lò cũng rực lửa; ghe chở hàng, chở nguyên liệu đến và đi đậu kín cả dòng kênh. Hầu hết sản phẩm tại đây đều được vận chuyển đi khắp nơi, xuất khẩu sang một số nước như Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan. Mang Thít trở thành nơi sản xuất gạch gốm lớn nhất miền Tây.
Các chủ lò địa phương cho hay, để tạo ra được mẻ gạch đạt chất lượng cần qua nhiều công đoạn và mất thời gian hơn 1 tháng.
Đầu tiên là nhào nặn đất sét và tạo hình gạch viên trước khi mang phơi khô. Giai đoạn này hiện tại đã được hỗ trợ bằng máy móc nên nhanh chóng và đỡ vất vả hơn.
Gạch sau khi được phơi khô sẽ mất khoảng 7 - 10 ngày để xếp vào lò. Công đoạn này đòi hỏi những người giàu kinh nghiệm để khi nung gạch, dù chỉ đốt lửa ở bên dưới nhưng gạch vẫn đảm bảo chín đều từ gốc đến ngọn.
Từ câu Mỹ Thuận đến phà Đình Khao, các bạn chỉ cần thạy một đoạn đường thẳng tắp khoảng 10 km là có thể đến vùng ven sông Cổ Chiên, nơi tập trung nhiều lò gạch. Sau đó, các bạn đi tiếp vào đường tỉnh 902 hơn 10 km nữa sẽ gặp cầu Thầy Cai bắc ngang sông Thầy Cai, nhìn dọc theo hai bờ là "vương quốc gạch gốm" nằm san sát, tha hồ trải nghiệm, tham quan và chụp ảnh check-in.
Theo Thanh niên