leftcenterrightdel
 Chiều thu, mặt trời vàng màu mật ong in bóng xuống lòng hồ Trúc Bài Sơn.

Hồ Trúc Bài Sơn có diện tích 110ha, lượng nước trong hồ thường xuyên đạt khoảng 15 triệu m3, nước được hợp từ các con suối ở các thôn, bản Quảng Mới, Tài Chi, Lồ Má Coọc (xã Quảng Sơn) chảy về. Mùa thu có nhiều ngày mưa với sương mù, những ngày trời đẹp nắng vàng màu mật ong khiến lòng hồ càng thêm lãng mạn.

Công trình thủy lợi được xây dựng tại hồ Trúc Bài Sơn năm 1988, đến năm 1991, hồ chính thức được vận hành và đưa vào sử dụng. Đây là công trình điều hòa lũ, phục vụ tưới tiêu cho 3.100ha đất nông nghiệp các xã Quảng Sơn, Quảng Phong, Quảng Long, Quảng Chính, Quảng Thịnh, Quảng Điền và Quảng Trung của huyện Hải Hà.

Tuy chưa phải là điểm du lịch, nhưng vẫn có nhiều bạn trẻ đến đây vào ngày cuối tuần. Lòng hồ có nhiều cá, nhiều người dân sống bằng nghề đánh cá dưới hồ. Mỗi mùa đến, Trúc Bài Sơn đều có vẻ đẹp riêng, nhưng có lẽ mùa thu là mùa đẹp nhất dù trong thời tiết nào. Kể cả những ngày không nắng nhiều sương mù, khi ấy ta cùng chiếc thuyền độc mộc bơi giữa lòng hồ, nước hồ trong veo, xa xa là ngọn núi Đục cao 1.000m, mây vờn đỉnh núi giống như cảnh thần tiên.

leftcenterrightdel
 Hồ Trúc Bài Sơn là nơi trú ngụ của những đàn cò.

Những ngày nắng đẹp, hồ Trúc Bài Sơn là bức tranh thiên nhiên đẹp tuyệt vời. Nhiều đảo nhỏ mồ côi với những cây sang thu lá chuyển vàng, xen kẽ với những cây lá xanh bốn mùa. Bầu trời trong veo, nắng thu vàng rực trải đều trên mặt hồ khiến nước hồ như trong hơn, in bóng những làn mây trắng. Xa xa những đàn cò trắng ước tính hàng trăm con chợt tung cánh cùng một lúc bay lên, phá vỡ không gian yên lặng bởi tiếng kêu gọi nhau trên bầu trời.

Về buổi chiều, mặt trời mùa thu giống như chiếc bánh mật ong khổng lồ in bóng xuống lòng hồ gợi ta nhớ đến bài hát “Hồ trên núi” của nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Nhìn bóng chiều in ngấn nước, ta nhìn đất trời một dòng nghiêng soi, nghe tiếng rừng nghe tiếng suối, xôn xang mái chèo nhịp đời sinh sôi...”. Nhiều khi nhớ tới bài hát này, tôi thấy sao mà giống Trúc Bài Sơn đến thế, như nhạc sĩ đã đến đây và sáng tác bài hát về nơi này.

Đến với hồ Trúc Bài Sơn, bạn có thể ghé thăm bản Tài Chi, xã Quảng Sơn, nơi đây có thác Đôi, biểu tượng tình yêu giữa thiên nhiên hùng vĩ. Thác Đôi được tạo ra từ bàn tay khéo léo của tạo hóa giữa trùng trùng những cánh rừng nguyên sinh. Còn một điều thú vị nữa của xã Quảng Sơn là xã có đến 90% người dân là dân tộc Dao. Bà con còn lưu giữ rất nhiều nét văn hóa của dân tộc mình, đa phần phụ nữ đều biết thêu thùa những bộ quần áo truyền thống.

Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đến Trúc Bài Sơn vào mùa thu, bạn sẽ còn nhiều điều để khám phá.

Theo dulich.petrotimes