Góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân tộc

Theo chân NNƯT Ái Hằng đến lớp, chúng tôi được nghe những em nhỏ hát vọng cổ, dân ca ngọt như mía lùi. NNƯT Ái Hằng cho biết, lớp học thành lập cách đây 4 năm, người khởi xướng là ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Nhà Văn hóa Thiếu nhi Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) và NSƯT Trúc Linh.

Lớp dạy dân ca, vọng cổ miễn phí cho trẻ em miền Tây - Ảnh 1.

Lớp học duy trì sĩ số khoảng 10 em với độ tuổi từ 7 - 10 tuổi

DUY TÂN

"Trước đây, Nhà Văn hóa Thiếu nhi có lớp dạy đủ các môn học, năng khiếu, nhưng chưa có lớp dạy hát vọng cổ. Chúng tôi tự thấy bản thân phải có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc này. Từ đó lớp học vọng cổ nhí 0 đồng ra đời", NNƯT Ái Hằng nói.

Ban đầu, NSƯT Trúc Linh đứng lớp. Tuy nhiên, khoảng 1 năm trở lại đây, sức khỏe bà dần yếu nên NNƯT Ái Hằng xin thay thế đứng lớp, tiếp tục duy trì lớp học và truyền lửa nghề cho các em.

Lớp dạy dân ca, vọng cổ miễn phí cho trẻ em miền Tây - Ảnh 2.

Đến lớp dạy dân ca, vọng cổ 0 đồng, các em được học từ cơ bản đến nâng cao

DUY TÂN

Lớp dân ca, vọng cổ nhí được mở tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi Q.Ninh Kiều, mỗi tuần dạy 2 buổi vào thứ năm và chủ nhật. Học viên có độ tuổi từ 7 - 10 tuổi, yêu thích bộ môn hát dân ca, vọng cổ.

NNƯT Ái Hằng cho biết, với sự phát triển của âm nhạc hiện đại, hầu như trẻ em rất ít theo đuổi bộ môn nghệ thuật truyền thống. Ngoài ra, bộ môn này rất khó, cần có tố chất từ cảm âm, cảm nhịp và đam mê mới có thể theo học lâu dài nên rất ít người học.

Lớp dạy dân ca, vọng cổ miễn phí cho trẻ em miền Tây - Ảnh 3.

NNƯT Ái Hằng tận tình, tâm huyết với lớp học

DUY TÂN

"4 năm nay, sĩ số lớp học chỉ duy trì trên dưới 10 em. Các em còn nhỏ nên không dạy nhanh được, cần kiên nhẫn để các em không chán, bỏ ngang. Mình cứ dồn hết tâm huyết để dạy. Các em đăng ký đông lắm, nhưng để hát được, đủ đam mê thì rất khó, rất ít. Sau thời gian sàng lọc chỉ còn một số ít, song rất chất lượng", NNƯT Ái Hằng nói.

Lớp dạy dân ca, vọng cổ miễn phí cho trẻ em miền Tây - Ảnh 4.

Một bé chưa đủ tuổi nhưng vẫn được cha mẹ dẫn đến dự thính để sang năm theo học

DUY TÂN

Hiện lớp có 10 bé theo học hoàn toàn miễn phí. Cô Hằng hướng dẫn từ căn bản đến nâng cao. Đặc biệt, các học trò nhỏ còn được cô dẫn đi tham gia các chương trình giao lưu văn nghệ để các em dạn dĩ hơn.

"Tôi hiện là chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử Tây Đô, hoạt động đã hơn 20 năm. Vậy nên tôi có lợi thế để đưa các bé gia nhập CLB, học tập thêm từ các cô chú NSƯT, NSND. Sau đó, khuyến khích phụ huynh đưa các bé theo tham gia những sân chơi đờn ca tài tử để các bé trải nghiệm và dạn dĩ hơn", NNƯT Ái Hằng cho biết.

Lớp dạy dân ca, vọng cổ miễn phí cho trẻ em miền Tây - Ảnh 5.

Một bé chăm chú học với mẹ ngồi cạnh bên

DUY TÂN

Dạy dỗ ân cần cho đến khi các bé biết hát

NNƯT Ái Hằng mong muốn gieo hạt mầm nghệ thuật để niềm đam mê với dân ca, vọng cổ của các em lớn dần và cho trái ngọt; cũng như hy vọng trong số các em được truyền dạy sẽ có em trở thành nghệ sĩ trên sân khấu sau này.

Lớp dạy dân ca, vọng cổ miễn phí cho trẻ em miền Tây - Ảnh 6.

Một bé gái cùng mẹ đến lớp học

DUY TÂN

Hiện tại, lớp có những bé sau thời gian học đã hát tốt, dạn dĩ đứng trên sân khấu lớn biểu diễn. Điển hình là bé Bảo Hân, từng dự thi tài năng cho học sinh, hát thành thạo 3 điệu lý và đoạt giải khuyến khích; bé Như Phúc, Thảo My góp phần giúp Trung tâm Văn hóa - Thể thao Q.Ninh Kiều đoạt giải xuất sắc trong cuộc thi do thành phố tổ chức.

Anh Nguyễn Văn Cừ (40 tuổi) cho biết, thấy con yêu thích hát vọng cổ mà không có điều kiện nên xin cho con học lớp 0 đồng này. Sau 4 năm học, khả năng hát của bé trở nên thuần thục. Khi về nhà, bé thường hát cho ông, bà nghe. Hiện mỗi tuần 2 buổi, vợ chồng anh Cừ dắt thêm 2 con nhỏ theo để làm quen và khi đủ tuổi sẽ cho theo học cùng chị.

Lớp dạy dân ca, vọng cổ miễn phí cho trẻ em miền Tây - Ảnh 7.

Mỗi học viên được trang bị đầy đủ sách bài hát

DUY TÂN

"Mặc dù lớp học miễn phí nhưng giáo viên rất tâm huyết, dạy dỗ ân cần đến khi nào các bé biết hát mới thôi. Nhà tôi có 3 bé, bé lớn 10 tuổi đang theo học, bé kế học lớp 1 cũng đang học dự thính, khi đủ tuổi sẽ cho học luôn", anh Cừ nói.

Bé Đặng Nguyễn Ngọc Như Phúc (10 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, Cần Thơ) cho biết: "Vào học với cô Hằng, con được tận tình chỉ nhịp, cách hát bài bản nên bây giờ con mê luôn. Em trai con học lớp 1, giờ cũng đến dự thính và đủ tuổi cũng sẽ theo học nên con vui lắm".

Lớp dạy dân ca, vọng cổ miễn phí cho trẻ em miền Tây - Ảnh 8.

Nhiều em sau thời gian gắn bó đã hát thành thục và dạn dĩ đứng trên sân khấu

DUY TÂN

Còn bé Hà Lam (10 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều) bộc bạch: "Ban đầu học khó, nhưng nhờ cô Hằng ân cần dạy dỗ nên bây giờ con có thể hát được và hay cho ông bà nghe. Con cảm thấy rất vui và mong muốn theo đuổi bộ môn này lâu dài".

Lớp dạy dân ca, vọng cổ miễn phí cho trẻ em miền Tây - Ảnh 9.

NNƯT Ái Hằng thị phạm cho học trò nhỏ

DUY TÂN

Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Nhà Văn hóa Thiếu nhi Q.Ninh Kiều, cho biết, lớp học dân ca, vọng cổ nhí ra đời khi nhiều bé muốn học bộ môn nghệ thuật này mà chưa có lớp dạy. "Lớp học duy trì được hơn 4 năm, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, các bé chỉ cần đến học; góp phần "mài giũa những viên ngọc thô" để cùng giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc", ông Tuấn nói.

Theo Thanh niên