Ảnh minh họa
Trong văn hóa truyền thống của người Việt, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên luôn được đặc biệt coi trọng. Chính vì vậy, bàn thờ ngày Tết luôn là nơi trang trọng nhất. Nó thể hiện niềm tin, sự tôn kính của con người đối với tổ tiên của mình.
Mâm ngũ quả bắt nguồn từ tư duy Ngũ hành
TS. Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ ngày Tết bắt nguồn từ tư duy Ngũ hành. Trên mâm ngũ quả, người ta thường chọn 5 loại quả tương ứng với 5 màu sắc của các hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên”.
Màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa, thường là các loại quả: ớt, hồng, táo tây… Màu trắng tượng trưng cho hành Kim, người Việt hay chọn roi, mận hoặc lê… Với hành Mộc, các loại quả màu xanh như táo, phật thủ, bưởi… rất được ưa chuộng. Màu đen tượng trưng cho hành Thủy. Cuối cùng là màu vàng, tượng trưng cho hành Thổ, thường người Việt bày lên nải chuối để tượng trưng.
Đây là quan niệm bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên, trong quá trình du nhập về Việt Nam, những nét văn hóa này được người Việt tiếp thu, đồng thời biến đổi, bồi đắp thêm những yếu tố phù hợp với điều kiện địa lý và văn hóa dân tộc.
TS. Đinh Đức Tiến giải thích về hiện tượng này: “Là đất nước có nền văn minh lúa nước nên tín ngưỡng thờ phồn thực, mưu cầu sung túc luôn thường trực trong tiềm thức mỗi người con đất Việt. Vào dịp Tết Nguyên Đán, tư tưởng này càng thể hiện rõ trên nhiều phương diện”.
“Riêng với mâm ngũ quả, người Việt có xu hướng chọn những loại quả có nhiều múi, nhiều móng, nhiều mắt, nhiều hạt, như: quả bưởi, quả na, quả phật thủ,… vừa để bổ sung đầy đủ cho Ngũ hành, vừa để phục vụ tư duy cầu mong số nhiều, cầu mong sự đầy đủ, sung túc”.
Thêm nữa, người xưa thường chọn quả theo thời tiết, mùa màng với suy nghĩ “mùa nào thức nấy”. Nhưng khi xã hội ngày càng hiện đại, người ta không còn quá phụ thuộc vào thời tiết mà có thể dùng các loại quả trái mùa, tùy vào điều kiện và nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên, màu sắc của những loại quả này vẫn liên quan đến Ngũ hành.
Sự khác biệt giữa hai miền Nam - Bắc
Ở miền Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày lên bàn thờ, kể cả quả ớt mang vị cay đắng, miễn sao mâm ngũ quả trông đẹp mắt và đảm bảo đủ 5 sắc màu.
Mâm ngũ quả của người miền Nam thường có mãng cầu, buồng dừa, xoài… Các loại quả này khi kết hợp lại, đọc chệch âm đi sẽ thành “cầu vừa đủ xài”. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi" thể hiện sự nguy khó. Đây cũng có thể coi là một yếu tố thêm thắt, thay đổi để phù hợp với tư duy người Nam Bộ.
Sự khác biệt này trước hết bắt nguồn từ yếu tố địa lý, khí hậu. TS. Đinh Đức Tiến lý giải: “Ở miền Nam, khí hậu nóng hơn nên các loại hoa quả cũng dồi dào, phong phú hơn về số lượng, chủng loại. Thậm chí, người miền Nam còn dùng nhiều loại hoa quả tạo thành hình rồng, phượng, làm nên mâm ngũ quả rất hoành tránh. Nhưng ở miền Bắc, cây trái bị ảnh hưởng nhiều bởi mùa màng nên không phong phú được như miền Nam”.
Thêm nữa, cả hai miền Nam, Bắc đều có sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Nhưng ở miền Bắc, do có sự níu giữ truyền thống nhiều hơn nên mâm ngũ quả không có nhiều khác biệt. Còn đất phương Nam có nhiều dân di cư nên tư tưởng về văn hóa cũng cởi mở, thoáng hơn. Chính vì vậy mà mâm ngũ quả của người miền Nam phong phú hơn miền Bắc.
Việc lựa chọn ngũ quả tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của từng vùng miền, gia đình. TS Đinh Đức Tiến đưa ra một số lời khuyên: “Đã lên bàn thờ tổ tiên, người Việt nên giữ gìn một số nét văn hóa truyền thống: trên mâm ngũ quả nên có nải chuối, bên cạnh đó là bưởi hoặc phật thủ. Thêm nữa, các loại quả sử dụng trên mâm ngũ quả nên là loại quả sạch, tươi tắn và có mùi thơm”.
Theo Thế giới và Việt Nam