Mùa này, trên hòn đảo tiền tiêu Cù Lao Ré (Lý Sơn, Quảng Ngãi) có một loài Rong Mơ biển mọc đầy trên những tảng đá nằm nhấp nhô trên mặt nước. Đây được coi là đặc sản của biển cả mà nhiều người rất ưa chuộng.

Đặc sản rong biển ấy không phải ở đâu hay lúc nào cũng có. Rong biển nơi đây chỉ xuất hiện ở những mỏm đá đã được ngấm lâu ngày trong nước biển và khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi như mưa phùn thì chúng mới phát triển và sinh sôi nảy nở được. Mỗi khi thủy triều hạ, lại thấy xuất hiện từng cụm, từng cụm rong nằm phơi mình giữa biển khơi đầy nắng.

Người dân đảo Lý Sơn thu hoạch rong trên biển. Ảnh: Tiêu Dao
Người dân đảo Lý Sơn thu hoạch rong trên biển (Ảnh: Báo Biên phòng).

Rong biển ở Lý Sơn được thu hoạch tự nhiên trên gành đá vào những lúc thuỷ triều xuống. Để thu hoạch được rong biển người dân Lý Sơn phải đi bộ hàng giờ trên những mỏm đá đen trơn trượt, dùng liềm cạo từng mảng rong bám trên đá, họ bỏ vào bao lưới chà sạch cát, rửa sạch lại bằng nước biển rồi mới đem về nhà.

Mùa hè là mùa của rong biển. Từ sáng sớm, hàng trăm người chèo ghe thúng đi khai thác rong. Khi đi, họ chuẩn bị sẵn cơm, nước để buổi trưa dùng bữa bên các gành đá. 14 giờ, họ quay về với ghe thúng đầy rong mơ. “Vào mùa thu hoạch rong, chúng tôi phải ngâm mình trong nước biển đến ngực khoảng 6 giờ mỗi ngày theo dọc các gành đá ven bờ. Hôm nào trúng đậm, mỗi hộ gia đình cũng thu được 300kg rong mơ” - bà Nguyễn Thị Anh, ngụ ở đảo Bé nói. Không chỉ dùng ghe thúng, người dân còn đóng bè xốp để khai thác loài thực vật này. “Bè xốp có thể chứa 300kg rong mơ. Gia đình chúng tôi khai thác cả ngày ngoài biển, tiết kiệm được nhiều công sức và thời gian vận chuyển so với sử dụng phương tiện ghe thúng” - ông Phan Lên cho biết.

Người dân thu hoạch rong mơ trên biển
Người dân thu hoạch rong mơ trên biển (Nguồn: Internet).

Rau đông là một loại rong biển rất được ưa chuộng. Bà Võ Thanh Hải (53 tuổi, xã An Hải, huyện Lý Sơn) có thâm niên hái rau đông hàng chục năm qua lý giải, rau đông là một loại rong biển mọc gần bờ, khi nấu lên để nguội sẽ đông lại thành món xu xoa - loại đặc sản giải nhiệt mùa hè của cư dân đất đảo. Vì vậy, người dân Lý Sơn quen gọi loại rong biển này là rau đông.

 

Thời gian thu hoạch rau đông mỗi tháng chỉ từ 8 - 10 ngày vào khoảng đầu tháng và giữa tháng Âm lịch. Đây là thời điểm con nước thủy triều rút xuống để lộ những bãi đá ngầm cách bờ tầm 50 m. Khi những bãi đá ngầm lộ ra là lúc những phụ nữ nghèo ở Lý Sơn lại rủ nhau ra biển hái rau.

Ngoài rau đông thì rong biển ở Lý Sơn có nhiều loại như bồng bồng, lũy tre, rong chân vịt, rong mơ..., nhiều màu sắc từ trong vắt, xanh mướt đến vàng mơ. Đặc sản rong biển ấy không phải ở đâu hay lúc nào cũng có. Ông Điền, một lão ngư có nhiều năm kinh nghiệm hái rong biển ở hòn đảo tiền tiêu này cho biết: “Đi hái rong biển phải đi lom khom thật chậm để nhìn qua mặt nước mới thấy được. Nếu rong ở nơi nước cạn thì dùng tay bứt, những nơi nước sâu phải dùng liềm để cào cho rau đông bật gốc ra khỏi đá!”. Khi thu hoạch rong biển, họ thường phải kéo theo một chiếc thùng rồi dò dẫm từng bước thật chậm để phát hiện ra bụi rong biển bám vào đá. Rong biển thường mọc thành từng bụi nhỏ, có thân mềm. Khi còn bám vào đá, loại rong này có màu xanh nhạt nên rất khó để nhìn thấy dưới làn nước biển.

Rong mơ là đặc sản ở Lý Sơn
Rong mơ là đặc sản ở Lý Sơn (Nguồn: Internet).

Bà Huỳnh Thị Gái, một người chuyên thu mua và sơ chế rong biển cho biết, loại hải sản này được xem là loại thực phẩm sạch do biển cả ban tặng nên có bao nhiêu thương lái cũng mua chở vào đất liền. Với số lượng rong mơ cắt hái và mang về phơi trung bình từ 80-150kg khô/ngày, tùy theo thời điểm mà giá mua của rong mơ biển khác nhau, mức giá dao động từ 3.000-8.000 đồng/kg đã mang về cho nhiều hộ gia đình ở Bình Hải số tiền trên dưới 1 triệu đồng/ngày. Sau khi được thu hái, rong biển được xử lý sơ chế để loại bỏ rác, đá còn bám vào gốc. Rong biển phải được phơi khô tự nhiên dưới cái nắng của miền biển đảo Lý Sơn từ 3 đến 5 ngày liên tục mới cho ra được sản phẩm.

Hiện, mỗi năm, người dân Lý Sơn thu hoạch được khoảng 200 tấn rong các loại ở đảo và 300 tấn ở khu vực biển Hoàng Sa, chủ yếu được bán cho các thương lái và phân phối đi các nơi. Bình thường, một kg rong khô sau khi ngâm nở ra sẽ được khoảng 6 - 7kg rong tươi, lại nhẹ và không cồng kềnh nên đặc sản này cũng trở thành quà du lịch nổi tiếng của đảo Lý Sơn. Loại rong này dùng chế biến thành món ăn giải nhiệt trong mùa hè. Cách nấu cũng rất đơn giản, nên được người dân ưa chuộng. Rong biển khô sau khi ngâm sẽ có màu trắng trong, có thể sử dụng để chế biến nhiều món ăn lạ miệng và bổ dưỡng. Nhờ rong mơ mà ngư dân địa phương có thêm khoản thu nhập kha khá để trang trải cuộc sống.

Ông Nguyễn Ngọc Tài, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi cho biết: “Địa phương luôn vận động bà con ngư dân khai thác rong biển phải để lại khoảng 10cm phần gốc cho các loại hải sản sinh sôi. Khai thác rong mơ phải đúng mùa, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm cá. Ngư dân cũng đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi của biển.

Theo thoidai