leftcenterrightdel
 Cây gạo trổ hoa. Ảnh: TƯ LIỆU

Em nghiêng vạt nón, dịu dàng nhặt bông hoa gạo. Năm ngón thon mềm nhặt cả hồn tôi vào thao thiết ngày hè. Thương bông hoa cứ dịu dàng mà cháy rực lên, hiến dâng cả một thời xuân sắc để hết mùa lại chầm chậm rơi, rồi thương lây cả bóng dáng người nhặt hoa gạo năm nào. Tháng năm ấy giờ cất ở nơi đâu?

Cây gạo ơi, người bao nhiêu tuổi? Cây đã qua bao nhiêu tháng năm rồi, liệu mấy ai còn nhớ? Chỉ biết rằng khi tôi lớn lên đã thấy cây gạo trước ngõ, sừng sững, hiên ngang tỏa bóng râm cho cả một vùng đất ngã tư của làng. Vùng đất ấy mọi người gọi là Cây Gạo. Cây gạo là nơi hội tụ những tiếng chim của cả một vùng về ríu rít hoan ca, là nơi của những cụ già ngồi hóng mát, nơi của những em bé hồn nhiên, vui vẻ nô đùa dưới bóng cây. Những mùa trăng, cây gạo còn là nơi của những đôi trai gái trong làng hẹn hò, tình tự.

Năm tháng ngày xưa, khi thóc gạo đã cạn trong bồ, nhường chỗ cho củ khoai, củ sắn, cây gạo vẫn cứ hồn nhiên trổ hoa. Lúc đó, hình như trong làng chỉ còn cây gạo là có nhiều sinh khí nhất, nó vẫn đỏ rực như một tảng xôi gấc đặt ở cổng làng, chắc nó tươi hơn hớn cho lòng người đỡ héo hon đi qua mùa giáp hạt. Và những đứa trẻ chúng tôi, cũng vô tư như cây gạo, không để ý gì nhiều đến đói, no, vẫn nô đùa, nhặt hoa xếp thành hình trái tim và nhiều trò chơi khác dưới gốc gạo già đầu làng mà đi qua những năm tháng của cuộc đời.

Giờ không còn như xưa, khái niệm giáp hạt chỉ còn trong ký ức của lớp người đã cũ. Cuộc sống giờ đủ đầy, chỉ còn nghe mấy cụ già đêm đêm hồi tưởng, nhắc lại chuyện đói khổ ngày xưa mà xót thương cho những cuộc đời xa khuất...

Mùa đi rồi mùa lại về, sao lòng ta vẫn cứ vấn vương? Hay tại ta đã già, đã cỗi như gốc gạo xù xì kia mà tiếc thương ngày tháng? Ngắm mỗi bông hoa gạo rơi mà lòng ta cứ rưng rưng. Bạn tôi bảo:

- Sao mi kỳ đến thế, có mất chi đâu mà cứ tiếc nuối hoài?

Ừ nhỉ, tất cả vẫn vẹn nguyên, cả trời đất này, cả bạn, cả tôi sao vẫn thấy bồi hồi, thương nhớ.

Mùa đã trôi ngang qua ngõ rồi! 

Theo nld