Thuở hàn vi chưa có điều kiện đền đáp ân sâu nghĩa nặng. Khi con trưởng thành, có điều kiện đền đáp, thì hỡi ôi, cha mẹ không còn nữa. Đau lòng thay, chỉ biết dâng những bông hồng nhỏ nhoi lên bậc sinh thành để đỡ buồn tủi. Chắc chắn rằng dù kiềm chế nhưng tác giả Gia Long cũng không ngăn được những giọt lệ rơi từ khóe mắt: “Vào mùa báo Hiếu Vu lan/ Kính dâng cha mẹ vô vàn hồng hoa/ Cha là công tạo ra ta/ Mẹ là mang nặng sinh ra chúng mình/ Đi cho trọn kiếp chúng sinh/ Chẳng đâu đáp nổi ân tình mẹ cha/ Báo hiếu tốt nhất nên là/ Tu thân tích đức - mẹ cha vui lòng!”.
Nếu Mạc Phương Đình cho chữ “mẹ” là đẹp nhất thì nữ sĩ Thích Nữ Thu Hiền cho chữ “tình” của mẹ là sâu nặng nhất: “Tình đẹp nào hơn tình mẫu thân/ Chăm lo nuôi dưỡng công vô ngần/ Mẹ nào tính toán công nhiều ít/ Cũng chẳng bao giờ đòi trả ân/ Bổn phận làm con phải đáp đền/... Báo hiếu Vu lan hồng đỏ đài/ Khắc ghi tình Mẹ đến tương lai. Đường trần vạn nẻo đời sương gió/ Ân nghĩa mẹ hiền không thể phai”.
Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau. Con ốm đau sài đẹn, thức suốt đêm bên con, thao thức canh trường. Con lớn đến trường, lo con ăn học hết cấp bé đến cấp lớn rồi vào đại học, đến học cao học, nghiên cứu sinh. Lo đèn sách, lo con có đủ điều kiện tốt nghiệp. Ôi! Bậc cha mẹ trùng trùng nỗi lo. Cầm tấm bằng tốt nghiệp, bậc sinh thành mới nhoẻn được miệng cười. Như con chim đầy lông đủ cánh, con lại đến giai đoạn đi lấy chồng, rời khỏi lòng cha mẹ. Nào cậy nhờ gì được ở con? Biết bao buồn tủi: “Đưa con đến cửa buồng thoi/ Mẹ phải xa con, khổ mấy mươi/ Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc/ Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi! (Nguyễn Bính)”.
Đền đáp công lao đấng sinh thành, dù chỉ là bằng bông hoa nhỏ, đối với ai có điều kiện. Nhưng ngược lại, có không ít trường hợp bậc làm con chưa có điều kiện đền đáp được. Bởi vậy trong hàng trăm bài thơ viết về mùa Vu lan, không ít thi phẩm biểu hiện nỗi niềm khắc khoải, canh cánh bên lòng. Không vô tâm, bỏ mặc, đổ lỗi cho khách quan mà day dứt một nỗi niềm không nguôi; đó cũng là cách biểu hiện chữ “hiếu” của bậc làm con.
Những hình ảnh về người Mẹ anh hùng - người mẹ chung cho toàn dân tộc, không chỉ trong mùa Vu lan mà trong bất cứ mùa nào của hằng năm, chúng ta cũng phải có trách nhiệm báo hiếu, thờ phụng. Đấy là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mang đạo lý làm người của con Lạc cháu Hồng chúng ta.
Cảm ơn các thi nhân thay mặt hàng triệu triệu người con trên đất nước này đã có những dòng thơ, những thi phẩm hay đầy cảm động ngợi ca, đề cao những bậc làm cha làm mẹ đã có công lao to lớn đối với con cháu và đối với non sông đất nước ta.
Theo baovanhoa