Ảnh minh họa

Rồi thể nào tới 25 tháng Chạp, má cũng lại gọi điện hỏi bâng quơ gì đó, khi thì “thích bánh tét nhân chuối hay đậu để má chuẩn bị, có ăn mứt dừa không má làm” và rồi nhân tiện kể: “Nghĩa trang bây giờ người ta làm lại sạch sẽ, khang trang nên làm cỏ mả không có cực như hồi xưa, má với dì Tư vô quét sơ sơ, đốt nhang rồi về”.

Năm nào cũng như năm nào, cứ đến những ngày này má lại bắt đầu đếm ngược và đợi…

Trong một năm, những ngày giáp Tết luôn làm lòng người chộn rộn nhất. 20 tháng Chạp nhà ai cũng lục tục phơi dây chuối, làm mứt dừa, dưa mắm,… 23 thì cúng ông Táo, 25 tảo mộ, loay hoay vài ba bữa đã tới 30.

Hồi đó nghèo, mâm cơm cúng ông Táo của gia đình tôi cũng không khác gì ngày thường ngoài dĩa thèo lèo, cứt chuột. Anh em tôi chỉ đợi nhang tàn quá nửa là hối má mang xuống chia nhau nhai rôm rốp.

Đến 25 Tết, cả nhà lại lọc cọc chở nhau vô nghĩa địa tảo mộ ông bà. Phải nói đó là ngày vui nhất trong năm. Nghĩa trang ngày thường vắng vẻ bỗng đông như có hội. Dù không quen biết nhau nhưng mộ ông bà nằm cạnh nhau nên cũng như hàng xóm, chỉ khác là mỗi năm gặp một lần nên có đủ chuyện để hỏi thăm. Nhà này dọn mộ ông bà xong lại qua phụ hàng xóm; cúng kiến xong xuôi lại mời nhau ly nước, miếng bánh. Tiếng cười nói râm ran, Tết như đến rất gần rồi.

Năm nào cũng vậy, tảo mộ xong cả nhà tôi lại kéo ra chợ. Má mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới, mua thêm trái dưa hấu, bó bông vạn thọ về chưng Tết.

Những ngày này, sân phơi nhà tôi luôn chật kín. Trên sào là mền gối, quần áo; dưới là mâm củ cải trắng xắt nhỏ phơi héo để làm dưa mắm, chảo mứt dừa mới sên, rổ chén bát đã rửa sạch sẽ chờ khô,…

Những ngày này, pháo vẫn chưa đốt nhưng trong xóm lúc nào cũng rộn rã tiếng chày cối, dao thớt. Má thì không lúc nào ngơi tay, hết chuyện ngoài đồng đến trong nhà, có khi nửa đêm vẫn còn lục đục dưới bếp… Má hay nói trong năm thích nhất những ngày giáp Tết, cực mà vui.

Rồi anh em tôi lớn lên, rời quê lên phố. Những ngày giáp Tết cũng luôn là những ngày chộn rộn nhất. Nhưng không phải tảo mộ, làm bánh, dọn dẹp nhà cửa mà là công việc, là tiệc tùng tất niên. Có những năm, ngồi bàn nhậu ngày 23 Tết tôi để nhỡ cuộc điện thoại của má; ngày 25 Tết tất bật chạy ngoài đường, đến nửa đêm mới chợt nhớ ra không biết hôm nay má đi tảo mộ với ai.

Những ngày này, sân phơi quê nhà vẫn ngập nắng, vẫn có mâm củ cải, chảo mứt dừa nhưng nhà vắng tiếng người vì chỉ có mình má ra vào lủi thủi… Mâm cơm má cúng ông Táo xong nguội lạnh lại hâm tới hâm lui, dĩa thèo lèo cứt chuột không có đứa nào ăn, răng má yếu nên lại đem đi cho lũ trẻ con hàng xóm.

Hồi nhỏ, cái đợi lớn nhất trong năm là đợi Tết. Lớn lên quay cuồng với cuộc mưu sinh đôi khi ước muốn giá như đừng có Tết thì khỏe biết mấy. Có lần nói với má chuyện đó, má cười buồn hiu: “Một năm có được mấy ngày, không có Tết tụi bây có về ở nhà lâu đâu”.

Nghe má nói buồn ngậm ngùi tự hứa sang năm sẽ thu xếp về nhà cúng ông Táo với má nhưng rồi lại quên.

Nói với má thôi nghỉ ngơi, đừng cúng kiến, làm bánh làm trái gì cho mệt má gạt ngay: “Đâu có được con, lễ nghĩa phải giữ. Làm món nọ món kia để tụi bây về có ăn, ở thành phố cao lương mĩ vị nhưng đâu có ngon bằng đồ ăn nhà làm”.

Nói với má thôi đừng có đợi, thể nào tụi con cũng về trước giao thừa. Má lại cười buồn hiu: “Tụi bây bận trăm công ngàn chuyện, khi nào xong việc rồi về, má có đợi đâu…!”.

                                                                                               Theo Người lao động online