Bó hẹp trong một không gian nhỏ hẹp suốt thời gian dài giãn cách xã hội, làm việc tại nhà vì Covid-19 là một viễn cảnh không mấy vui vẻ đối với nhiều người, nhất là những cặp sống chung, dù đã kết hôn hay chưa.

Pepper Schwartz, giáo sư tâm lý học tại Đại học Washington, cho biết khoảng thời gian đáng sợ này hoặc sẽ kéo mọi người xích lại gần nhau, hoặc chia cắt các mối quan hệ.

                                                            Cách ly, giãn cách xã hội với người yêu, bạn đời có thể đem lại kết quả tiêu cực. Ảnh: Getty Images.


Một mặt, các cặp có thể nảy sinh “lòng cảm kích với đối phương khi cùng nhau đối mặt tương lai dịch bệnh đáng sợ”.

Đặc biệt, đối với những cặp ở cùng nhau dù chưa kết hôn, một “khóa học sống chung” bất ngờ trong đại dịch có thể không giúp chuẩn bị đầy đủ mọi tình huống cho mối quan hệ về lâu dài, nhưng chắc chắn sẽ để lại cho họ nhiều kinh nghiệm.

Mặt khác, nếu hai bên nảy sinh mâu thuẫn, cộng thêm nỗi lo Covid-19 và áp lực đến từ nhiều phía như tài chính, con cái, công việc… chuyện tình của họ sẽ bị đẩy tới bờ bực chia ly.

Do đó, chuẩn bị trước tinh thần cho vài tuần, thậm chí vài tháng giáp mặt đối phương 24/7 là điều chúng ta cần thực hiện để chủ động giảm thiểu tranh cãi không cần thiết.

Chia sẻ trách nhiệm việc nhà


Sự phân chia việc nhà không đồng đều, từ việc nấu nướng, rửa bát đến quét dọn, giặt giũ, hoàn toàn có thể làm xói mòn các mối quan hệ tình cảm, theo Verywell Mind.

Vốn dĩ, đây là một vấn đề nan giải của các cặp và càng trở nên khó khăn hơn trong thời gian đại dịch.

                                                                 Việc nhà nên được đôi bên thỏa hiệp và phân chia trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Ảnh: Shutterstock.


Mỗi người có một quan điểm khác nhau về nhu cầu dọn dẹp nhà cửa. Do đó, hai bên cần phải đưa ra một phương án thống nhất dựa trên những ưu tiên cá nhân. Sự thỏa hiệp song phương là cách làm hiệu quả nhất, thay vì cố gắng làm hài lòng hoàn toàn cả đôi bên.

Sau khi thống nhất mục tiêu chung, các cặp nên phân chia rõ ràng nhiệm vụ. Chẳng hạn, ai nấu cơm, ai rửa bát, ai quét nhà, ai đổ rác… Hoạt động mang tính xây dựng này sẽ giúp các cặp phối hợp ăn ý trong việc chia sẻ trách nhiệm chung.

Nếu hai bên không đi đến sự đồng thuận, nhất trí, thời gian cách ly xã hội trong cùng một không gian chung sẽ nhanh chóng trở nên căng thẳng. Ngoài ra, đừng nghĩ việc nhà là trách nhiệm của riêng người còn lại hoặc trông chờ nhau “tự biết mà làm”.

Chủ động “đình chiến” khi cãi vã
Áp lực, căng thẳng là yếu tố khó tránh khỏi khi các cặp bị đảo lộn cuộc sống thường ngày và dành quá nhiều thời gian ở nhà cùng nhau. Chúng là mầm mống gây ra những cuộc xung đột và cãi vã trong nhà.


                                            Khi cãi vã nổ ra, các cặp nên chủ động hòa hoãn ít nhất 30 phút để bình tĩnh trước khi trò chuyện lại. Ảnh: iStock.


Khi sự việc dường như vượt khỏi tầm kiểm soát, cặp vợ chồng nhà tâm lý học Julie Schwartz Gottman và John Gottman khuyên rằng đôi bên nên “tạm hoãn” khẩu chiến trong vòng ít nhất 30 phút nhưng không quá 24 tiếng đồng hồ.

“Một người nên chủ động lên tiếng tạm dừng cuộc cãi vã và đặt ra khung giờ quay lại tiếp tục trò chuyện sau”, bà Gottman nói. Sau đó, họ nên tạm thời tránh xa nhau ra và làm những gì giúp bản thân bình tĩnh lại.

Đặc biệt, đối với những cặp vợ chồng đã có con, đừng cãi vã trước mặt lũ trẻ, nhà tâm lý học cho biết. Hãy đem trận khẩu chiến tới căn phòng nào tránh xa con cái hoặc giao việc vặt cho lũ trẻ thực hiện.

Tôn trọng không gian riêng


Trong lúc ở nhà, ngay cả khi đối phương trông có vẻ không mấy bận rộn, chưa chắc họ đã sẵn sàng cho nhu cầu, đòi hỏi của bạn. Có thể họ đang suy nghĩ cho dự án công việc hoặc dành thời gian hợp lý cho sở thích cá nhân như đọc sách, tập yoga, nghe nhạc…

Không gian riêng tư là điều cần thiết cho mỗi cá nhân để tái cân bằng cuộc sống. Đặc biệt đối với những cặp có con, hai bên nên trao đổi và phân chia thời gian để giúp đối phương thoát li khỏi những trách nhiệm làm cha, làm mẹ trên vai trong phút chốc và dành khoảng lặng cho bản thân.

Đừng cảm thấy tội lỗi, ích kỷ khi đôi lúc bản thân muốn ở một mình và làm điều mình muốn. Đồng thời, hãy tôn trọng thời gian và không gian riêng tư của đối phương.

Giữ lửa tình yêu
Khoảng gian cách ly, giãn cách xã hội tại nhà là thời điểm lý tưởng để các cặp tìm hiểu nhau “lại” lần nữa. Nhân cơ hội này, các cặp có thể tiếp thêm lửa cho mối quan hệ tình cảm phần nào bị mai một do cuộc sống xô bồ, bận rộn.

Mặc dù đôi bên vướng bận công việc riêng khi làm việc tại nhà, quỹ thời gian chung vẫn sẽ dồi dào hơn so với trước dịch, khi mà các cuộc gặp bạn bè, đồng nghiệp, họp hành chen ngang cuộc tình.

Tập thể dục, nấu nướng, dùng bữa chung, chơi game, xem phim... hay đơn giản chỉ trò chuyện trực tiếp đều là những hoạt động khả thi để các đôi làm cùng nhau.

Thậm chí, chỉ cần đầu tư một chút công sức và thời gian, bạn có thể tạo cho đối phương một ngày hẹn hò lãng mạn trong mơ ngay tại mái ấm chung.

Tuy nhiên, nó không bao gồm việc ngồi cạnh nhau rồi mỗi người chúi mũi vào màn hình điện thoại. Hai bên cần có những tương tác trực tiếp.

Theo Zing