Cụm từ “Mẹ ơi, con yêu mẹ”, “Mẹ ơi, con ngồi làm việc mà cứ nhớ mẹ”, “Mẹ đi làm vui nhé, chiều mình lại gặp nhau”, “Ước gì con hóa mẹ thành cục kẹo, bỏ vào túi, mang theo tới cơ quan”… luôn được chị Hà đón nhận từ các con. Với chị, đó chính là động lực để làm việc và vui sống.
Những lời lẽ “ngôn tình” ấy đúng là không hề phổ biến từ những đứa trẻ, kể cả người đã trưởng thành, bởi vì… rất khó nói, mắc cỡ, ngại ngần.
Cuộc sống bận rộn, cơm áo gạo tiền “cuốn phăng” không ít bà mẹ ra khỏi con cái. Việc cho con ăn no, ăn ngon, học trường xịn dễ như trở bàn tay, nhưng tiếc là, những lời yêu thương dành cho ba mẹ khó như hái sao trên trời.
Chị Hiền, trưởng phòng nhân sự của một tập đoàn kinh tế, chia sẻ: Con mình điều gì cũng tốt, chỉ thua con người ta mỗi cái là không có… miệng. Ý chị Hiền là, con dù “có miệng”, nhưng không biết nói lời yêu thương với mẹ cha, thì cũng như không.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Quay lại câu chuyện của chị Hà, chị chia sẻ rằng chị luôn dành thời gian cho con. Trò chuyện, chơi với con, ăn cùng con, cái gì có thể cùng con, người mẹ khôn ngoan phải biết tranh thủ. Những từ “cảm ơn”, “xin lỗi” luôn gắn trên môi. Những lời khen tặng, động viên rất kịp thời. Những câu như “Mẹ nhớ con”, “Mẹ yêu con nhất đời”, chị thường xuyên nói với con.
“Con cái vốn gần gũi mẹ nên tôi tranh thủ dạy dỗ, có lẽ nhờ vậy mà các con tôi, đứa con trai lớn đã 25 tuổi, con gái nhỏ 20 tuổi không hề thấy ngượng nghịu khi hôn mẹ, thậm chí có hôm tôi đang ngủ, có đứa nhẹ nhàng hôn lên trán. Hành động này tôi thường xuyên thể hiện với bọn trẻ. Tôi thu quả ngọt khá đơn giản”, chị Hà chia sẻ.
Tôi có người bà con xa, cô đã có tuổi nên dâu, rể, con, cháu đề huề. Con cháu cô ăn nên làm ra, thường quà cáp cho cô những món đắt tiền, sang trọng, nhưng cô chẳng màng. Cô nói cô cần con cái quan tâm tinh thần, dành thời gian cho cô, biết nói với cô những lời dịu dàng, ân cần. Hôm đó, cô hỏi tôi đầy nghi ngờ: “Có phải những lời “tan chảy” chỉ trên ti vi không?”.
Rồi cô kể, ngày trước cô bận cơm áo gạo tiền, thời gian đâu mà gần gũi con cái. Bây giờ, sách báo, ti vi, công nghệ… bày cách quan tâm đến người già. Chỉ cần con cháu để tâm thì việc mở miệng có gì mà khó! Cô nói nghe nhẹ hều, nhưng tôi thì biết việc “mở miệng” đâu đơn giản như xin cái kẹo. Đã không ít người tự nhận chưa bao giờ nói tiếng yêu mẹ một lần trong đời, để khi mẹ chết thì ân hận mãi.
|
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory |
Tôi chọn cách dạy con nói lời yêu thương của chị Hà. Cách này vừa khiến một người mẹ luôn biết nhắc mình dịu dàng với con trẻ, biết kìm bản thân khi nóng giận, mà những đối đãi dịu dàng luôn… hạ gục con trẻ. Cái gì cũng vậy, có quyết tâm là có kết quả. Dần dà, tôi cũng thành công. Đứa con gái tuổi teen của tôi vốn lầm lũi trong phòng, giờ con đã chui ra “bá” cổ mẹ, và nói những lời đáng yêu. Mỗi lần đi siêu thị, tôi được con mua cho lon nước bí đao mà tôi thích, rồi con đùa: “Thương lắm mới mua đó nha!”.
Chúng tôi tương tác bằng sự chân thành, chứ không phải lời nịnh nọt. Chợt nghĩ, những hành động dù tốt đến mấy, đôi khi cũng không bằng lời nói yêu thương, chúng có sức mạnh khiến người ta hứng thú mà làm bao việc, trải qua bao khó khăn, vất vả. Việc thốt ra lời yêu thương dành cho nhau chẳng có gì quá khó khăn hay mắc cỡ. Tuổi nào cũng có thể mở lời. Người thân yêu luôn chờ đợi được nghe bạn nói.
Theo phunuonline.com.vn