Mỗi chiều xuống, tôi lại nhớ hình ảnh mẹ nhóm bếp lửa. Đầu tiên là gạt bớt tro ra quanh rìa cho thoáng; rồi nhét lá khô, rơm, rạ hoặc vài mảnh tre khô chẻ mỏng vào chính giữa kiềng; sau cùng mới xếp củi từ nhỏ đến lớn và châm lửa.

Lửa bén rất nhanh, thoáng cái bếp lửa mẹ đã hồng. Tôi nghĩ mẹ đang kiến tạo một công trình nghệ thuật, giản đơn nhưng bắt mắt. 

Đến ngày tôi phải thay mẹ nhóm lửa. Tôi hí hửng tin lửa sẽ cháy nhanh và đẹp thôi. Thế nhưng, khoảng trống hoác được tạo ra nhằm “cung cấp ô xy” do tôi gạt tro quá tay hợp sức với gió xô lửa xiêu vẹo. Tôi tặc lưỡi, cầm que củi khua rộng khoảng trống giữa đống củi chật ních ra thêm một chút rồi châm lửa lại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 

Lần này tôi quyết tâm chặn đứng cơn gió kia ngay từ ngoài cửa. Không bị xô, lửa đứng thẳng kiêu hãnh. Ấy vậy mà không hiểu sao, chỉ lát sau lửa tắt. Tôi chán nản cầm ống thổi ra sức thổi lửa. Lá phổi của tôi sắp theo hơi tuột khỏi cuống họng mà lửa vẫn bặt vô âm tín.

Phải đến lần châm lửa thứ ba thì bếp củi mới miễn cưỡng bập bùng. Tôi ỉu xìu, mắt mũi tèm lem, mặt mày nhem nhuốc. Mẹ bảo tại tôi xếp củi sai. Những lần sau, tôi vẫn ương bướng không chịu xếp theo bài của mẹ, kết quả là bao nhiêu lần nhóm bếp là bấy nhiêu lần mắt đắng, mũi cay.

Tôi sợ và ghét việc nhóm bếp, nhất là trong những ngày trời mưa liên miên, củi ướt. Những hôm như thế, tôi sẽ vờ bệnh hòng trốn tránh. Trốn không nổi thì mặt mày chù ụ. Tôi lẩm bẩm than vãn, thậm chí còn cáu gắt với mẹ. Tôi nghĩ mẹ không thương tôi nên cứ bắt tôi chật vật với cái bếp này. Giá mà mẹ mua bếp gas hay bếp điện thì có phải tôi đỡ khổ hơn không.

Thuở ấy tôi 15 tuổi, cuộc sống xoay quanh việc học và nhóm bếp. Tôi cáu gắt với bếp lửa. Mẹ thường bảo tôi “càng lười thì càng khổ”. Tôi cãi, có lẽ vì mẹ giỏi thỏa hiệp nên dù cuộc sống có khó khăn đến đâu mẹ vẫn không than lấy một lời. 

Bây giờ tôi 20 tuổi, nhà đã có bếp gas. Tôi nấu ăn một cách nhẹ nhàng và vui vẻ, nhưng trong thâm tâm tôi thực sự nhớ mùi khói ngai ngái thuở nào. Có lần, tôi nghe mẹ nói chuyện với bác hàng xóm: “Cơm củi, ngoài mùi vị sẵn có của cơm, còn quyện thơm mùi củi lửa đặc trưng, khác biệt mà cơm điện hay cơm nấu gas không bao giờ có được”.

Tôi biết tình yêu mẹ dành cho bếp lửa vẫn cháy trong mẹ như cách mẹ đã kiên trì giữ lửa hạnh phúc bao năm qua.

Tôi tặng mẹ một bữa cơm nấu củi nhân sinh nhật mẹ. Mẹ vui lắm. Ngắm mình trong gương, mẹ bảo: “Hình như mẹ già rồi, mắt gầy đầy vết chân chim”. Không mẹ ơi! Mẹ chưa già. Vết hằn kia không phải vết chân chim hay vệt thời gian ứ đọng mà đó là nơi trú ngụ của mùi khoai, mùi sắn, là nơi mẹ giữ gìn ngọn lửa yêu thương.

Dù có nhiều năm nữa qua đi thì trong lòng con, thứ đẹp nhất vẫn là mắt mẹ, đặc biệt trong những buổi chiều tà mẹ ngước nhìn khói bay… 

Theo phụ nữ TPHCM