Ngày mới về làm dâu, tôi rất ngạc nhiên khi sổ hộ khẩu gia đình ghi tên chủ hộ là mẹ chồng. Tôi lớn lên trong một gia đình gia trưởng nặng nề, cha tôi luôn nói: “Mọi vấn đề đều phải đàn ông quyết, đàn bà biết gì mà nói”. Vậy nhưng trong nhà chồng tôi thì ngược lại. Cha chồng tôi chưa bao giờ tự quyết chuyện gì, ông luôn hỏi ý kiến mẹ chồng trước hết.

Mang thắc mắc hỏi chồng, tôi còn tròn mắt khi anh nói: “Không phải mỗi sổ hộ khẩu đâu, tất cả giấy tờ quan trọng mẹ đều đứng tên”.

Cha chồng tôi năm nay 63 tuổi. Ông là một người có đam mê làm ăn từ ngày còn trẻ. Ông đã từng trải qua các công việc như làm trang trại nuôi dê, mở cây xăng, đi từ Nam ra Bắc để kiếm mối kinh doanh… 30 năm trước, ông đã nhìn ra tiềm năng của việc kinh doanh bất động sản. Ông đầu tư vài mảnh đất và tất cả đều sinh lời, mang lại nguồn kinh tế vững vàng cho gia đình.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
 

Cha chồng biết mọi thứ luôn có chu kỳ, bất động sản cũng thế. Nên ngay cả khi “tiền mang về cả bao tải” ở những năm 1990, cha chồng luôn có một phương án dự trù ở công việc ổn định khác. Cha chồng bàn với mẹ chồng mở một cửa hàng đồ gia dụng để mẹ đứng bán. Bà làm ăn rất phát đạt còn cha vẫn là một công chức nhà nước, ngày ngày làm công việc bàn giấy.

Những giai đoạn bất động sản lên xuống, cha chồng tôi chưa bao giờ đứng ngoài cuộc. Ông vẫn theo dõi các tin tức và tranh thủ đi xem đất vào cuối tuần. Năm ông về hưu, chính thức dồn thời gian để theo đuổi đam mê.

Tôi học được bài học về sự nỗ lực từ cha chồng. Mỗi lần về quê, tôi đều chứng kiến ông vừa nghe vừa ghi chép kiến thức từ sáng sớm đến đêm khuya. Ngoài thời gian tập thể dục, chăm sóc cây cối, đi đánh bóng bàn, ông dùng gần như toàn bộ thời gian của mình để nghiên cứu các phương cách đầu tư.

"Nếu không có mẹ thì cha không được như hôm nay. Nên cái gì cha làm được thì công lớn là của mẹ". Cha chồng hay nói như vậy, và ông luôn để bà quyết trong chuyện mua bán. Khi có thông tin thị trường biến động, ông sẽ về nói chuyện với bà để bàn bạc và đi đến thống nhất bán hay mua.

Có những miếng đất ông muốn giữ, nhưng bà quyết bán thì ông nghe bà bán ngay. Vừa bán xong thì miếng đất đó tăng thêm 100 triệu đồng. Vậy nhưng khi tôi dò hỏi cha chồng xem ông có tiếc không, ông liền nói: "Mẹ con quyết bán, người tiếc nhiều hơn chắc là mẹ chứ không phải ba. Ba đang phải an ủi mẹ con đây".

Ngôi nhà chúng tôi đang ở cũng do cha mẹ chồng tôi đứng tên. Cách đây 10 năm, khi cha chồng tôi định dùng tiền bán một lô đất để mua thêm xe hơi thì mẹ chồng nói: "Để tiền đấy mà đổi nhà cho con!". Thế là ông nghe bà.

12 năm làm dâu, tôi đã không còn ngạc nhiên khi mẹ chồng là người… giàu có và quyền lực nhất nhà. Tôi ngày càng hiểu rõ hơn bài học “thuận vợ thuận chồng” qua những lần ông hỏi chồng tôi: “Thế con đã hỏi ý vợ chưa?” khi chồng tôi gọi hỏi ông về một vấn đề gì đó.

Lời khuyên của ông cho vợ chồng tôi luôn là: “Vợ chồng làm gì cũng phải biết bàn bạc thống nhất với nhau. Không thể ông một đằng, bà một nẻo”. Ông bà đi qua hơn 40 năm cuộc đời vẫn tương kính như tân, dắt tay nhau đi du lịch, hẹn hò như còn đôi mươi. 2 đứa con ông bà đều có học (chồng tôi là tiến sĩ, em chồng tôi là thạc sĩ), đất đai và tiền tiết kiệm đều đủ để ông bà sống an nhàn đến già.

Nhìn ra ngoài, tôi thấy nhiều người đi buôn bán bất động sản nhưng người vợ hoặc chồng của họ không hay biết gì. Họ giấu giếm, lách luật bằng cách nào đấy, cho đến khi mọi chuyện vỡ lở rồi tan nát vì nợ nần, vì bạn đời có cảm giác không được tôn trọng...

Những khi ấy, tôi lại nghĩ đến cha mẹ chồng. Có lần mẹ chồng tâm sự: “Không phải việc đầu tư luôn lãi đâu con. Cũng có vài mảnh phải bán tháo, hoặc có mảnh bị ế nên "kẹt hàng". Nhưng khó khăn nào thì cha cũng nói ra, nên mẹ chẳng bao giờ thấy... có vấn đề. Cha tin mẹ và mẹ cũng tin cha, đầu tư thì có lúc được lúc mất, quan trọng là hạnh phúc luôn còn”.

Theo phụ nữ TPHCM