Gần nửa đêm, chị Hai từ Mỹ gọi tôi, khoe: “Chị mua được lá chuối đông đá, hàng Việt Nam xuất khẩu. Mai chị sẽ gói thật nhiều bánh tét để dành ăn dần và tặng bạn bè”. Tôi tỉnh cơn buồn ngủ, tưởng tượng cả nhà chị xúm xít túm túm gói gói, mặc ngoài kia trắng trời tuyết phủ…
Bánh tét chị gói bằng lá chuối đông đá, cho ra đòn bánh màu xám. Nước cốt dừa đóng lon thiếu hẳn vị tươi và thơm, nhưng chị nói ăn vẫn ngon như thường. Bạn bè bên đó ngày tết được chị tặng đòn bánh là mừng húm. Đôi khi miếng ăn không chỉ để đã cơn thèm, mà còn để nhắc nhớ…
Tôi nhớ tết năm anh chị và hai đứa nhỏ về Việt Nam. Vừa xuống sân bay, chị dặn mấy đứa em về quê sớm để gói bánh tét, làm mứt dừa mứt bí… Tôi trêu chị: “Ở bên đó thèm mấy thứ này dữ lắm sao?”. Chị ngậm ngùi nói là chị muốn cả nhà đông vui vậy thôi.
Hơn 20 năm ở xứ người, giấc mơ trở tới trở lui trong chị là những ngày giáp tết cả nhà quây quần gói bánh, làm mứt. Tiếng má càm ràm, tiếng mấy chị em rù rì rồi rúc rích cười, tiếng băm băm xắt xắt chộn rộn, khiến chị nôn nao… Thức giấc, chị chảy nước mắt nhớ quê nhà. “Chị muốn gợi lại ký ức, ghi dấu kỷ niệm cho hai đứa nhỏ”, lời chị như có muối, mặn đắng nỗi niềm.
Các con chị ba, bốn tuổi đã sang Mỹ. Trong ký ức của bọn nhỏ trống trơn những hình ảnh ngày rằm tháng Chạp lặt lá mai, 23 cúng tiễn ông Táo về trời, 25 đi tảo mộ ông bà. Rồi thì tát đìa bắt cá, trèo cây hái ổi, lội ruộng lụm trứng vịt… những trò trẻ con vui ngút trời, để tới lớn vẫn còn ngoái lại để thương.
Anh bạn tôi ở Pháp, mỗi lần thèm cơm cháy nấu bằng bếp củi, anh lại canh nồi cơm điện để bấm nút thêm lần nữa. Cơm cháy vàng rộm nhưng thiếu mùi khói bếp củi, thiếu tiếng gà gáy ban trưa, tiếng cá quẫy bên hè… nên anh tìm hoài không ra mùi vị cũ. Thằng con anh nhón miếng cơm cháy, chê: “Cơm cứng ngắc, có gì ngon mà ba ăn hoài”.
Dịp về quê, anh dẫn con ra vườn gom củi, rồi nhóm lửa nấu cơm, dạy con làm món tóp mỡ kho quẹt để chấm cơm cháy. Má anh xót cháu, la trời khi thằng nhỏ ho sặc sụa vì khói. Nhưng rồi má mừng húm khi thằng cháu thổi phù phù miếng cơm cháy, vừa nhai vừa khen: “Cơm cháy nhà nội ngon quá chừng”. Anh chảy nước mắt khi thấy thời gian như dừng lại. Thằng nhỏ là hình ảnh của chính anh hai mươi mấy năm trước.
Tôi cũng dắt con về quê đúng ngày rằm tháng Chạp để dạy con lặt lá mai. Cố tình dụ thằng nhỏ chụp vài tấm hình để lưu giữ khoảnh khắc con đứng bên cây mai cao ngất. “Cực còn hơn cô Tấm nhặt gạo với đậu”, thằng nhỏ than như thể bị đày. Nhưng rồi cả nhà mỗi người một tay, chỉ một lát cây mai đã thưa bớt lá. Đứa em họ tinh nghịch ném cả nắm lá mai vào con tôi, chị em rượt nhau chạy vòng vòng góc mai, cùng cười nắc nẻ… Thằng nhỏ tía lia cãi với chị họ “lá mai có mùi gì lạ lắm”. Ba tôi nói: “Là mùi tết đó con”…
Tôi muốn giống chị Hai, cần mẫn gieo hạt mầm yêu thương trên đất quê nhà, để bọn nhỏ biết thương, biết nhớ cội nguồn. Người có ký ức đẹp, nhất định sẽ là người sống có tình.
Theo phunuonline