Hết mấy ngày tết, bạn chuẩn bị trở lại thành phố. Má bạn đóng gói thực phẩm cho bạn mang đi. Gà vịt ba bạn mới làm lúc trời chưa sáng. Cá lóc cá trê má mua bữa trước. Sáng sớm má làm cá, còn cẩn thận chà chanh, ngâm qua nước muối. Rau cải, bầu bí mới cắt, còn lóng lánh sương đêm.

Vừa gói ghém, má vừa căn dặn: “Cá để lâu không ngon, con nấu cho tụi nhỏ ăn trước. Kho tiêu hay nấu canh chua đều được. Rau cải, bầu bí má bó lá chuối, để được vài ba ngày…”. Bạn nhìn má làm, nghe má dặn dò, lòng dâng lên cảm giác êm đềm. Bạn thấy mình như thể mới 18-20 tuổi, háo hức lao ra cuộc sống ngoài kia, để má ngóng theo, dặn này dặn nọ…

Lúc trẻ, bạn háo hức mong được rời nhà đi xa. Thành phố là nơi bạn xây đắp ước mơ, là tiền đồ sự nghiệp, cơ hội dấn thân. Bạn khao khát được bay cao bay xa. Như thể ở đó bạn mới thực sự được sống, được tồn tại.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa
 

Tết về nhà mấy ngày, bạn than buồn tẻ. Bạn đi chợ tết, hội họp bạn bè. Vì ngồi nhà, vào ra nghe chim kêu vịt kêu, nghe ba má kể lể dưa hấu mùa này được giá, bông cúc bông mai nở đều… bạn thấy không có gì mới mẻ. 

Rồi bạn lấy chồng, sinh con. Trải nhiều được mất trong đời, bạn ngán dần ồn ào náo nhiệt. Tất bật suốt 1 năm, bạn thèm tết đến được về nhà. Những hàng mai nở vàng trên đường về. Dòng sông quê êm đềm uốn lượn… cho bạn cảm giác bình yên.

Bước chân qua cổng nhà, hàng vạn thọ nở vàng một góc sân, chiếc khạp chứa nước lặng lẽ bên thềm nhà… bạn thấy nhẹ nhõm như thể sóng gió đã dừng lại ngoài kia. Nhà đón bạn bằng mùi khói nhang lãng đãng trên bàn thờ ông bà. Mùi thịt kho tàu đã đến hồi thấm rục. Mùi ổi chín ngoài vườn. Mùi sen nở êm đềm trong ao…

Má đang dở tay xào ngó sen với tôm đất, ngoái ra nhìn bạn, bật cười: “Mệt không con? Tụi nhỏ có say xe không? Nước dừa ba bây mới chặt, lấy cho tụi nhỏ uống cho mát”. Bạn nghe lòng mềm lại, mệt nhọc rơi đâu mất. Bạn ngẫm ra, bon chen cả đời cũng chỉ để tìm một chốn bình yên. Khi mỏi mệt, vấp ngã, có nhà để về; có quê, có mẹ cha để gửi gắm nỗi nhớ niềm thương đã là may mắn của một kiếp người.

Mấy ngày tết, bạn dắt con sang hàng xóm chúc tết. Ghé nhà nào cũng được mời ăn bánh mứt, cá lóc nướng trui, chả giò nhà làm… Có người nhắc: “Mới ngày nào con nhỏ còn mặc áo đầm chạy tung tăng, giờ con đùm con đề”. Bạn được dịp ngoái nhìn tuổi thơ. Nhớ đã từng háo hức đi khoe áo mới và được lì xì. Nhớ những bữa đi tát đìa, trèo ổi, hái lộc đầu năm…

Bạn đọc đâu đó viết rằng: ký ức đầy ắp kỷ niệm vui, khi lớn lên sẽ là người hạnh phúc. Bạn biết ơn ba má, xóm làng đã cho bạn tuổi thơ tròn đầy.

Mới mùng Ba tết, ba má bắt đầu gói ghém cho chuyến đi xa của bạn. Ba hái mấy trái bưởi để sẵn bên hiên nhà. Gà vịt nhốt sẵn vô chuồng. Má vô hũ mấy thứ mứt bí mứt me… Má thở dài: “Loay hoay là hết tết”. Bạn quay đi để má không thấy mình rưng rưng.

Ảnh mang tính minh họa - TTD
Ảnh mang tính minh họa - TTD

Cả nhà bạn đi rồi, cửa nhà vắng vẻ, ba má hiu quạnh một mình. Cả 1 năm ba má dành dụm tích góp, chỉ để đón con cháu về nhà. Chưa kịp vui được mấy lại đùm túm tiễn con cháu đi, sao mà không buồn.

Xe tới rước, bạn khuân mấy thùng đồ lên xe, nghe lòng dạ xốn xang. Bạn hẹn tới đám giỗ nội tháng Ba, tụi con lại về. Nói vậy để ba má đỡ tủi. Nhưng lúc xe rời đi, nhìn bóng mẹ cha còm cõi vẫy tay bên vệ đường, bạn không cầm được nước mắt. Một phần máu thịt bạn đã gửi lại nơi này.

Bạn đi bao lâu và bao xa, nơi đáng để về vẫn là nhà. Bạn bao nhiêu tuổi, vẫn mãi là đứa con bé nhỏ của mẹ cha. Nhà luôn là chốn bình yên của mọi đứa con xa quê. 

Theo phụ nữ TPHCM